Côn Đảo - nơi ngàn đời cõi linh thiêng

Đông đảo du khách đến với Côn Đảo.



Thử thách nhất với người chiến sĩ cách mạng


Chuyến hành hương ra Côn Đảo vào 6 năm trước (2 ngày 22 và 23-7-2016), khi đó đồng chí Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long và Tỉnh ủy Tây Ninh, còn khá khỏe mạnh. Đồng chí là người đã ở lại đảo cho đến sau ngày 1-5-1975, khi là Bí thư Đảo ủy và lần đi này đã giới thiệu kỹ với Đoàn các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, trong đó đồng chí đã dẫn cả Đoàn xem lại các dãy phòng giam của nhà lao Côn Đảo cùng Khu biệt giam cầm cố A.6,7 từng giam mình và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng ta sau này. Lần ấy, Đoàn có gần 500 cựu tù chính trị, cựu tù binh và thân nhân liệt sĩ, thanh niên của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị tại phía Nam.

Giới thiệu cùng Đoàn, đồng chí Tư Cẩn cho biết: Khu biệt giam cầm cố A.6,7 là những khu giam các tù nhân cộng sản có tiếng gan dạ nhất, nhất là trại A.7. Ở 2 khu trại này, mỗi tù nhân bị chúng nhốt trong một không gian không thể nói là hẹp hơn nữa, khi mỗi chiều chỉ chưa đầy 2 mét, mà chúng thuờng nhốt tới 2-3 người, có khi 4 người, mà không hề có nhà vệ sinh… Trên đầu khu biệt giam này là lối canh giữ cho cai ngục với tù nhân, hễ ai phản đối hay yêu sách điều gì là chúng cho cả nắm vôi bột cay, tung ngay xuống trên đầu mỗi tù nhân.

Còn cựu tử tù Nguyễn Văn Thân (Bảy Nhỏ), nguyên Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, khi dẫn chúng tôi đến bên khu chuồng bò Mỹ đã chỉ cho biết một gian tù nằm riêng, có hệ thống dẫn phân bò ngập lên để tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Ông Nguyễn Văn Thân chỉ nơi đã từng được chúng nhốt ông trong hầm phân bò cao đến quá đầu gối nhưng phân bò dẫu có thối, song thối cỡ nào thì các chiến sĩ vẫn không bao giờ khai lý tưởng. Phần lớn những dãy hầm phân bò này được chúng dung nhốt các chiến sĩ cách mạng tử tù, để hòng khai thác những tin tức. Ai không chịu đựng được là chúng hý hửng cho lên khỏi hầm phân bò ngay. Tuy thế, suốt 21 năm có hầm bò kiểu Mỹ, cho đến ngày giải phóng Côn Đảo mùng 1-5-1975, tại hầm chuồng bò này, không hề có một tù nhân cách mạng nào của ta đầu hàng.

Lần mà Đoàn của đồng chí Trương Mỹ Hoa (Bảy Thư), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, cùng các nhân chứng từng cựu tù nhân là cán bộ nữ ở khu Sài Gòn - Gia Định ra thăm lại Côn Đảo, chị đã chỉ cho anh em làm báo về những nơi từng giam cầm, đày ải các nữ tù nhân; kể về nhũng cực hình tra tấn mà chị em nữ tù khi vào đây đã gặp, đối thách hằng ngày. Đồng chí Bảy Thư cho biết, chúng thường xuyên canh giữ chị em rất kỹ càng, kể cả mỗi khi chị em đến ngày của nữ giới, chúng cũng không tha đòn tra tấn, đánh đập, không cho chị em thêm một lít nước sạch nào, để vệ sinh thân thể. Còn các kiểu tra tấn với những nhục hình nhằm vào chỗ yếu người phụ nữ thì bất cứ ai đã vào đây đều đã thấm chịu các kiểu tra tấn man rợ này. Tuy thế, suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn chị em phụ nữ trong lao tù vẫn quyết chí bền gan, luôn giữ vũng khí tiết, không hề có ai hé răng cho chúng biết bất cứ việc gì mà tổ chức giao phó cho các chị.

Lời nhắn nhủ cho các thế hệ mai sau

Tháng 7 này ra thăm lại Côn Đảo, không ai không xúc động mỗi khi đi qua các ngôi mộ của khu Hàng Dương, như: mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, các mộ đồng chí Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt, Trần Văn Thời…, trong đó có cả nhiều con em là quê hương khắp các tỉnh Nam Bộ đã tìm ra tên tuổi nằm khu A của Nghĩa trang Hàng Dương. Với hơn 2.000 ngôi mộ được quy tập (trong tổng số trên 200.000 chiến sĩ và đồng bào yêu nước ngã xuống tại Côn Đảo) thì đến nay mới chỉ tìm ra 793 ngôi mộ có danh tính, quê quán, phần còn lại vẫn chưa xác định được họ tên (đa số bọn lính cai tù chôn cất, mà không cho rõ danh tính khi các chiến sĩ nằm xuống). Tại các khu nghĩa trang khác nằm sâu trong đảo, còn vô số những chiến sĩ đã nằm xuống trên 47 năm qua, mà hầu hết vẫn chưa tìm ra tên tuổi của những người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh trong đấu tranh tại nhà lao Côn Đảo.

Có một địa danh mà ai đến Côn Đảo đều không thể không tìm đến, đó là Cầu tàu 914. Tại Côn Đảo, bất cứ mỗi địa danh tại đây đều gắn với biết bao sự hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước, kể từ năm 1861 khi người Pháp bắt đầu biến đảo Côn Lôn thành nhà tù thực dân để giam cầm những người yêu nước. Cầu tàu 914 với 914 chiến sĩ đã ngã xuống theo lệnh chúa đảo, đứng ra để làm cầu tàu.

Ở đây, khi ta đến các Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo, hay các trại Phú Hải, Trại cầm cố A.6,7, khu đập đá Côn Lôn, hầm chồng Bò…, tất cả đó là chứng tích mà đến nay mỗi lần các thế hệ trẻ và những người từng là tù nhân Côn Đảo ra thăm, hầu như khó có thể nào quên. Ở đây là thực tế sống động nhất mà bất cứ chiến sĩ nào đã từng chịu cảnh tra tấn của bọn cai ngục đều là những bài học sáng giá nhất mà xương máu các anh, các chị đã tô thắm hơn lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Côn Đảo ngày nay vẫn là một quần đảo đầy hiên ngang, huyền thoại, luôn là sự anh hùng và vẻ đẹp bất tận khó nơi nào có được trên trái đất này. Bây giờ ra Côn Đảo, máy bay A.72 có thể bay hằng ngày (hiện nay một tuần có 5 chuyến từ TP. Hồ Chí Minh ra Côn Đảo), chỉ 57 phút là ta sẽ đến hòn đảo đầy quyến rũ, xanh tươi với các dãy rừng già ăn sát mé biển; ngoài ra còn có tàu khách nhanh của TP. Cần Thơ chạy ra 3 - 3 tiếng rưỡi là đến đảo. Côn Đảo cũng là vùng đảo hiếm hoi khi nằm sát biển chưa đầy 100 mét, có cả một vũng đầm trầu đầy nước ngọt mà du khách khi tắm biển xong chỉ cần vài mươi phút được ngâm mình trong vũng đầm trầu đầy thư thái bên các dãy rừng già nằm sát khu biển (cách khu Hàng Dương chỉ 1,5km). Côn Đảo còn nhiều vẻ đẹp hoang sơ, thầm kín mà như có lần GS, TS. Nguyễn Thuyết Phong, một nhà hoạt động âm nhạc Việt kiều quê hương Trà Ôn - Vĩnh Long tại Hoa Kỳ về nước, ra thăm Côn Đảo khi về nói với chúng tôi: “Côn Đảo vẫn thật lạ lùng và về sinh thái còn nguyên vẹn như thuở từ ngày xa xưa, khi con người mới tìm ra được quần đảo quý hiếm này”.

Côn Đảo hôm nay vẫn luôn vẫy gọi mọi người khi đến đây để nhớ về những năm tháng đầy oanh liệt trong lao tù của thực dân, đế quốc, và những nhân chứng tù nhân cách mạng vẫn luôn là những anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại nơi đây cho đất nước, quê hương ngàn lần vô vùng biết ơn, trân quý những hy sinh vô bờ bến để có đất nước Việt Nam hôm nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất