Tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Hồ Hồng Hải (ảnh trên) cho biết: Triển khai Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về dân tộc, tôn giáo cho các phóng viên, biên tập viên báo đài Trung ương và các địa phương. Mục tiêu của Kế hoạch là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Từ đó góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và đời sống Nhân dân; góp phần đưa thông tin, hình ảnh về Việt Nam và dân tộc Việt Nam đến cộng đồng thế giới.

Công tác dân tộc đạt nhiều kết quả tích cực

Tại Hội nghị, qua chuyên đề "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc Việt Nam", đồng chí Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đã thông tin những nội dung chủ yếu trong Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đồng chí Đinh Xuân Thắng trình bày chuyên đề "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc Việt Nam".

Công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện rõ nét. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân có nhiều tiến bộ. Các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định.

Công tác dân tộc đã phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị. Nhà nước đã ban hành 118 chính sách và bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào DTTS tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoà nhập phát triển cùng với đất nước.

Thông tin, tuyên truyền góp phần thực hiện thành công chính sách tôn giáo

Trao đổi chuyên đề "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và kỹ năng thông tin trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo", bằng những ví dụ sinh động, đồng chí Lê Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phân tích làm rõ hơn những nội dung về tình hình và đặc điểm tôn giáo. Từ đó có những lưu ý cho phóng viên, nhà báo khi thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực này.


Đồng chí Lê Trung Kiên trình bày chuyên đề về "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và kỹ năng thông tin trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo".

Đồng chí nhấn mạnh mục đích của thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo là hướng tới thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó góp phần thực hiện thành công chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đảm bảo ổn định, thuần túy hoạt động tôn giáo; huy động nguồn lực tôn giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với những nguyên tắc thực hiện nhất định, tôn trọng giá trị tôn giáo. Khi tiếp cận khai thác thông tin, tổng hợp định hướng dư luận về tôn giáo, các nhà báo, phóng viên cần tiếp cận, khai thác thông tin từ chủ thể như: các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan và cơ quan nghiên cứu, văn hóa. Đồng thời tiếp cận thông tin từ các khách thể như: các tổ chức tôn giáo cấp Trung ương; tổ chức tôn giáo trực thuộc; chức sắc, chức việc, tín đồ (có uy tín); đại diện di tích, người thực hành tín ngưỡng. Trong cách tiếp cận sự việc, vấn đề, để hiểu đúng, hiểu rõ, nhà báo cần làm rõ vấn đề tôn giáo đó có liên quan đến chính sách pháp luật, an ninh quốc gia, trật tự xã hội hay quan hệ quốc tế, các quyền, nghĩa vụ, văn hóa, tín ngưỡng... hay không. Nguyên tắc tiếp cận phải là thông tin chính thống từ người đứng đầu, phát ngôn viên, chuyên gia; thông qua chủ thể để tiếp cận lãnh đạo tổ chức, chức sắc uy tín; phát hiện sớm và xác định rõ tính chất, quy mô, phạm vi, sự ảnh hưởng, nhân vật, nguồn gốc, mục đích… để định hướng thông tin. Về kỹ năng xử lý thông tin, cần đảm bảo nguyên tắc xác minh thông tin đến, thông tin đi, thông tin phản hồi và một số nguyên tắc xử lý thông tin khác.

Hội nghị tập huấn giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về vấn đề dân tộc, tôn giáo, qua đó góp phần tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí, ngày càng tăng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo.


* Hiện nay nước ta có 53 DTTS với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều: có 6 dân tộc hơn 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer); 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người là: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La”.

* Vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm 3.434 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 362 đơn vị hành chính cấp huyện của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào vào các hoạt động gây mất an ninh, trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đe dọa sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS và miền núi.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất