Mô hình văn phòng chung cấp xã ở Tây Giang: Hiệu lực, hiệu quả
Ảnh minh họa.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Từ 3 tháng nay, tất cả công văn, giấy tờ đến xã A Tiêng đều được chuyển về cho công chức văn phòng - thống kê kiêm Tổ trưởng Văn phòng xử lý. Mọi nội dung công việc đều được phân công ngay trong ngày. Vào đầu mỗi tuần, Tổ Văn phòng họp giao ban và giao công việc cụ thể cho người phụ trách, đồng thời đưa ra hướng giải quyết, tất cả đều được triển khai ngay.

Đồng chí Mạc Như Phương, Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng cho hay: “Áp dụng mô hình này, thủ tục hành chính được rút gọn, các văn bản của cấp ủy, chính quyền được quy về một mối nên được xử lý nhanh, chính xác, hiệu quả”.

Cùng với A Tiêng, xã Dang là một trong 5 địa phương được Huyện ủy Tây Giang chọn triển khai mô hình văn phòng chung cấp xã. Theo đánh giá ban đầu của địa phương này, mô hình đã giúp cho bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã nắm được tình hình chung của địa phương một cách sát hơn, cụ thể hơn, hạn chế tình trạng chồng chéo công việc giữa lãnh đạo đảng ủy, UBND xã.

Về cách thức thực hiện, xã bố trí công chức và người hoạt động không chuyên trách tham gia Tổ Văn phòng gồm 12 người. Công chức, người hoạt động không chuyên trách được bố trí phù hợp, đồng đều giữa các bộ phận của đảng ủy, HĐND, UBND xã; nhiệm vụ được phân công cụ thể, hợp lý, phù hợp với trình độ, năng lực, không còn tình trạng bộ phận nhiều việc, ít việc như trước đây. Nhờ đó, các bộ phận đã chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ, có khả năng làm việc độc lập; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và văn phòng, chủ động tổ chức giao ban nắm tình hình ngay trong tuần làm việc.

Đồng chí Hốih Azế - công chức tư pháp - hộ tịch xã Dang chia sẻ: “Trước đây, nhiệm vụ công tác của tôi là chứng thực và quản lý hồ sơ liên quan tư pháp - hộ tịch. Nhưng khi tôi là thành viên Tổ Văn phòng chung của xã, mọi công việc được thuận lợi hơn, khi văn bản đến, cấp trên gửi về tôi cập nhật và triển khai ngay, không còn tình trạng đợi chờ hay phải chuyển qua lãnh đạo ký duyệt rồi mới gửi xuống tôi. Nhiều hoạt động khác của xã, mình cũng được biết, được tham mưu xử lý nên thấy công việc rất hiệu quả và trôi chảy”.

Phó Bí thư Huyện ủy Tây Giang Nguyễn Văn Lượm,cho hay, để triển khai mô hình, Huyện ủy Tây Giang thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Văn phòng chung cấp xã. Trước mắt, có 5 xã triển khai thí điểm gồm A Tiêng, A Nông, Bha Lêê, Dang và Tr’Hy. Đảng ủy các xã đã sắp xếp, bố trí các công chức thuộc chức danh văn phòng - thống kê, tài chính -  kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, địa chính - xây dựng và các chức danh hoạt động không chuyên trách của đảng ủy, chức danh văn thư - lưu trữ, thi đua - nội vụ - tôn giáo - dân tộc. Mỗi xã đều bố trí văn phòng chung gồm 12 người, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng theo từng vị trí, chức năng, nhiệm vụ. Văn phòng chung xã gồm có tổ trưởng, 2 tổ phó và bộ phận tham mưu…

Đồng chí Nguyễn Văn Lượm cũng đánh giá, việc thành lập văn phòng chung cấp xã là phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, giúp công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ chung các hoạt động của đảng ủy, UBND xã tập trung vào một đầu mối, khắc phục được tình trạng chồng chéo công việc giữa lãnh đạo đảng ủy, UBND xã, cán bộ làm việc có trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt hơn trong giải quyết và xử lý văn bản.

Vượt khó, hoàn thành đúng lộ trình

Để nắm bắt và có hướng giải quyết những vướng mắc khó khăn khi triển khai mô hình văn phòng chung cấp xã, Huyện ủy Tây Giang đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của mô hình tại 5 xã triển khai. Qua kiểm tra cho thấy, mô hình văn phòng chung cấp xã đã phát huy những hiệu quả nhất định, tuy nhiên khi triển khai, nhiều địa phương gặp một số khó khăn. Đây là mô hình mới, bước đầu xử lý công việc còn lúng túng, chất lượng đội ngũ cán bộ xã không đồng đều; việc sắp xếp, bố trí phòng làm việc còn khó khăn, chưa liên hoàn, một số nơi phòng làm việc nhỏ do trụ sở xã chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách còn quá thấp, cán bộ chưa toàn tâm trong công tác, làm việc không thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến công việc...

Theo đồng chí Phạm Văn Xứng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tây Giang thì mô hình văn phòng chung cấp xã đã phát huy được hiệu quả trong công việc, nhưng khi hoạt động vẫn còn gặp vướng mắc. Chẳng hạn, trong đội ngũ cán bộ, trước đây mỗi người chỉ thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực phụ trách, nay phải thực hiện nhiệm vụ với khối lượng công việc nhiều, có những vị trí vừa tham mưu công tác đảng, vừa tham mưu công tác chính quyền. Hay kỹ năng sử dụng máy vi tính của một số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách còn nhiều hạn chế; chưa có kinh nghiệm công tác nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp.

“Thời gian tới, để phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình, đảng ủy các xã cần thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, phân công lại đội ngũ công chức và các chức danh không chuyên trách để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, huyện sẽ chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng cho cán bộ xã; đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, nhất là các thiết bị máy vi tính, thiết bị phục vụ cho hoạt động của văn phòng” - đồng chí Phạm Văn Xứng nhấn mạnh.

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Xứng, từ những kết quả mang lại, dù còn một số vướng mắc, khó khăn nhưng mô hình văn phòng chung cấp xã là việc có thể làm ngay bởi không chỉ đem lại tiện ích cho người dân mà hiệu quả điều hành của đảng ủy và bộ máy chính quyền cũng được nâng lên rõ rệt. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo huyện, trong năm 2019 này cả 5 xã còn lại gồm Lăng, A Vương, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry cũng sẽ triển khai và đi vào hoạt động mô hình văn phòng chung đúng theo lộ trình  đề ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất