Những dấu ấn trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị


Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trước tình hình đó, Đại hội XII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”; “Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”;“thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị”.

Một số kết quả quan trọng

Triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 6 thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19). Qua hơn 2 năm thực hiện, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, 2 nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và đạt được kết quả rõ nét.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, dành nhiều thời gian, công sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa 2 nghị quyết Trung ương với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để thực hiện. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành 1 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; 5 kết luận về tổ chức bộ máy Bộ Công an, về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam, về tinh giản biên chế các tổ chức trong hệ thống chính trị, về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18... Đồng thời, tiến hành kiểm tra thực hiện nghị quyết tại các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, biểu dương những nơi chủ động, tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 văn bản về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, về sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Kiểm toán Nhà nước, về việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh, về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021…

Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ban hành 9 nghị quyết, nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố…

Các cấp ủy địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo và các quy định của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tập trung rà soát, sắp xếp lại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, bản, ấp, tổ dân phố không đạt tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Kết quả, cả nước đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện (Cao Bằng 3, Hòa Bình 1, Quảng Ngãi 1, Quảng Ninh 1); 545 đơn vị hành chính cấp xã (những tỉnh giảm nhiều là: Hòa Bình 59/210 đơn vị (28,1%); Cao Bằng 38/199 (19,1%); Phú Thọ 52/277 (18,8%); Hà Tĩnh 46/262 (17,6%); Thanh Hóa 76/635 (12%); Quảng Trị 16/141 (11,4%); Lạng Sơn 26/226 (11,5%); Hải Dương 29/264 (11%)...); giảm 15.354 thôn, tổ dân phố và đang triển khai tích cực chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tích cực, chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, cấp trung gian, số lượng lãnh đạo gắn với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phân công, phân cấp hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và cải cách hành chính, phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến hết năm 2019, cả nước đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 6 tổng cục và 2 bộ tư lệnh cấp tổng cục chuyển thành đơn vị tương đương cấp cục; 83 cục, vụ và tương đương; 119 sở, ngành và tương đương; 5.889 phòng và tương đương; 5.180 tổ, đội và 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập…; giảm 22.761 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó các cấp so với thời điểm 30-6-2017.

Một số nơi đủ điều kiện đã mạnh dạn thí điểm mô hình tổ chức và kiêm nhiệm một số chức danh, góp phần từng bước đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng tinh gọn bộ máy và hiệu lực, hiệu quả hơn.

Về thí điểm một số mô hình tổ chức mới: 11 tỉnh, thành phố hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh (9 địa phương theo quy định là Đà Nẵng, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Tiền Giang và 2 địa phương tự nguyện thực hiện là Yên Bái và Long An); 2 tỉnh, thành phố hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND cấp tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa); 1 tỉnh hợp nhất ban tổ chức tỉnh ủy với sở nội vụ và hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy với thanh tra tỉnh (Hà Giang); 2 tỉnh thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quảng Ninh, Bình Phước); 52/63 tỉnh, thành phố (82,5%) thực hiện mô hình trung tâm phục vụ hành chính công với cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ở cấp huyện: Trong 707 huyện, quận, thị xã, thành phố, có 57 đơn vị (8,1%) hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ; 52 đơn vị (7,4%) hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra; 23 đơn vị (3,3%) hợp nhất ban tuyên giáo với ban dân vận và trung tâm bồi dưỡng chính trị; 3 đơn vị hợp nhất ban tuyên giáo với ban dân vận; 70 đơn vị (9,9%) hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và văn phòng UBND; 58 đơn vị (8,2%) thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung khối mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; 457 đơn vị (64,6%) thực hiện mô hình trung tâm phục vụ hành chính công với cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đang thực hiện thí điểm “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả).

Về thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh: 23 tỉnh (36,5%) thực hiện trưởng ban dân vận tỉnh ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh; 1 tỉnh (An Giang) thực hiện trưởng ban tổ chức tỉnh ủy đồng thời là giám đốc sở nội vụ. Ở cấp huyện: 639 đơn vị (90,4%) trưởng ban tuyên giáo cấp ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; 445 đơn vị (62,9%) trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc; 108 đơn vị (15,3%) trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ; 76 đơn vị (10,8%) chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra.

Đẩy mạnh tinh giản biên chế: Toàn hệ thống chính trị đã giảm biên chế vượt chỉ tiêu Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra trước 2 năm. Năm 2019 giảm gần 15% so với năm 2015 (chỉ tiêu theo Nghị quyết 39 đến năm 2021 giảm ít nhất 10%). Tính đến hết năm 2019, số người làm việc hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước là 3.088.013 người, giảm 541.890 (14,9%) so với số được giao trước 30-4-2015. Trong đó cán bộ, công chức (từ cấp huyện trở lên) giảm 37.939 (10,3%). Viên chức giảm 209.544 (11,1%). Hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP giảm 6.752 (5,7%). Các loại hợp đồng lao động khác giảm 18.734 (14,4%). Cán bộ, công chức cấp xã giảm 5.481 (2,3%). Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố giảm 263.440 (cấp xã 41.089; thôn, tổ dân phố 222.351), tương ứng 29,8%.

Nhìn chung, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp đã đi vào hoạt động, từng bước ổn định, bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy; công tác quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; tập hợp đoàn viên, hội viên, vận động quần chúng nhân dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, cơ bản yên tâm công tác theo mô hình tổ chức mới. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên (năm 2019 khoảng 14.000 tỷ đồng, giảm 0,85% so với năm 2017, trong khi vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp người có công 7%/năm), giảm nợ công (tỷ lệ nợ công so với GDP giảm 6,4%), tăng chi đầu tư phát triển (tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng 1,14%; chi trả lãi và viện trợ tăng gần 9.000 tỷ đồng/năm) từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (trong 2 năm 2018 và 2019, kinh tế tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu do Quốc hội đề ra), củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Hạn chế và giải pháp

Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn một số hạn chế, bất cập: một số quy định, hướng dẫn thực hiện các nghị quyết chưa được ban hành đồng bộ, liên thông. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt hoặc cầu toàn, thiếu chủ động, tích cực trong thực hiện. Việc sắp xếp tổ chức ở một số địa bàn, lĩnh vực còn mang tính cơ học; đầu mối trực thuộc ở một số nơi chưa thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động chưa cao. Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động còn ít. Tinh giản biên chế ở một số nơi còn mang tính bình quân, chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương về đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của BCH Trung ương Đảng và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện các nghị quyết phải kết hợp hài hòa, hợp lý giữa tính đặc thù và tính phổ biến, giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tích cực, chủ động nhưng không nóng vội, chủ quan. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết.

Hai là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách theo các nghị quyết của Trung ương; về phân công, phân cấp giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Ba là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, tổ chức theo hướng giảm đầu mối trực thuộc, trung gian, số lượng cấp phó, cấp hàm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều hành đáp ứng yên cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm một số chức danh. Tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm từng mô hình, đánh giá toàn diện tính hiệu quả của việc thí điểm, đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm ở từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bốn là, hoàn thành quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập... Xây dựng, hoàn thiện tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa bàn; trong đó, chú ý tới lĩnh vực giáo dục, y tế ở địa bàn khó khăn. Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề… Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công ở những nơi có đủ điều kiện, nhất là ở các đô thị. Tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước để phục vụ quản lý Nhà nước.

Năm là, chú trọng cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi tiến hành tinh giản biên chế. Hoàn thành hệ thống danh mục vị trí việc làm, khung năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tự nguyện nghỉ hoặc chuyển đổi công tác khác.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất