Kiên Giang: Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc – giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy
Thủ tục hành chính của người dân được TP. Rạch Giá giải quyết nhanh chóng nhờ phát huy hiệu quả các quy chế làm việc.

Kiên Giang nằm ở phía tây - nam Tổ quốc, diện tích tự nhiên 6.348,78km2, bờ biển dài gần 200km, vùng biển rộng trên 60.000km2, đường biên giới đất liền giáp với Căm-pu-chia dài 56,8km. Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 13 huyện, trong đó có 2 huyện đảo) và 145 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn tỉnh trên 1,8 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 84,89%%, Khmer 13,02%, Hoa 2,02%, khác chiếm 0,07%.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy trực thuộc thực hiện khá tốt việc xây dựng quy chế làm việc và rà soát điều chỉnh bổ sung quy chế làm việc bảo đảm phù hợp với thực tế. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy huyện, thành phố thuộc tỉnh được quy định cụ thể, rõ ràng, từ đó hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ và thường trực cấp ủy nền nếp, đi vào chiều sâu. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy huyện, thành phố từng bước được đổi mới và chất lượng được nâng lên, nhất là việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy và nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình. Thường trực cấp ủy huyện, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo luôn bám sát và thực hiện theo nghị quyết, quy chế làm việc, tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm cá nhân, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong nội bộ, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Những căn cứ để xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy cấp huyện, chủ yếu là Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 51-QĐ/TW ngày 19-4-2007 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy; Hướng dẫn số 28-HD/BTCTW ngày 27-5-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về nhiệm vụ, quyền hạn của phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; phó bí thư huyện ủy, quận ủy, thành ủy thuộc tỉnh phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nghị quyết đại hội đại biểu của đảng bộ cấp huyện.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Quy định số 2219-QĐ/TU ngày 30-10-2007 về phân cấp quản lý cán bộ; Quy định số 01-QĐi/TU ngày 25-10-2018 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 897-QĐ/TU ngày 14-12-2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy trực thuộc xây dựng quy chế, rà soát bổ sung quy chế làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ và thường trực cấp ủy, xác định nhiệm vụ và quyền hạn của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy trong việc giải quyết một số công việc, thực hiện nhiệm vụ cụ thể như: (1) Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện quyết định các chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp, định hướng (bằng nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, kết luận...) để thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và nghị quyết đại hội đảng bộ huyện, thành phố... (2) Ban thường vụ cấp ủy huyện có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện những chủ trương, nghị quyết của cấp trên, của ban chấp hành và của cấp mình; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết đó... (3) Tập thể thường trực cấp ủy huyện chuẩn bị nội dung các kỳ họp ban thường vụ cấp ủy và ban chấp hành đảng bộ cấp huyện; chỉ đạo các ban tham mưu giúp cấp ủy trên các lĩnh vực, phục vụ tốt cho việc lãnh đạo của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy; chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đảng trong việc quán triệt, cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy; thực hiện những công việc do ban thường vụ ủy quyền cho tập thể thường trực cấp ủy giải quyết... Việc xây dựng quy chế làm việc ở cấp ủy huyện được thực hiện theo đúng quy trình, từ khâu dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc nên nội dung quy chế bảo đảm dân chủ, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đảng bộ, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao.

Quy chế làm việc của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện được quán triệt và triển khai tại cuộc họp ban chấp hành đảng bộ cấp huyện (của 15 huyện, thành phố) mở rộng đến cán bộ chủ chốt các phòng, ban, ngành cấp huyện và người đứng đầu các tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp huyện. Đồng thời sao gửi cho các phòng, ban, mặt trận, đoàn thể và các chi bộ, đảng bộ trực thuộc để thực hiện.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy huyện bám vào quy chế làm việc. Các chủ trương, nghị quyết của cấp trên, cấp mình đều được chấp hành nghiêm túc, triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện được ban chấp hành cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch trên từng lĩnh vực cụ thể để chỉ đạo thực hiện. Quyết định chương trình làm việc và chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa. Căn cứ tính chất, nội dung của từng lĩnh vực, ban chấp hành đảng bộ cấp huyện đã ban hành nghị quyết, kết luận để lãnh đạo; xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, chương trình, dự án trọng điểm; tổ chức thực hiện thí điểm các chủ trương, mô hình mới theo chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. Hằng năm, gắn với kiểm điểm, đánh giá việc lãnh đạo, điều hành của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy huyện và việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy; giữa nhiệm kỳ tổ chức kiểm điểm thực hiện quy chế làm việc nhằm đánh giá những ưu điểm, tiến bộ để phát huy và chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa.

Hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực và người đứng đầu cấp ủy huyện cơ bản bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, bảo đảm được các nguyên tắc hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; giữ vững chế độ sinh hoạt định kỳ của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy theo quy định của Điều lệ Đảng và quy chế làm việc. Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện họp định kỳ 3 tháng 1 lần; ban thường vụ cấp ủy họp mỗi tháng 1 lần, họp đột xuất khi có yêu cầu để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh; thường trực cấp ủy định kỳ nửa tháng hội ý một lần để thống nhất lịch làm việc và giải quyết, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền. Nội dung họp ban chấp hành đều được chuẩn bị khá chu đáo, cơ bản đạt yêu cầu và chất lượng được nâng lên. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung theo chương trình làm việc toàn khóa của ban chấp hành và các chỉ tiêu, nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình. Vai trò quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị được nâng lên; phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, cơ bản khắc phục hạn chế về tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Hằng năm, theo quy chế làm việc, ban thường vụ cấp ủy huyện tiến hành làm việc với một số phòng, ban, ngành và ban thường vụ đảng bộ cơ sở trực thuộc để nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm qua và định hướng công việc tới, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Nhiều cấp ủy huyện tập trung chỉ đạo đổi mới, cải tiến chương trình, nội dung họp định kỳ ban chấp hành theo hướng rút ngắn thời gian, gửi trước văn bản để các chi, đảng bộ trực thuộc lấy ý kiến đóng góp, từ đó đã giảm dần việc đọc lại văn bản khi vào hội nghị, dành thời gian cho thảo luận, nên đã lấy được nhiều ý kiến tham góp, chất lượng hội nghị ngày càng nâng lên. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ, một số cấp ủy huyện, thành phố đã quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn, trọng tâm là ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản, coi đây là địa bàn trọng điểm, là khâu đột phá, nên đã ban hành quy chế làm việc của hệ thống chính trị ấp, khu vực. Hầu hết ban thường vụ cấp ủy huyện đã phân công cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn xã, phường, thị trấn xây dựng và thực hiện quy định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ, chế độ làm việc.

Công tác kiểm tra, giám sát được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là các quy định hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy toàn khóa nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, thực hiện theo chương trình, kế hoạch và các cuộc kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của Trung ương. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề dư luận quan tâm; kết quả khắc phục sửa chữa khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ...

Tuy nhiên, việc xây dựng quy chế làm việc, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chưa có sự thống nhất trong toàn tỉnh. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, ban thường vụ và thường trực cấp ủy huyện trong việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình có mặt chưa toàn diện. Có lúc, có nơi chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các ngành và các đảng bộ trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị; chỉ đạo công tác phối hợp giữa các tổ chức đảng với chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang thiếu đồng bộ. Mối quan hệ công tác giữa thường trực cấp ủy huyện với các ngành chức năng, các ban tham mưu và mặt trận, các đoàn thể có lúc chưa duy trì theo quy chế.

Hiện nay Trung ương chưa ban hành quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện; các địa phương xây dựng quy chế chủ yếu dựa vào quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên, do đó việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy huyện còn gặp nhiều khó khăn, chưa có sự thống nhất, trong tổ chức thực hiện có mặt còn hạn chế. Tỉnh Kiên Giang đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng sớm ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện để cụ thể hóa thực hiện, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất