Một số nét nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh thời gian qua

Quang cảnh buổi họp báo.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng

Tại buổi họp báo, đồng chí Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết, kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi tốt, tạo sự tin tưởng trong nhân dân và doanh nghiệp và đạt được một số kết quả tích cực như sau:

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5-2022 ước tăng 6,5% so với tháng 4-2022 và tăng 9% so với cùng kỳ; kết quả 5 tháng ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng nhẹ 0,84% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ tháng 5-2021 tăng 10,4%.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước 5 tháng đạt 209.824,523 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỷ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 8,97 triệu lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ.

Thành phố đã ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố).

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tổ chức thành công: Hội nghị gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội Amcham, làm việc với một số các doanh nghiệp nước ngoài lớn đang hoạt động tại Thành phố để nắm bắt nhu cầu hiện tại và xu hướng sắp tới trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Thành phố; phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố tiếp tục được kiểm soát tốt làm tiền để khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch sốt xuất huyết.

Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật được triển khai, tổ chức các hoạt động ý nghĩa, trang trọng chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

Tình hình quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo.

Cảnh giác với tội phạm qua mạng đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo

Liên quan đến việc kẻ xấu đánh cắp thông tin cá nhân để lừa đảo, về vấn đề này Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết, hiện nay các đối tượng tội phạm qua mạng đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo như làm giả giấy tờ để vay tiền… Nguyên nhân thứ nhất lộ thông tin cá nhân là do công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn thông tin của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, do dó, các đối tượng tội phạm đã ăn cắp thông tin; thứ hai là có tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng; thứ 3 là do một bộ phận người dân còn thiếu cảnh giác trong việc bảo mật thông tin cá nhân, không nắm vững các bảo mật của ngân hàng về bảo mật thông tin.

Ban Giám đốc Công an thành phố đã có chỉ đạo nhiều giải pháp như: Phòng PA 05 tăng cường nắm tình hình về phương thức thủ đoạn, hoạt động của bọn tội phạm để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, xử lý; Chỉ đạo công an các quận, huyện TP. Thủ Đức, các phòng nghiệp vụ tăng cường tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và các thủ đoạn của bọn tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tội phạm mạng máy tính, mạng viễn thông và các hành vi về làm giả giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt tài sản.

Năm 2021, Phòng An ninh mạng và Phòng Chống tội phạm công nghệ cao Công an thành phố đã phát hiện và xử lý 2 vụ, bắt tạm giam 7 đối tượng về hành vi làm giả giấy tờ, tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội. Công an thành phố đã kiến nghị, báo cáo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý các nhà mạng để điều chỉnh các quy định của pháp luật nhằm khắc phục các lỗ hổng trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ngân hàng, sim di động, từ đó có biện pháp phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, Bộ Công an đang tham mưu cho Chính phủ Đề án 06 về phát triển ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Công an thành phố đề nghị người dân bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp, viết đơn tố cáo kèm các tài liệu có liên quan với công an để Công an thành phố tiếp nhận và xử lý vụ việc.


Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố phát biểu.

Năm 2022 số ca mắc bệnh sốt sốt huyết dự báo sẽ tăng cao

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố, có ca mắc bệnh tăng cao và đã có trường hợp tử vong, Ngành Y tế thành phố thu dung điều trị như thế nào? vấn đề này, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố chia sẻ:

Sốt xuất huyết là bệnh dịch gia tăng vào mùa mưa thường có chu kỳ khoảng 3, 4 năm thì có một năm số ca mắc sẽ tăng cao hơn những năm trước. Năm 2020 số ca mắc khoảng 25.900 ca, 2021 số ca mắc khoảng 12.600 ca, năm 2022 số ca mắc dự báo sẽ tăng cao. Từ nhiều năm nay, hệ thống điều trị của Thành phố đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán cũng như điều trị bệnh sốt xuất huyết, đồng thời còn đóng vai trò hỗ trợ tuyến cho các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều là những chuyên gia xây dựng hướng dẫn quốc gia về sốt xuất huyết. Theo hướng dẫn này, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân đã được quy định rất chi tiết, trong đó có chỉ định điều trị ngoại trú, chỉ định nhập viện điều trị.

Để chuẩn bị cho việc điều trị dịch sốt xuất huyết năm nay, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn cho các trạm y tế, trung tâm y tế, các phòng khám các bệnh quận, huyện cũng như bệnh viện đa khoa. Sở Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền để đảm bảo công tác điều trị sốt xuất huyết.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các trạm y tế có nhiệm vụ theo dõi quản lý, tư vấn cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên các trạm y tế trở lại khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Trong giai đoạn này các trạm y tế có tình trạng thiếu một số thuốc nhất định vì trạm y tế là cơ sở khám chữa bệnh hạng 4 nên theo quy định, chỉ được cung ứng danh mục thuốc hạng 4 theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, các trường hợp bệnh mạn tính đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tuyến cuối, bệnh viện đa khoa hạng 1, hạng 2 khi chuyển về điều trị tại các trạm y tế sẽ thiếu một số thuốc.


Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố phát biểu.

Xử lý cây ngã đổ trong mùa mưa

Về tình trạng cây ngã đỗ gây thiệt hại về tài sản cho người dân trong mùa mưa bão và các giải pháp, phương án phòng các vấn đề này, đồng chí Lê Quang Đạo, Trưởng Phòng Tầng kỹ thuật Sở Xây dựng cho biết, Đối với Sở Xây dựng cũng như các đơn vị có liên quan đến lĩnh vực cây xanh coi như đây là công tác thường xuyên của ngành và hằng năm đều có rút kinh nghiệm để xây dựng các kế hoạch, giải pháp nhằm giảm thiểu nhất việc cây xanh ngã đổ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tài sản của dân. Ngay từ đầu năm 2022, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các công tác nhằm làm giảm thiểu các rủi ro do cây ngã đổ trong mùa mưa bão.

Cụ thể, sở đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật thành phố (đơn vị được giao quản lý cây xanh trên toàn địa bàn Thành phố) tổ chức thực hiện việc đốn hạ, thay thế những cây sâu bệnh già cỗi, lấy nhánh khô, cắt tỉa ngọn cây tại các tuyến đường có đông người qua lại, các tuyến đường có nhiều cây cổ thụ để khi có mưa to gió lớn không làm ngã đổ cây.

Trong Đề án phát triển cây xanh giai đoạn 2020-2030 của Thành phố đã được UBND thành phố và Thành ủy thông qua, theo đó, Thành phố sẽ phối hợp với các viện, trường, tổ chức quốc tế nghiên cứu tìm các loại cây phù hợp với yếu tố thiên nhiên, khí hậu Thành phố để cây xanh phát triển tốt và giảm thiểu tối đa ngã đổ khi Thành phố vào các mùa mưa bão.

Giải quyết thủ tục hành chính nhanh, đúng quy định

Về hoạt động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong ngày, vấn đề này đồng chí Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố cho biết, trong 2 năm qua TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện chủ đề năm. Trong đó, hoạt động về tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trong ngày là một giải pháp trọng điểm trong chuỗi hoạt động để nâng cao việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan đơn vị thường xuyên tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, công chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính. Ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào, sử dụng, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, tổ chức các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm… làm sao để đội ngũ can bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, giải quyết được thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp nhanh, đúng quy định. Nâng cao thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính, có kế hoạch kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh các lệnh lạc, biểu hiện không tốt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ này. Tiếp tục đầu tư và tăng cường đảy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh số thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4, đồng thời tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia giải quyết thủ tục hành chính qua mạng thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Thông tin về việc đóng đường dưới cầu Rạch Chiếc

Những ngày gần đây có nhiều thông tin liên quan đến việc “chủ đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội đóng đường tạm 2 bên cầu Rạch Chiếc”, về việc này đồng chí Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết:

Theo phương án tổ chức giao thông của khu vực từ cầu Rạch Chiếc đến đường Nam Hòa phường Phước Long A và phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức thì đường song hành Xa lộ Hà Nội sẽ được kết nối lưu thông hai chiều thông qua đường chui dưới dạ cầu Rạch Chiếc.

Đoạn đường tạm dưới dạ cầu Rạch Chiếc đi ra hai bên hông cầu Rạch Chiếc là đường công vụ, phục vụ cho thi công cầu Rạch Chiếc trước đây, không có trong quy hoạch giao thông. Sau khi thi công xong, khuôn viên đất của 2 đường tạm sẽ được trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên. Thời gian qua do chưa xây dựng mảng xanh, nên một số hộ dân trong khu vực đã sử dụng đường tạm để đi xe gắn máy (đi tắt) rẽ phải, lên cầu Rạch Chiếc vào Trung tâm thành phố.

Từ khi Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động trở lại, đặc biệt là sau khi đoạn đường song hành trong phạm vi TP. Thủ Đức (từ nút giao Đại học Quốc Gia đến cầu Rạch Chiếc) cơ bản hoàn thành, mỗi ngày, ngoài các hộ dân trong khu vực lưu thông bằng xe gắn máy như trước đây, còn có thêm khoảng 3.000 lượt xe ô tô con giao thông theo hướng từ Đồng Nai qua đường song hành trái (đường Nguyễn Văn Bá), để đi vào đường tạm, rẽ phải ngược lên cầu Rạch Chiếc vào Trung tâm thành phố; Các phương tiện này đã gây xung đột giao thông với các phương tiện đi thẳng trên trục đường chính xa lộ Hà Nội đang tăng tốc để lên cầu (đã xảy ra một số tai nạn giao thông tại chân cầu Rạch Chiếc).

Do đó, các đơn vị chức năng đã thống nhất: Từ tháng 1-2022, toàn bộ 2 đường song hành ở khu vực phường Phước Long A và Trường Thọ đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo kết nối lưu thông trong khu vực theo quy hoạch.

Sau khi tuyến đường song hành trái (từ dạ cầu Rạch Chiếc đến đường Võ Văn Ngân) chính thức được nghiệm thu, thông qua phương án phân luồng giao thông, Công ty BOT xa lộ Hà Nội phải khẩn trương hoàn thành lề đường, bó vỉa và vỉa hè khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, trả lại mặt bằng mà các đơn vị thi công trước đây đã mượn để làm đường tạm cho đơn vị khác thi công trồng mảng xanh công viên ở 2 bên và dạ cầu Rạch Chiếc, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo an toàn giao thông khu vực

Do vậy, sau khi toàn bộ đường song hành trái xa lộ Hà Nội được nghiệm thu đưa vào sử dụng (Văn bản số 4670/SGTVT-KT ngày 17-05-2022 của Sở Giao thông vận tải), ngày 29-5-2022, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội (doanh nghiệp dự án BOT trực thuộc Công ty CII), đã tiến hành thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc. Việc thi công lề đường đã làm “mất” lối đi tắt mà các hộ dân đã đi trước đây, gây hiểu lầm là “CII đóng đường”.


Đồng chí Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố phát biểu.

Mặc dầu đã có các pa-nô thông báo trước đó 1 tuần nhưng khi Công ty tiến hành thi công bó vỉa, sáng thứ hai 30-5-2022, một số chủ phương tiện theo thói quen, vẫn lưu thông theo hướng vào đường tạm, gặp bó vỉa, không có lối đi tiếp, buộc phải quay đầu, gây ùn tắc cục bộ tại khu vực này. Công ty đã chủ động phối hợp với cảnh sát giao thông hướng dẫn, phân làn, điều tiết giao thông, nên tình hình giao thông chỉ bị nhiễu loạn trong thời gian ngắn. Hiện nay, tình hình giao thông khu vực chân cầu Rạch Chiếc đã ổn định và cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây.

Hoàng Hào

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất