Bền bỉ “giữ lửa” trong ngòi bút và trái tim

PGS, TS. nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. 

Trong lời tựa tập thơ “Chồi biếc” (Nhà xuất bản Văn học), Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã viết “Nhen từng chồi biếc để làm xanh lên cả bầu trời, xanh lên đất nước, xanh tình yêu người, yêu đời”. Thật đúng như vậy, thời điểm cuốn sách ra đời là vào mùa xuân – mùa của hoa cỏ đâm chồi nảy lộc và cũng là mùa hướng đến sự tươi mới, lạc quan và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống mới. Với con mắt của một nhà báo làm thơ, tác giả đã có cái nhìn sâu sắc, nhân ái, nghĩa tình về con người, về cảnh vật, về nhân tình thế thái, về vận mệnh quốc gia, dân tộc. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu, đất nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 với biết bao đau thương, mất mát, bởi vậy hơn lúc nào hết toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta cần vực dậy sau “cơn bão” với tinh thần, khí lực và quyết tâm lớn hơn gấp bội. Trong đó, thơ ca cũng là một trong những “binh chủng” quan trọng nhân lên những “mầm xanh”, những “chồi biếc” trong lòng người đọc.

Ở tập thơ “Chồi biếc” chúng ta bắt gặp những bài thơ cảm động như “Người quét rác đêm giãn cách”. Người quét rác trong những ngày bình thường đã gian nan, vất vả thì đến lúc đại dịch càng nặng gánh hơn khi con phải đi cách ly, khi đơn vị có người nhiễm bệnh, họ vừa phải làm tốt công việc của mình, vừa làm thay công việc của đồng nghiệp... Hay như trong bài “Bóng nắng”, cô bác sĩ mới cưới chồng lao vào công việc ngày đêm quần quật suốt 3 tháng trời trong phòng cấp cứu không nhìn thấy ánh mặt trời… Cảm động biết bao, nghẹn ngào biết bao khi ta bắt gặp những vần thơ trong bài “Cho bình yên sớm đến”: “Bao người hy sinh thầm lặng/ Xa mẹ, xa vợ, xa con/ Tình nguyện đi vào tâm dịch/ Cứu người đang phút mong manh/ Tình người sáng trong gian nan/ Cùng bạn nhập đoàn thiện nguyện/ Gom từng quả trứng, túi rau/ Chuyển đến các vùng gian khó”. Đó là những sự hy sinh trong số hàng triệu sự hy sinh của những con người lặng lẽ dâng cho đời những “mùa xuân nho nhỏ”, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch.

PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh là trường hợp khá đặc biệt trong làng báo, làng thơ nước nhà. Ông đến với thơ ca khá muộn màng, khi đã trải qua hết các chức vụ công tác, nhưng rồi khi chạm ngõ thơ thì thơ lại như mạch nguồn chảy xiết. Bằng chứng là hơn chục năm qua, ông đã cho ra đời đến 10 tập thơ, đó là “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời”, “Nhịp điệu thời gian”, “Miền thương nhớ”, “Màu ký ức”, “Lãng quên thì thầm”, “Thơ và dấn ấn cuộc đời”, “Xanh mãi”, “Tiếng quê” và “Chồi biếc”. Thơ ca của Nguyễn Hồng Vinh cũng như con người của ông vậy, luôn chân thành, giản dị, mộc mạc, ấm áp nghĩa tình. Dường như ở cái tuổi nghỉ hưu, ông mới có thời gian để sống “chậm lại” và đó cũng ở độ tuổi để ông có đủ kinh nghiệm, sự quan sát, chiêm nghiệm, ngẫm ngợi về quãng thời gian đã qua rồi trút bầu vào thơ. Trong thơ của ông có ký ức trong những ngày tháng khó nhọc sống ở quê nhà xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trong thơ của ông có những hoài niệm về năm tháng miệt mài học tập dưới mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh giá. Trong thơ của ông có cái nhìn về hiện tại, về tương lai với sự tươi mới và đầy niềm lạc quan. Nhưng điều quan trọng trên tất cả trong thơ của ông có cái tình như những gì mà nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: “Người làm thơ nói chung giữ trong tay nhiều phù phép. Nhưng không có phù phép nào thay thế được sự chân thực… Người ta đã từng biết Hồng Vinh với những bài viết, bài nói sắc sảo của một cán bộ tư tưởng giàu kinh nghiệm. Bây giờ là thơ. Những câu thơ như thế dễ đi vào lòng người. Tôi tự hỏi sức mạnh của nó ở đâu? Ở tình người”. Hay cũng đồng quan điểm đó, tác giả “Bếp lửa” – nhà thơ Bằng Việt cho rằng: “Một Hồng Vinh có trái tim sâu nặng đến thế nào với những kỷ niệm quê hương, gia đình, có những thổn thức tươi tắn mà đằm thắm đến thế nào với tất cả những gì anh đã từng được sống qua, đã nếm trải và chiêm nghiệm trong đời”.

Với lứa nhà báo trẻ như chúng tôi thì nhà báo Nguyễn Hồng Vinh luôn là cây cao bóng cả, là tấm gương lớn trong nghề. Mặc dù vậy ông lúc nào cũng khiêm nhường, giản dị, gần gũi, chân thành, thậm chí có những hôm ông gửi bài qua Zalo rồi bảo “đọc giúp rồi góp ý nhé đồng nghiệp”. Đó có thể đó là bài thơ ngắn, sâu sắc mà ý nhị hay cũng có thể là bài bút ký, ghi chép ngồn ngộn thông tin, sự kiện và con người. Tôi cảm nhận qua ngòi bút của ông, tất cả con người, sự việc đều hiện lên sống động, hấp dẫn và đầy lôi cuốn. Có những vấn đề tưởng chừng như “khó, khô, khổ” như viết về xây dựng Đảng nhưng ông luôn biết cách tạo nên sự mềm mại, gần gũi, dễ đọc như những lời tâm tình nhẹ nhàng. Ví như trong bài bút ký “Về thăm Kinh Bắc – Bắc Ninh” chỉ vỏn vẹn hơn 2.000 từ, ông đã khái quát toàn bộ sự phát triển trên các lĩnh vực chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, trong đó ông có những lời chia sẻ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan đầy tính hình tượng: “Sông Đuống, sông Cầu có lúc đầy, lúc cạn; có bên lở, bên bồi. Vấn đề là ở chỗ, người lãnh đạo biết nắm bắt kịp thời hiện tượng, tổng kết tìm ra quy luật, hiểu thấu cái chủ quan và khách quan, để điều chỉnh dòng sông tự chảy theo dòng chính, đều đặn tải phù sa bồi đắp bãi bờ, làm xanh thêm bãi mía, nương dâu và những cánh đồng đang gieo trồng giống mới. Cái đáng sợ của người “cầm chịch” là chỉ vui nhìn trời cao xanh và mùa vàng mát mắt; chỉ thấy những khu công nghiệp nối nhau mở rộng quy mô, mà quên nhìn ra các rào cản nảy sinh từ thực tiễn sản xuất bộn bề và đa dạng…”.

Tôi đã đọc và biết đến các tập sách “Giữ lửa” 1,2 và 3 và giờ đây khi cầm trên tay cuốn “Giữ lửa” tập 4 của ông thì thấy mỗi tập sách là một chặng đường mà ông thai nghén, ấp ủ và quyết tâm “giữ lửa” trong lòng mình và cũng như “truyền lửa” trong lòng mỗi người cầm bút, mỗi người đọc. Hay nói như cách của nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì: “Đọc “Giữ lửa” tập 1, tôi mạo muội gọi tác giả Nguyễn Hồng Vinh là “Người giữ lửa”. Sang tập 2, tôi cảm nhận ông là “Ngọn lửa bền”. Đến tập 3 tôi tự tin khẳng định ông là “Ngọn lửa càng ấm nồng”. Lần này, đọc xong tập 4, tôi vẫn muốn lặp lại suy nghĩ của mình và nhấn mạnh tại đề bài Đọc sách: “Ngọn lửa luôn rừng rực”. Có hơn 30 năm công tác trong một cơ quan báo chí, từ một phóng viên báo Nguyễn Hồng Vinh đã dần trưởng thành trở thành người đứng đầu tờ báo Nhân Dân - nơi có gốc đa hơn 500 năm tuổi tỏa bóng mát sum suê đến các thế hệ nhà báo. Bởi thế ông hiểu hơn ai hết nghề báo thật nhiều nhọc nhằn, gian khó, thật nhiều chông gai, thử thách nên để theo và thành công được với nghề mỗi nhà báo cần giữ được “ngọn lửa” của tình yêu, sự sáng tạo, đam mê và tâm huyết.

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh từng khẳng định, điều quan trọng làm nên những tác phẩm chất lượng đó là xuất phát từ tình yêu con người, yêu đất nước và với riêng ông đó phải là yêu Đảng và chế độ. Ông từng bộc bạch hết sức chân thành: “Tôi biết ơn Đảng bởi vì có Đảng mới có tôi, có gia đình tôi hôm nay. Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân rất nghèo. Bố tôi năm tháng làm nghề lái đò oằn lưng chở khách qua sông. Tôi là con út, hai anh tôi phải đi làm tá điền cho địa chủ. Trước bối cảnh như thế, mà tôi được học, được trưởng thành đến bây giờ, hơn nữa còn được Đảng tin cậy giao cho những trọng trách như thế thì thử hỏi những ân nghĩa ấy, sao có thể nói hết? Cho nên, điều này cũng lý giải vì sao trong “Giữ lửa” tập 4 vừa xuất bản, tôi lại để bài “Mùa xuân và Đảng” ở trang đầu tiên của cuốn sách dày 560 trang, bởi tôi muốn thể hiện lòng tri ân, lòng tôn kính của tôi đối với Đảng”. 

Gấp lại cuốn sách “Giữ lửa” tập 4, tôi và nhiều độc giả đều tin tưởng và có cơ sở để hy vọng sẽ có thêm những “Giữ lửa” tập 5, tập 6, tập 7… và nhiều tập khác nữa, bởi lẽ vẫn thấy trên các tờ báo ra hằng ngày các bài bút ký, bài thơ của ông được đăng trang trọng. “Giữ lửa” đã trở thành “thương hiệu” và cũng là trọng trách mà nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đặt ra với lòng mình và bạn đọc. Ở tuổi xấp xỉ 80 vẫn thấy ông tham gia chấm các giải báo chí lớn, vẫn thấy ông ngược xuôi đến các miền đất để cho “ra lò” những bài viết, những bài thơ thời sự, nóng hổi, mang hơi thở của đời sống hôm nay. Nghĩ về ông là nghĩ về một tấm gương “đọc, đi, nghĩ, viết” không ngừng nghỉ, một tấm gương suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp viết lách như hơi thở, như máu thịt…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất