Người đảng viên 85 năm tuổi đảng - nguyên nữ Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương vừa đi xa…

Cụ Ngô Thị Huệ (ngồi hàng đầu) trong Lễ tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Phạm Bá Nhiễu).


Sáng người phẩm chất người cộng sản

Cụ bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) vừa đi xa, vào tuổi 104, tại Quận 3 - TP. Hồ Chí Minh, lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 7-6 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, lễ truy điệu ngày 9-6, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ (TP. Thủ Đức).

Trong hai cuộc kháng chiến, cụ bà Ngô Thị Huệ được nhiều người biết đến với gọi tên thân mật những năm trong chiến khu, là: dì Bảy Huệ, cô Bảy Huệ, má Bảy Huệ. Vào năm 22 tuổi, sau Nam kỳ khởi nghĩa, khi cụ bị kẻ địch khủng bố, bị địch bắt, giam cầm ở khám lớn Vĩnh Long 12 tháng, nhưng sau đó chúng không tìm ra được chứng cứ, buộc phải tuyên trắng án. Nói về quãng thời gian này, cụ bà Bảy Huệ nhớ lại: “Sau khi được trả tự do, tôi tiếp tục hoạt động bí mật và lại bị thực dân Pháp bắt vào tháng 6-1942. Địch tra tấn dã man nhưng chúng không khai thác được gì. Dù vậy, chúng vẫn tuyên án khổ sai chung thân, đưa đi giam cầm ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa và đày ra nhà lao Côn Đảo”.

Trước những trận đòn thù tưởng không thể vượt qua, chết đi sống lại nhiều lần, như cụ bà Bảy Huệ đã từng tâm sự: “Mình tự nhủ lòng mình phải kiên cường chịu đựng, trước là giữ thật yên cho tổ chức, sau là làm gương cho chị em đang hoạt động khác. Nhờ vậy, suốt 3 năm trời trong các phòng giam giữ của các nữ tù chính trị Côn Đảo, các chị em bị giam cầm luôn giữ vững khí tiết, quyết tâm bảo vệ đồng chí, đồng đội và không hề một ai nao núng tinh thần”.

Cuộc đời cụ bà Ngô Thị Huệ là một nhân cách cao cả trong 85 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, đã đi nhiều chiến trường rất ác liệt ở miền Nam, từ Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, rồi tham gia lãnh đạo tại các Tỉnh ủy Rạch Giá, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và trực tiếp tham gia Ban lãnh đạo Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử ở Nam Bộ kháng chiến.

Khi còn khỏe, cụ Bảy Huệ cho biết, trong sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa nổ ra (năm 1940), cụ bà Ngô Thị Huệ là Phó Bí thư Tỉnh ủy, đã cùng Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Long chuẩn bị mọi mặt, huy động rất đông đảo nhân dân cùng đứng lên nổi dậy cuộc Khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại các huyện Vũng Liêm, Cái Ngang (nay là Tam Bình) và Tỉnh lỵ Vĩnh Long thành công.        

Một trong 10 đại biểu nữ Quốc hội khóa đầu tiên

Lần được cụ bà Ngô Thị Huệ cho gặp, ghi nhận các tư liệu tại nhà riêng, không ngờ căn nhà đường Trần Quốc Toản, Quận 3 (đối diện cổng T.78), căn nhà của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (phu quân cụ Bảy Huệ) không hề kín cổng cao tường mà bây giờ là một căn nhà dành cho nhóm trẻ em khó khăn được cụ Bảy Huệ lập ra, để có thêm cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu còn nghèo.

Nhớ lại những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, cụ bà Bảy Huệ cho biết: Tháng 6-1945, sau nhiều lần tổ chức giúp phá khám vượt ngục, cụ bà và các chị em trong tù được đồng đội giải thoát về tỉnh Bạc Liêu. Sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên cả nước, cụ là trong 10 đại biểu nữ trúng cử; tại Nam Bộ có 3 người đại biểu nữ khóa đầu tiên này, sau đó cụ còn tham gia tiếp đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV.

Ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, tại khu vực bầu cử Sài Gòn - Chợ lớn và tỉnh Rạch Giá mà cụ trúng cử, kẻ thù ngăn cản bằng mọi cách, nhất là lúc này Nam Bộ kháng chiến đã diễn ra gần 3 tháng, kẻ địch vẫn đầy lực lượng, súng ống ngăn cản tại ngay Sài Gòn. Song từ sự lãnh đạo kiên quyết, sáng tạo của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh ủy Rạch Giá, nhân dân đi bỏ phiếu thực hiện quyền bầu cử lần đầu tiên, ngay trước mũi súng quân thù.

Cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên 1946 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết”[1].

Sự kiện này còn đảm bảo quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo, đảm bảo vận động bầu cử dân chủ, tìm người có đức, có tài gánh vác việc nước. Sau khi đảm trách vai trò nữ đại biều Quốc hội nhiều khóa liền, cụ nhận nhiệm vụ Ban lãnh đạo Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, rồi là Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương trong nhiều năm liền. Sau ngày giải phóng miền Nam, cụ về TP. Hồ Chí Minh tham gia Ban Tổ chức sáng lập ra Bảo tàng Phụ nữ miền Nam (đường Võ Thị Sáu, Quận 3) và là người khởi xướng thành lập ra Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh đã thăm quà, khám, điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân nghèo các bệnh nặng, hiểm nghèo thoát khỏi bệnh từ TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố.

Sinh thời, cụ bà Ngô Thị Huệ đã để lại nhiều dấu ấn về người nữ đảng viên trung kiên, người phụ nữ đã trải qua những gian khổ, hy sinh trên chiến trường chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tham gia lãnh đạo tại nhiều địa phương và để lại nhiều tình cảm, trách nhiệm song toàn để luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó. Cụ bà Ngô Thị Huệ đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 85 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
----------------------

[1] - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.153.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất