Luận bàn về bảo đảm nhân quyền trong phát triển nhanh, bền vững gắn với bao trùm

Về phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm

Phát triển bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau” thực chất là kiểu phát triển luôn bảo đảm các kết nối theo chuỗi giữa sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng; giữa hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các thành phần, khu vực kinh tế khác nhau; giữa kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội; giữa phát triển trong và ngoài nước; giữa QCN, quyền công dân với phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ môi trường; giữa các khía cạnh liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau của các QCN...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc thực hiện "phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm" là nhằm đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để giảm khả năng, nguy cơ tụt hậu và bị gạt ra rìa trước các xu thể, thể chế phát triển toàn cầu đồng thời tăng cường năng lực "đi tắt, đón đầu", thích ứng, làm chủ nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, bản chất của toàn cầu hóa là liên kết khắp hành tinh các hoạt động, giao lưu quốc tế thông qua các mạng lưới thiết chế (tổ chức khu vực, quốc tế, nhóm nước phát triển như G7, G20, OECD, CPTPP...) và thể chế (tuyên ngôn, công ước, hiệp ước,...) toàn cầu cũng như thúc đẩy các QCN phổ quát. Hệ quả là thu hẹp các khoảng không gian quốc tế, làm lu mờ các đường biên giới quốc gia và tăng cường trách nhiệm quốc tế của các nhà nước quốc gia.

Vì thế, so với giai đoạn quốc tế hóa trước đây, các quan hệ toàn cầu trong bảo đảm QCN mang tính khách quan nhiều hơn trước, chịu sự tác động của các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, các công ty xuyên quốc gia, các mạng lưới thiết chế và thể chế toàn cầu,.... trên nền tảng in-tơ-nét. Do đó, hội nhập quốc tế ngày nay là tất yếu, vượt lên ý chí chủ quan và thực chất là một sự liên kết có tính cạnh tranh để chủ động sinh tồn, phát triển đồng thời giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến quyền lợi quốc gia. Nhưng trong bối cảnh quốc tế đó, nhất là khi đất nước đã vượt qua giai đoạn kém phát triển, đã gợi mở khả năng phát triển nhanh để thực hiện lý tưởng, khát vọng đổi mới sáng tạo nhằm mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”, tận dụng những cơ hội mà các cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất và các phong trào nhân văn, dân chủ quốc tế mang lại nhằm tăng cường bảo đảm và bảo đảm có hiệu quả, hiệu lực QCN trong quá trình xây dựng “xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với các tiêu chí phát triển vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Phát triển nhanh theo hướng bền vững gắn với bao trùm đòi hỏi kết nối một cách toàn diện việc bảo đảm quyền kinh tế với quyền xã hội, trên cơ sở thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đồng thời bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội gắn với quyền văn hóa (quyền tham gia bình đẳng vào đời sống văn hóa, quyền thụ hưởng các hoạt động, sản phẩm văn hóa và được bảo vệ hay bảo hộ trong hoạt động văn hóa) một cách đồng bộ để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Cần nhấn mạnh việc bảo đảm bền vững các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa dù đạt thành tựu đến đâu mà con người, xã hội loài người không được phát triển toàn diện, đặc biệt không được tái tạo bền vững về thể chất, tinh thần, giới tính người và các thế hệ người thì hầu như không có ý nghĩa thực tế. Chẳng hạn hiện nay, sự giảm sút dân số là một dấu hiệu tiêu cực có tính cốt lõi về tính chất chưa bền vững, chưa bao trùm trong phát triển tại một số nước phát triển ở Tây Âu và Nhật Bản. Muốn vậy, cần hướng quá trình phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm hướng vào việc kết nối hài hòa giữa bảo đảm các QCN, quyền công dân của người dân theo thể chế kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước pháp quyền XHCN với quan hệ con người - quan hệ công dân trong đời sống xã hội nhằm tạo nên sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các giai tầng trong xã hội, giữa các giới nam và nữ trong điều kiện phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội hiện nay. Nhờ đó, bảo đảm QCN, quyền công dân theo hướng công bằng, bình đẳng nhằm phát triển con người toàn diện phù hợp với chỉ số phát triển con người (HDI) và bình đẳng giới (GDI). Trên cơ sở đó mới có thể phát triển bền vững gắn với bao trùm đời sống xã hội của con người, đặc biệt tái sản sinh bền vững con người về thể chất, tính thần, giới tính và các thế hệ người.

Phương hướng triển khai, thực hiện

Một là, kịp thời phát hiện những nội hàm mới của bảo đảm QCN trong phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm (hay phát triển theo chuỗi). Bởi ngày nay, sự phát triển của bất kỳ khu vực kinh tế, chính trị nào, hay lĩnh vực xã hội, văn hóa nào, thậm chí dù ở khía cạnh nhỏ lẻ nhất định nào đó, cũng không thể diễn ra riêng rẽ, rời rạc và không thể mang tính tự thân. Trong điều kiện ấy, chỉ có thể đạt được sự phát triển nhanh - bền vững nếu bảo đảm QCN theo cách thức phát triển bao trùm, mà thực chất là kết nối các khía cạnh thống nhất, liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau trong đặc trưng của các QCN. Gần giống như cách thức phát triển trước đây, bảo đảm các quyền kinh tế là để phát triển các quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa và ngược lại, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, là để phát triển kinh tế. Song điểm mới ngày nay là ở chỗ: Nếu không có sự kết nối bao trùm hay theo chuỗi giữa chúng thì rất khó thực hiện việc tăng cường bảo đảm QCN cũng như phát triển của bản thân từng lĩnh vực cụ thể, như kinh tế, xã hội,...

Hai là, tăng cường bảo đảm tính thống nhất, liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau giữa bảo đảm quyền quốc gia - dân tộc và bảo đảm quyền của mỗi người, quyền bình đẳng của các cộng đồng khác nhau trong quốc gia - dân tộc. Ngày nay dưới tác động của phân hóa giàu nghèo theo cơ chế thị trường, lại càng thấm thía tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền quốc gia - dân tộc  (chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết dân tộc và quyền phát triển kinh tế - xã hội...)  phải luôn xuất phát và gắn với bảo đảm quyền của mỗi người, quyền bình đẳng của các cộng đồng khác nhau (giới, dân tộc, tôn giáo,...) trong quốc gia - dân tộc. Mấu chốt cho việc kết nối biện chứng này là phải xuất phát và hướng đến quyền sinh kế (dân sinh) và dân chủ (dân quyền) trên tất cả các phương diện của quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Bởi lẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Các giải pháp cụ thể gồm: Tiếp tục gắn bảo đảm QCN với quyền phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc trong công cuộc đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN; Tiếp tục xây dựng thể chế pháp quyền của con người, của công dân bình đẳng, tương tác với thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước nhằm “tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ..., bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...”; Chú trọng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ những quyền mới phát sinh trong bảo đảm QCN; Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ở xã, phường, thị trấn” cũng như hoàn thiện các nghị định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, doanh nghiệp, phù hợp với nội hàm rộng lớn hơn của cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Bảo đảm quyền an sinh xã hội gắn với an ninh con người, an ninh quốc gia; Bảo vệ quyền về môi trường thông qua đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Coi trọng thực hiện bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhằm “nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh...”; Tăng cường hoạt động tư pháp trong bảo vệ công lý, QCN, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đấu tranh có hiệu quả với mọi loại tội phạm và vi phạm; Đổi mới, nâng cao hiệu quả trách nhiệm bảo đảm QCN của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Ba là, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn, thách thức trong phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm như: Tính chất phát triển bao trùm hay phát triển theo chuỗi “hai trong một” hoặc ”nhiều trong một” không làm nội hàm của phát triển trở nên chồng chéo, có khi “có tính bùng nhùng”, thiếu trọng tâm, trọng điểm hay làm lu mờ mũi nhọn đột phá có tính đặc thù của riêng việc tăng cường bảo đảm quyền kinh tế hay quyền xã hội, văn hóa, môi trường,... Công nghiệp 4.0, công nghệ xanh và kinh tế tuần hoàn, xã hội thông minh 5.0... sẽ giúp con người xử lý thông minh, hiệu quả tính chồng chéo có thể phát sinh trong quá trình kết nối theo chuỗi của việc tăng cường bảo đảm QCN. Chẳng hạn trong năm 2019, Việt Nam tiệm cận được với những nước đi đầu và đang tự mình phát triển công nghiệp công nghệ 5G, cả phần mềm và phần cứng; Với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với 4G, công nghệ 5G là cơ sở để phát triển có tính đột phá nhiều lĩnh vực khác (nhà thông minh, xa lộ thông minh, đô thị thông minh, dữ liệu lớn, kết nối con người và vạn vật,...). Từ trình độ đó có khả năng xử lý nhanh và hiệu quả tính chồng chéo theo chuỗi trong bảo đảm nhân quyền mà thực chất là bảo đảm tính thống nhất, liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau của các QCN. Kinh nghiệm của LHQ trong triển khai, thực hiện Chương trình phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2001-2015 với 8 mục tiêu và Chương trình nghị sự phát triển bền vững giai đoạn 2016-2030 với 17 mục tiêu cho thấy, càng mở rộng nội dung, mục tiêu phát triển bền vững thì càng mở rộng nội hàm phát triển bao trùm và tăng cường bảo đảm QCN theo kiểu bao trùm.

Bốn là, chủ động bảo đảm QCN trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay. Trong đó chú trọng đẩy mạnh bảo đảm quyền về sức khỏe, an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm, có việc làm, thu nhập, an sinh xã hội nói chung trước tác động của đại dịch COVID-19 và sự phát triển các “quyền trực tuyến” trong quá trình chuyển mạnh sang nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số; tìm kiếm cách thức mới trong bảo đảm QCN thích ứng với hướng phát triển mới, thị trường mới; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lãnh đạo, quản trị và khoa học, công nghệ để nâng cao năng lực thực hiện nghĩa vụ bảo đảm QCN của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong thực hiện trách nhiệm bảo đảm QCN theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, cơ sở nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của địa phương, cơ sở...; Xây dựng chế độ khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám đột phá, đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm tăng cường bảo đảm QCN hiệu lực, hiệu quả; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của bộ máy Nhà nước và của cả người dân nhằm thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, QCN, quyền công dân.

Chủ động bảo đảm QCN trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó chú trọng đẩy mạnh bảo đảm quyền về sức khỏe, an toàn thân thể, danh dự,  nhân phẩm, có việc làm, thu nhập, an sinh xã hội nói chung trước tác động của đại dịch COVID-19 và sự phát triển các “quyền trực tuyến” trong quá trình chuyển mạnh sang nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số; tìm kiếm cách thức mới trong bảo đảm QCN thích ứng với hướng phát triển mới, thị trường mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất