TP. Hồ Chí Minh: Đã có hơn 1,6 triệu lượt người được hỗ trợ tiền thuê nhà với số tiền hỗ trợ hơn 950 tỷ đồng; Nhiều giải pháp để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy trong năm học mới.
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh Hoàng Hào).

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Hào).

Đã có hơn 1,6 triệu lượt người được hỗ trợ tiền thuê nhà, số tiền hỗ trợ hơn 950 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTG, tính đến ngày 31-8-2022, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã thực hiện phê duyệt danh sách người lao động và kinh phí hỗ trợ cho 68.747 lượt doanh nghiệp, với 1.677.358 lượt người, số tiền hỗ trợ là 976,184 tỷ đồng.

Đến nay, đã thực hiện chuyển kinh phí đến 63.792 lượt doanh nghiệp, với 1.636.964 lượt người được hỗ trợ tiền thuê nhà, số tiền hỗ trợ là 951,719 tỷ đồng, chiếm 97,49% so với phê duyệt; còn 2,51% kinh phí còn lại do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác (số tài khoản sai, thông tin chủ tài khoản không đúng với tên đơn vị thụ hưởng), không liên hệ được với doanh nghiệp để cập nhật, điều chỉnh thông tin dẫn đến việc giải ngân chưa hoàn thành.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với UBND phường, xã tiếp tục liên hệ với doanh nghiệp để đề nghị cung cấp thông tin chính xác phục vụ công tác giải ngân.

Về công tác bảo quản, lưu trữ đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà:

Về bảo quản, lưu trữ hồ sơ: Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, người sử dụng lao động phải bảo quản, lưu trữ đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động tối thiểu 5 năm

Về chi trả tiền hỗ trợ và thanh quyết toán kinh phí: Theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 12 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động; thanh quyết toán kinh phí theo quy định pháp luật.

Đề nghị các trường nội thành chia sẻ giáo viên đến các trường ngoại thành

Tại buổi họp báo, đồng chí Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết, năm học 2022-2023 môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3, đối với chương trình phổ thông lớp 10 còn có thêm các môn âm nhạc và mỹ thuật. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh chưa cung ứng đủ lượng giáo viên do đang thiếu nguồn tuyển. Đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và Tin học ở bậc tiểu học.

Sở GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các đơn vị công khai nhu cầu tuyển dụng số lượng giáo viên của mình. Riêng bậc cấp THPT, Sở sẽ tuyển 2 đợt trong đó đã triển khai tuyển xong đợt 1. Dự kiến, trong tháng 10-2022 sẽ tiếp tục tuyển đợt 2 để đảm bảo đủ số lượng giáo viên. Các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng đang tiến hành tuyển để bổ sung những giáo viên còn thiếu ở địa phương mình.

Đồng chí Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo (Ảnh Hoàng Hào).

Đồng chí Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Hào).

Cũng theo đồng chí Hồ Tấn Minh, trong thời gian chưa tuyển đủ giáo viên cho các môn nói trên, Sở GD&ĐT thành phố đã hướng dẫn các trường hợp đồng ngắn hạn với giáo viên Tin học, tiếng Anh ở cấp THCS. Giáo viên ở cấp THCS sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình ở trường có thể thực hiện hợp đồng ngắn hạn tại các trường tiểu Học. Tất nhiên các trường cần giáo viên cũng phải đảm bảo đủ chế độ cho thầy, cô giáo tham gia theo hợp đồng.

Bên cạnh đó  Sở GD&ĐT thành phố cũng đề nghị các trường nội thành chia sẻ giáo viên với các trường ngoại thành như xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và các trường ở các huyện xa. Bằng cách là xây hình thức dạy học trực tuyến với các em học sinh ngoại thành để tăng cường năng lực tiếng Anh, Tin học giúp các đơn vị tiếp cận nền giáo dục tốt nhất.

Giáo viên ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) có thể di chuyển ra dạy tại xã đảo Thạnh An để dạy học hay có những tiết dạy kết nối với học sinh ngoài xã đảo. “Đây là hoạt động chúng tôi muốn nhân rộng, chia sẻ để cho thầy cô giáo có tinh thần thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời là giải pháp khả thi trong khi chờ lực lượng giáo viên bổ sung”.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT thành phố cũng đã đặt hàng với Trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về lượng giáo viên làm sao đủ trong những năm tới để cung cấp cho nhu cầu của Thành phố - đồng chí Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.

Khi cần sẽ khởi động bệnh viện dã chiến số 13

Trả lời câu hỏi của báo chí về nguyên nhân dẫn tình tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 trong thời gian gầy đây? TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch ứng phó như thế nào trước số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại.

Đồng chí Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC thành phố cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới & khu vực đang gia tăng. Việt Nam không ngoại lệ. Trong 4 tuần gần đây biến chủng BA.5 chiếm ưu thế.

Về ứng phó và điều trị, theo đồng chí Lê Hồng Nga, hiện tại tất cả các bệnh viện đều có đơn vị điều trị Covid-19, theo dõi sát diễn tiến tình hình, khi cần sẽ khởi động bệnh viện dã chiến số 13 (theo kịch bản đã xây dựng). Về phòng dịch là tăng cường tiêm vắc-xin để tăng độ bao phủ miễn dịch. Đặc biệt tiếp tục kế hoạch bảo vệ nhóm người nguy cơ, tuyên truyền 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin.

Đồng chí Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC thành phố tại buổi họp báo (Ảnh Hoàng Hào).

Đồng chí Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC thành phố tại buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Hào).

Diễn tiến số ca mắc mới trong thời gian qua vẫn còn biến động khó lường, có tuần có giảm nhẹ, rồi sau đó tăng lên... Như vậy vẫn cần phải cảnh giác, không được chủ quan với COVID-19, cần tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ tiêm nhắc vắc-xin – đồng chí Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc HCDC nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất