Chuyện về người cha liệt sĩ ở thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ)
Ông Hà Văn Thực chăm sóc vườn cây cảnh tại nhà.

Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh, ông cùng các thanh niên trong làng Đông Viên, Vực Câu, Thanh Nga, Sai Nga với vũ khí là gậy gộc, dao quắm …đi giành chính quyền ở huyện lị Cẩm Khê, bắt sống quan huyện giao nộp cho chính quyền cách mạng. Sau đó ông gia nhập đội du kích cùng nhân dân tiêu thổ kháng chiến. Năm 1949 ông được kết nạp vào Đảng và được cử làm Xã đội trưởng xã Đông Phú, được bầu làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm cửa hàng mua bán ở xã rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú nhiều năm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, người con trai đầu của ông là anh Hà Văn Yến đã tình nguyện vào Nam chiến đấu và anh dũng hi sinh năm 1968. Hai năm sau khi anh Hà Văn Yến hy sinh, người con trai thứ 2 của ông là anh Hà Ngọc Oanh, lúc đó mới 17 tuổi lại tình nguyện tiếp bước theo anh trai vượt đỉnh Trường Sơn đi đánh Mỹ. Người con gái lớn là Hà Thị Tiếu cũng xung phong vào quân khí. Bà con trong làng, xã thường lấy tấm gương của gia đình ông để động viên con cháu lên đường cứu nước.

Khi tuổi đã cao cũng là lúc đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Mong muốn phát triển kinh tế gia đình phù hợp với sự phát triển của đất nước, ông động viên gia đình làm kinh tế. Ông cùng gia đình đào ao thả cá, nuôi lợn nái, lợn bột, tay cuốc tay gầu, trồng rau, làm vườn cây ăn quả...Cả gia đình chăm chỉ làm lụng, không quản ngày đêm, mưa nắng. Trồng cây cũng có ngày hái quả, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Gia đình ông được bầu là gia đình sản xuất giỏi của địa phương. Ông được địa phương bầu làm Hội trưởng Hội Làm vườn thị trấn Sông Thao, mời đi báo cáo điển hình tại hội nghị thi đua của huyện Cẩm Khê.

Chia sẻ với các gia đình liệt sĩ, ông nói: Mình phải sống sao đừng phụ sự hi sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ nói chung và của chính con em mình… Ông đến từng nhà vận động bà con thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tận tình hướng dẫn bà con chăn nuôi, làm vườn, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

Từ năm 2000 đến nay, ông tham gia vào nhóm thơ “Ta và đời” ở thị trấn Sông Thao, các cụ trong nhóm cử ông làm nhóm trưởng. Có dịp mở lòng mình với mọi người, với chiếc xe đạp đơn sơ, quyển sổ, cây bút, ông cùng các cụ trong nhóm giao du nhiều nơi trong huyện, sang cả huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, thị xã Phú Thọ, TP. Việt Trì … tìm tư liệu viết bài gửi đài, báo. Nhóm thơ “Ta và đời” ra được 10 tập thơ, ông đóng góp nhiều bài, thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương. Mỗi bài của ông dù là văn xuôi hay văn vần đều là những câu chuyện được chắt gạn từ cuộc sống. Lời thơ của ông tuy mộc mạc nhưng thấm đậm tình người. Bởi thế, những ai đã từng đọc thơ ông, sẽ có những thổn thức khi buồn, khi vui, có lúc sâu lắng nghĩ suy,  lúc lại trào dâng niềm hi vọng về cuộc sống tươi đẹp.

Ông thường dặn con cháu: Trong dòng chảy bất tận bộn bề của cuộc sống đừng bao giờ quên công ơn của Bác Hồ, của Đảng, của bao người đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước để ta có cuộc sống an lành ngày hôm nay "Quê xưa xác xơ nghèo đói/Nhà nay tưng bừng ngói mới đỏ tươi”.

Ông nói với chúng tôi: Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà ở hướng ta đang đi.

Từng bộn bề âu lo, từng muôn vàn mưa nắng, đến nay ông Hà Văn Thực dù đã 95 tuổi đời, 68 năm tuổi Đảng – một lão thành cách mạng nhưng đôi mắt ông vẫn sáng, trí tuệ vẫn tinh thông, vẫn sớm chiều “thả bộ” trên đường, vẫn văn thơ ngợi ca cuộc sống. Bởi với ông, dù còn những khoảng lặng trong cuộc sống nhưng “có những ngày mưa để ta thêm yêu ngày nắng”.

Đến nay con cháu ông đều đã trưởng thành. Người là trưởng khu kiêm bí thu chi bộ, người là hiệu trưởng trường mầm non, người là bác sĩ trưởng trạm y tế, người làm bí thư đảng ủy thị trấn, người là cán bộ huyện Cẩm Khê, người về hưu…. Gia đình ông luôn thuận hòa, ấm êm trên dưới, hàng xóm, láng giềng quý mến, yên vui. Đó là niềm vui mà suốt cuộc đời, cho đến cái tuổi xưa nay hiếm ông luôn cố gắng vun đắp, dựng xây.

95 tuổi đời – cái tuổi bảng lảng khi bóng chiều dần tắt mà vẫn tinh thông mọi lẽ, hồn quê tươi rói và bình dị vẫn đong đầy trong lời thơ ông. Ông là một tấm gương cho hậu thế noi theo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất