Cựu chiến binh Trường Sơn giữa đời thường

Vững vàng “chiếc gậy Trường Sơn”

Chúng tôi tìm về gia đình Thiếu tá Nguyễn Quốc Việt, là cựu chiến binh đường Trường Sơn năm xưa ở ấp Cấp Giang, xã Suối Tre, Long Khánh (Đồng Nai). Ông kể, quê gốc của ông ở làng Tân Hưng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Tháng 5- năm 1965, khi chưa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã chia tay gia đình, quê hương, đồng ruộng, lên đường nhập ngũ. “Khí thế hồi ấy sôi nổi lắm chú ạ, nhất là khi biết mình sẽ được đi ngay lên tuyến đầu vào Trường Sơn, mặc dù chưa biết trước nhiệm vụ mình sẽ làm gì ở đấy, nhưng vui lắm, cứ nghe hoài bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” là thấy trong lòng rạo rực cả lên, muốn đi ngay, không chần chừ, lấn cấn gì cả”, ông nói.

Ông rời quê hương vào tuyến lửa Trường Sơn khi đã bước vào giai đoạn 2 của quá trình xây dựng tuyến đường lịch sử. Đó là giai đoạn củng cố và phát triển từ gùi thồ hàng trên vai bộ đội, sang giai đoạn phá đá mở đường xuyên rừng rậm để những chuyến xe hàng hoá, trang bị vũ khí và con người ngày đêm qua lại đi vào tuyến lửa chiến trường Quảng Trị, Khu 5 và Đông Nam Bộ.

Khi mới nhập ngũ, ông được biên chế về tiểu đội trinh sát thuộc tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 119, còn gọi là Tiểu đoàn Bình Ca (Quân khu Việt Bắc). Sau thời gian huấn luyện, ông chiến đấu trên cương vị là chiến sĩ trinh sát, thuộc lực lượng cao xạ pháo (phân đội phòng không bảo vệ tuyến lửa Trường Sơn). Sống cùng với anh em trong Binh trạm nhưng làm nhiệm vụ trinh sát mở đường và canh trời, ông đã tham gia nhiều hoạt động trinh sát mở đường, đánh nhiều trận đáng nhớ trên tuyến đường này và cũng có nhiều sáng kiến góp phần vào công việc “canh giặc trời” để bảo vệ tuyến đường được thông suốt.

Trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng ác liệt đó, không biết bao nhiêu trận đánh đã diễn ra, không có ngày, đêm nào là không có máy bay địch hoạt động đánh phá, chúng thường tổ chức đánh theo tốp, từng chiếc cắt bom và bay ra ngay vì sợ lực lượng phòng không của ta. “Nhưng chúng tôi vẫn nhận ra được những quy luật hoạt động của nó”- ông Việt cho biết.

Sáng tạo trong gian nan

Đã từng lăn lộn những năm tháng Trường Sơn, ông vẫn như thuộc lòng về các địa điểm trên tuyến huyết mạch quan trọng này. Nào Xuân Sơn điểm khởi đầu của Đường 20 Quyết Thắng, nào dốc Ta-lê, Pu-la-nhích, cua chữ A, dốc Con Mèo…  Chứng kiến sự hi sinh gian khổ của đồng đội, ông cảm phục sức cảm hoá của đội ngũ cán bộ các cấp trong công tác tư tưởng, giáo dục bộ đội. Lính ta trẻ măng, chỉ mười chín đôi mươi, ở nhà nhiều cậu chắc còn sợ ma, không dám ra đường một mình. Thế mà khi vào Trường Sơn làm nhiệm vụ lái xe một mình vượt Trường Sơn, không sợ bất cứ điều gì. Chết cũng một mình, bị thương cũng một mình.

Gắn với tuyền đường Trường Sơn, có biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ, nhưng kỉ niệm làm ông nhớ mãi và luôn day dứt là trận đánh tại km 26 (đường B45). Vào một chiều đầu năm 1968, đế quốc Mỹ cho máy bay trinh thám đi trước, sau đó dùng máy bay đánh phá ác liệt vào trọng điểm Binh trạm 34 của ông. Sau trận đánh, bộ đội ta rất anh dũng bắn trả quyết liệt và làm bị thương máy bay địch. Khi trinh sát phát hiện có vệt máy bay địch bị cháy cách vị trí đơn vị khoảng 3km, đơn vị cử ông và Trung đội phó Lanh (quê Hải Dương) cùng đi tìm vệt khói nghi ngờ là máy bay cháy. Hai ông nhận nhiệm vụ và hành quân đi suốt hơn hai ngày, tìm khắp những vệt khói nhưng không thể phát hiện ra, nên đành quay về đơn vị cũ. Khi quay trở lại, địch đánh phá vào trọng điểm của đơn vị ông, nhiều đồng chí trong đơn vị hi sinh anh dũng, hơn 40 đồng chí của một đơn vị hành quân từ miền bắc vào, chủ yếu là bộ đội quê Thanh Hoá, Phú Thọ vừa huấn luyện xong cũng hi sinh trong trận này. Và chỉ mấy ngày sau đó, người đồng đội vừa mới đi cùng ông tìm kiếm xác máy bay của địch bị rơi cũng hi sinh anh dũng trong một trận tập kích đường không bằng bom B52 của Mỹ.

Từ năm 1965, ông Việt đã có mặt công tác trên tuyến lửa Trường Sơn, với nhiều cương vị khác nhau, nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính trong gian nan, bom rơi đạn nổ, trong hoàn cảnh khó khăn, ông là người đã nghiên cứu thành công thước mô hình xác định độ cao của máy bay các loại bằng phương pháp thủ công, từ vật liệu là các mảnh máy bay của địch. Khi sử dụng thước đo độ cao này, các pháo thủ của ta trên mâm pháo sẽ ước lượng được cự li, độ cao, cùng với các phần tử trên máy ngắm và ống kính đo xa của các trắc thủ, sẽ cho ra nhanh kết quả, giúp cho khẩu đội trưởng quyết định hạ lệnh phần tử bắn tiêu diệt máy bay khi đã vào vị trí tầm và hướng bắn có hiệu của các loại pháo cao xạ.

Với việc sáng kiến thước đo độ cao của máy bay, sản phẩm của ông Việt nhanh chóng được phổ biến trong các đơn vị phòng không trên tuyến lửa và áp dụng tiêu diệt ngày càng nhiều máy bay địch. Cũng chính từ sáng kiến này, khi đơn vị ông đã lùi vào sâu đóng quân bảo vệ bến phà Long Đại, ông đã được cấp trên khen thưởng, được đi báo cáo trong tổng kết 14 năm mừng công của Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) ở xã Hiền Minh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Tại đây, ông Việt được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng động viên khích lệ, với ông đó là phần thưởng, niềm động viên vô giá giúp ông vững vàng ý chí trong chiến đấu.

Sau Hiệp định Pa-ri, tiểu đoàn của ông đã phát triển thành Trung đoàn pháo cao xạ 31 của Bộ tư lệnh 559. trên cương vị đại đội phó Đại đội 40 thuộc Trung đoàn 232 (Quân đoàn 3), ông lại hành quân cùng đồng đội tham gia tích cực vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đời thường trọn nghĩa vẹn tình

Về với đời thường, đã nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông làm hết các cương vị từ chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch phường, bí thư chi bộ. Dù ở cương vị nào, phẩm chất bộ đội Trường Sơn trong ông luôn toả sáng.

Những lần thấy ông không được khỏe, bà khuyên ông nên nghỉ ngơi. Nhưng với tâm huyết của một người lính Trường Sơn, ông coi việc tham gia công tác xã hội là trách nhiệm của người lính cụ Hồ, thêm niềm vui tuổi già. Cái làm được lớn nhất trên cương vị bí thư chi bộ, chủ tịch phường là tạo nên sự đồng sức đồng lòng, trung tâm đoàn kết, động viên mọi đảng viên và quần chúng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Ở chi bộ tôi, đây là một điểm nhấn quan trọng tạo nên tính hiệu quả thiết thực trong phong trào nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa khu dân cư của Long Khánh, ông nói.

Ở Long Khánh, nhiều phong trào cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa, sống nghĩa tình vì đồng chí đồng đội luôn được duy trì và phát huy hiệu quả. Từ những phong trào này mà mỗi người, mỗi nhà có cựu chiến binh đều là những tấm gương cho con cháu, xóm làng, khu phố. Sức lan tỏa những mô hình, những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng dân cư ngày càng rộng rãi. Về Long Khánh, khi hỏi thăm đến, không ai ở địa bàn không biết về tấm gương cựu chiến binh Nguyễn Quốc Việt - Bộ đội Trường Sơn, người lính Cụ Hồ luôn tỏa sáng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất