TP. Hồ Chí Minh: Số ca sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng


Đồng chí Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) đã trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và dịch sốt xuất huyết tại Thành phố trong những ngày qua.

Trả lời phóng viên về câu hỏi: Tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố hiện nay thế nào, Ngành Y tế có những khuyến cáo gì đối với người dân trong vấn đề này?

Đồng chí Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: hiện nay Thành phố đang tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng sau: thứ nhất tiêm mũi nhắc, mũi nhắc lại cho người 18 tuổi trở lên, thứ hai là tiếp tục tiêm cho trẻ chưa tiêm ở lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tại Thành phố, số người tiêm nhắc lại lần thứ 1 (mũi 3) đạt tỷ lệ chưa cao khoảng 67,3%, mũi 4 thì mới tiêm và tiến độ tiêm còn khá chậm. Đối với trẻ em, tỷ lệ tiêm đạt gần 90%, tuy nhiên, ở lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi thì mũi 1 chỉ đạt khoảng 33%, mũi 2 thì đang tiến hành tiêm.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin Covid-19 (liều nhắc lại lần 2) cho người dân đủ điều kiện tiêm đối với liều nhắc lại này. Việc tiêm mũi nhắc lại rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi mà đất nước ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Chúng ta đang dần dần từng bước khôi phục lại các hoạt động xã hội, sản xuất - kinh doanh. Do đó, việc tiêm nhắc lại là để giúp cho cơ thể khôi phục lại khả năng bảo vệ do những liều tiêm cơ bản trước đây sẽ giảm dần khả năng miễn dịch, ngoài ra việc tiêm mũi nhắc lại sẽ giúp cho tăng cường khả năng bảo vệ tốt hơn đối với từng cá nhân, một khi từng cá nhân được bảo vệ thì cả cộng đồng sẽ được bảo vệ.

Hiện nay, dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn nhiều nước vẫn chưa kiểm soát được và có xuất hiện biến chủng mới ở một số quốc gia. Sở Y tế thành phố rất mong các cơ quan báo đài mở chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng Covid-19 với thông điệp “Vắc-xin phòng Covid-19 tiêm nhắc đúng lịch, duy trì miễn dịch”.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố HCDC đã làm cuộc khảo sát nhỏ trên 2.000 người không tiêm đủ mũi nhắc, kết quả khảo sát cho thấy có nhiều nguyên nhân như: người dân không biết được nơi tiêm, không đến được điểm tiêm, không đồng ý tiêm, sốc phản ứng nên không đi tiêm, bận việc không có thời gian đi tiêm…

Sở Y tế đã chỉ đạo cho các trung tâm y tế quận, huyện lập kế hoạch tiêm chủng, trong đó xác định rõ danh sách các địa điểm tiêm, lịch tiêm, lịch làm việc của các điểm tiêm và công khai trên website của các đơn vị như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế… Việc tiêm chủng luôn đảm bảo an toàn theo quy trình tiêm chủng từ khâu đảm bảo vắc-xin cho đến khâu khám, theo dõi, xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng. Đồng chí Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) chia sẻ.

Tiêm vắc-xin Covid-19 có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không và có tiêm tiếp tục các loại vắc-xin khác được hay không ?

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC): tiêm vắc-xin Covid-19 cũng như tiêm các loại vắc -in khác, cũng có liều cơ bản và liều nhắc lại. Trước khi tiêm đều được khám, đánh giá có đủ điều kiện để được tiêm hay không, tùy theo cơ địa, sức khỏe của từng người mà có người xảy ra một số phản ứng bất lợi nhất định như sốt, đau nhức cơ, mệt mỏi. Tuy nhiên, thường những triệu chứng này tự khỏi trong một vài ngày. Theo khuyến cáo của Ngành Y tế, sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mỗi cá nhân tự theo dõi sức khỏe của mình trong vòng 28 ngày sau khi tiêm và đặc biệt phải theo dõi kỹ trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm.

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 chúng ta hoàn toàn có thể tiêm được các loại vắc-xin khác theo cơ chế phối hợp và bác sỹ sẽ tư vấn theo từng trường hợp cụ thể.

Về câu hỏi: Tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay tại Thành phố diễn biến như thế nào?

Đồng chí Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết không chỉ đang gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh mà trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, xuất hiện nhiều nhất là các tỉnh miền Nam. Hiện một số quốc gia trên thế giới đang có cảnh báo về dịch sốt xuất huyết. Các năm trước thì tháng 6 là thấp điểm của dịch sốt xuất huyết, nhưng tháng 6 năm nay số ca sốt xuất huyết hằng tuần có chiều hướng gia tăng và Ngành Y tế cũng dự báo từ đây đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn sốt xuất huyết nếu như chúng ta không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch này. Đặc biệt là sau 2 năm đại dịch Covid-19 thì người dân chủ quan, không còn quan tâm đến căn bệnh sốt xuất huyết này nữa.

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi vằn hay còn gọi là muỗi “nhà vua”, loại muỗi này khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ trứng ở nơi nước sạch như nước mưa động lại, nước trong bình hoa lâu ngày không thay, bồn cây kiểng… muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng bay và đẻ trứng trong vùng 50m, muỗi sốt xuất huyết thường truyền bệnh vào ban ngày nên rất dễ lây truyền bệnh ở các nơi đông người như cơ quan, trường học, công sở… Do đó, những nơi có sinh hoạt của con người đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như diệt loăng quăng, loại trừ các ổ đẻ trứng của muỗi và bằng các biện pháp phòng tránh để không bị muỗi đốt như: xoa kem chống muỗi trên da, dùng nhang đuổi muỗi, bình xịt muỗi... Đồng chí Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) nhấn mạnh.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất