Nỗ lực vượt thách thức, bảo đảm quyền con người


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc Tết đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đặt con người là trung tâm của sự phát triển

Luôn kiên trì, nhất quán chính sách đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị dưới dự lãnh đạo của Đảng đã đồng lòng, chung sức cùng với sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới. Những chính sách kịp thời, đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ, bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta. Đóng góp vào những nỗ lực, thành quả chung đó, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan thành viên cũng như Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương nỗ lực vượt khó khăn và đạt được những kết quả nổi bật.

Thứ nhất, chính sách, pháp luật về quyền con người tiếp tục được hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả.

Trong năm 2021, Quốc hội thông qua 02 luật, 05 nghị quyết và cho ý kiến đối với 05 dự án luật; chuẩn bị 05 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 733 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương ban hành 3.622 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh (tăng 13,7% so với 2020). Điểm nổi bật là đã xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi COVID-19.

An sinh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương được bảo đảm với hàng loạt các chính sách được xây dựng, hoàn thiện về giảm nghèo, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, các đối tượng bảo trợ xã hội…) như: Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030. Các địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật; kịp thời xử lý phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo mới phát sinh; không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự.

Thứ hai, công tác đối ngoại về nhân quyền được đẩy mạnh, tăng cường vị thế của Việt Nam.

Chúng ta tiếp tục thúc đẩy đối thoại, trao đổi thắng thắn trên tinh thần xây dựng, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế với những thành tựu, ghi nhận sự tham gia đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, qua đó giảm bớt khác biệt, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước đối tác chủ chốt. Trong đó, đã tham gia tích cực các khóa họp thường niên và các phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quvền LHQ, các Khóa họp của Ủy ban 3 Đại hội đồng LHQ, Ủy ban Phát triển Xã hội (CSocD), Diễn đàn thường trực về người bản địa của LHQ… Tổ chức Đối thoại nhân quyền với Mỹ, Úc. Chủ động cung cấp thông tin về chính sách, nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, giải tỏa quan tâm của các nước, các cơ chế nhân quyền LHQ; đấu tranh với các thông tin sai trái, xuyên tạc.

Triển khai xây dựng dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III. Đây là sáng kiến của Việt Nam được các đối tác đánh giá cao vì ta thuộc số ít các nước trên thế giới có Báo cáo giữa kỳ tự nguyện (tính đến tháng 11-2021, mới có 17 nước nộp Báo cáo giữa kỳ của chu kỳ III).

Đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực nhân quyền được duy trì hiệu quả với tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân năm 2021 đạt khoảng 172 triệu đô-la Mỹ hỗ trợ các lĩnh vực phòng, chống COVID-19, giáo dục đào tạo, y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ người khó khăn và người khuyết tật, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường,…

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục về nhân quyền đạt những kết quả đáng ghi nhận

Với sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền về nhân quyền đã được triển khai sâu rộng, nội dung phong phú, đa dạng về hình thức với các chuyên mục, chuyên trang nhân quyền, qua đó giúp lan tỏa thông tin, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, thành tựu bảo đảm quyền con người đồng thời cảnh giác trước các thông tin sai lệch.

Công tác giáo dục nhân quyền cũng có dấu ấn mới, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về quyền con người. Mới đây, ngày 21-12-2021, Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được ký, ban hành nhằm tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác giáo dục nhân quyền.

Thứ tư, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác nắm tình hình, đấu tranh với hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các quyền con người. Chủ động phản bác thông tin, luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân và các hành vi tán phát tin giả gây hoang mang dư luận; tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc. Tính đến tháng 11-2021, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 2.857 bài viết, Google đã gỡ 9.680 video vi phạm trên Youtube, Tiktok đã chặn, gỡ 1.081 video (nội dung tiêu cực, sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 và có nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, quyền lợi cộng đồng...).

Chủ động thích ứng bối cảnh mới

Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 tuy cơ bản đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát do những biến thể mới. Trong nước, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức hậu đại dịch để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các quyền con người. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước cũng vẫn khai thác vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động chống phá Đảng, Nhà nước, gây bất ổn xã hội.

Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành thành viên và các địa phương cần xác định rõ công tác nhân quyền là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và là trách nhiệm chung của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trong đó cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt là các chính sách về tôn giáo, dân tộc, đất đai, lao động, hướng đến các đối tượng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19. Chủ động nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục.

Hai là, nghiên cứu, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo đảm an ninh con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó chú trọng nghiên cứu, tham mưu chính sách, pháp luật bảo đảm an ninh con người trên 07 lĩnh vực gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề nhân quyền.

Ba là, tiếp tục phát huy các kênh đối thoại song phương về nhân quyền với Mỹ, EU, Úc, trao đổi với nhóm các nước phương Tây để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để giải tỏa quan tâm. Thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ theo các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, ký kết; trả lời đầy đủ và đúng hạn các kháng thư về nhân quyền; tích cực phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn quốc tế về nhân quyền. Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả của kênh đối ngoại nhân dân; đa dạng hóa nguồn viện trợ và mở rộng đối tượng vận động viện trợ.

Bốn là, mở rộng các kênh, phương thức tuyên truyền đối nội và đối ngoại nhằm quảng bá thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, khẳng định việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là ưu tiên cao nhất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó, tăng cường thông tin, đánh giá tích cực của quốc tế, nhất là về những nỗ lực của Việt Nam bảo đảm sức khỏe, tính mạng và an sinh cho người dân trong đại dịch, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững, bao trùm, với mục tiêu xuyên suốt “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm là, công tác đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền cần tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các yếu tố gây mất ổn định chính trị trong nước. Đây là yếu tố nền tảng để tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các quyền con người trên thực tế. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền theo đúng pháp luật. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh và có lập luận rõ ràng để phản bác thông tin sai lệch về việc ta xét xử số đối tượng vi phạm pháp luật được gọi là “nhà bảo vệ nhân quyền”, “bất đồng chính kiến”.

Bảo đảm quyền con người luôn song hành với đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá lợi ích của đất nước và nhân dân. Đây là nhiệm vụ then chốt trong công tác nhân quyền và cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân. Trong bối cảnh “bình thường mới”, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực cao nhất để hiện thực hóa mục tiêu về quyền con người. Đúng như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “… lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”.

Trong năm 2021, Quốc hội thông qua 02 luật, 05 nghị quyết và cho ý kiến đối với 05 dự án luật; chuẩn bị 05 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất