Công tác tổ chức xây dựng Đảng khu vực miền Bắc: Một năm nhiều khởi sắc

Nguyễn Văn Tùng Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Tổ chức Trung ương

Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng khu vực miền Bắc, ngày 22-6-2023.

Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng khu vực miền Bắc, ngày 22-6-2023.

Những kết quả nổi bật

Triển khai có hiệu quả chương trình, nhiệm vụ trọng tâm về công tác tổ chức chức xây dựng Đảng theo Kết luận số 08-KL/BTCTW ngày 4-1-2023 của Ban Tổ chức Trung ương và chương trình công tác năm 2023 của các tỉnh ủy, thành ủy.

Các tỉnh miền Bắc tiếp tục quán triệt, triển khai các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương (khóa XIII) về công tác tổ chức xây dựng Đảng, tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) và các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1-12-2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, quán triệt, triển khai và cụ thể hóa các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng, như: Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị “về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”; Kết luận số 50-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Quy định số 124-QĐ/TW ngày 4-10-2023 của Bộ Chính trị “về đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”; Kết luận số 35-KL/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị “về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị “về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”…

Công tác luân chuyển cán bộ tiếp tục được đẩy mạnh gắn với chủ trương bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND không là người địa phương và điều chuyển cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện đã giữ vị trí công tác quá 2 nhiệm kỳ (8 năm trở lên).

Các tỉnh ủy, thành ủy tích cực thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Đến nay, đã có 18 tỉnh, thành ủy trong khu vực có bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương (64,3%); 14 chủ tịch UBND cấp tỉnh không là người địa phương (50%). Tương tự, cấp huyện có khoảng 80% bí thư cấp ủy và 70% chủ tịch UBND không là người địa phương. Cấp xã, khu vực phường, thị trấn có 90% bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND không là người địa phương, khu vực nông thôn khoảng 30%. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đều có kết quả tín nhiệm cao.

Căn cứ Quy định số 80-QĐ/TW và Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, một số tỉnh đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu cấp ủy, BTV cấp ủy để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương trong tình hình mới. Đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản về công tác cán bộ cho phù hợp với thực tiễn. Đa số các tỉnh, thành ủy đã xây dựng, ban hành đề án về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo các cấp. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”…

Các tỉnh, thành ủy đã cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thành quy định của cấp mình. Đồng thời, thực hiện điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý đã giữ vị trí công tác từ 8 năm trở lên đối với các chức danh phó bí thư thường trực cấp ủy cấp huyện, phó giám đốc các sở, ban, ngành. Chủ trương này đã thúc đẩy cán bộ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn, đào tạo cán bộ toàn diện hơn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, là bước chuẩn bị nguồn nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Cùng với điều chuyển cán bộ, các tỉnh miền Bắc tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031. Căn cứ các vị trí đã được quy hoạch, các cấp ủy, tổ chức đảng đánh giá năng lực và kết quả rèn luyện phấn đấu, mạnh dạn thay thế, điều chuyển những cán bộ “sợ sai, sợ khuyết điểm, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; thực hiện việc rà soát quy hoạch, đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi quy hoạch, đồng thời bổ sung cán bộ đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch những vị trí còn thiếu. Đến thời điểm 6 tháng cuối năm 2023, các tỉnh miền Bắc đã dần khắc phục được tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh công việc, không dám làm, sợ trách nhiệm. Việc luân chuyển và điều động cán bộ đã tạo ra luồng sinh khí mới, cán bộ được tin tưởng giao nhiệm vụ đã thực sự phát huy được năng lực, sở trường, an tâm công tác, có nhiều sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm ở vị trí công tác mới.

Đổi mới, sắp xếp, tái cấu trúc, hợp lý hóa tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Thực hiện Thông báo số 16-TB/TW ngày 7-7-2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khoá XII), các tỉnh miền Bắc dừng thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng (chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy tỉnh đồng thời là chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh đồng thời là giám đốc sở nội vụ; trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện; chánh văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là chánh văn phòng HĐND và UBND cấp huyện). Chủ động sắp xếp lại tổ chức bộ máy các ban tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh sau khi Ban Bí thư sửa đổi Quy định số 04-QĐ/TW và ban hành Quy định số 137-QĐ/TW ngày 1-12-2023 “về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương”. Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khối giáo dục, y tế, văn hóa, khối đảng, đoàn thể theo hướng vừa sáp nhập, vừa cơ cấu lại tổ chức đầu mối bên trong, vừa đẩy mạnh cơ chế tự chủ.

Đã chủ động triển khai Kết luận số 28-KL/TW ngày 21-2-2022 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Đồng thời, thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 3-1-2023 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Nét mới của các tỉnh miền Bắc là đều ban hành nghị quyết hoặc kết luận về nâng cao chất lượng TCCSĐ, chất lượng đảng viên. Công tác phát triển đảng viên ở vùng có đạo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được đẩy mạnh. Đã chủ động quan tâm công tác quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đưa cán bộ là trưởng, phó phòng, ban cấp huyện, cán bộ trẻ về làm việc tại xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên cơ sở; ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên; hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo cụ thể hóa Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27-12-2022 của Ban Bí thư “về thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên”.

Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Bám sát Quy định số 10-QĐi/TW ngày 12-2-2018 của Bộ Chính trị “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, BTV cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, các tỉnh ủy, thành ủy đã cụ thể hoá, xây dựng quy chế làm việc của cấp mình. Việc điều hành của cấp ủy, BTV cấp ủy linh hoạt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, đề cao vai trò của tập thể và người đứng đầu. Đã thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết, nhất là các nghị quyết chuyên đề, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường ở các cấp. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Tuy nhiên, công tác tổ chức, xây dựng Đảng các tỉnh, thành phố miền Bắc vẫn còn một số hạn chế. Ở một số đảng bộ, việc cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, tính thuyết phục và tính chiến đấu chưa cao. Công tác xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn, tiến triển chậm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số TCCSĐ còn yếu, còn nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật. Chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, nhất là ở vùng sâu, vùng núi cao và ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Những kinh nghiệm và hướng tới

Một là, chủ động triển khai và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương; đồng thời phải cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương sát với thực tiễn.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Ba là, mạnh dạn giao việc khó, luân chuyển cán bộ trẻ đến những nơi khó khăn để thử thách, rèn luyện; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm tiêu chí quan trọng để đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ, tạo nguồn cán bộ.

Bốn là, coi trọng bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bởi cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định thực hiện thắng lợi việc thực hiện mọi nghị quyết của Đảng.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Năm 2024 là năm quyết định kết quả thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với quyết tâm “cán đích” thành công, các tỉnh ủy, thành ủy miền Bắc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng; trong đó nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt là đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bám sát nhiệm vụ theo chương trình công tác năm của Ban Tổ chức Trung ương và BTV cấp ủy để làm tốt công tác tham mưu, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện tốt các nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng.

Chủ động tham mưu, chuẩn bị thật tốt các nội dung văn bản chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy, đồng thời thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ để chuẩn bị nguồn nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; củng cố, xây dựng TCCSĐ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh tới cơ sở. Sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau sáp nhập các đơn vị hành chính; làm tốt công tác cán bộ, trong đó trọng tâm là sắp xếp đội ngũ cán bộ và chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất