Công tác dân vận của chính quyền các quận ở Hà Nội

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) của Đảng nhấn mạnh: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quán triệt nghị quyết của Đảng về CTDV, Thành ủy Hà Nội coi trọng chỉ đạo CTDV của chính quyền các cấp nói chung và chính quyền quận nói riêng. Chính quyền các quận ở Hà Nội đã củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ dân vận từ quận tới cơ sở được; nội dung, phương thức CTDV của chính quyền quận đã có đổi mới, bước đầu phát huy tốt vai trò của chính quyền quận trong định hướng các phong trào hành động cách mạng của nhân dân; công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả; thông qua CTDV một số chính quyền quận đã giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp về đất đai, giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình kinh tế - xã hội, làm tốt công tác hoà giải... được nhân dân đồng tình, ủng hộ; chính quyền quận ở nhiều nơi đã thực hiện tốt, nền nếp Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tác dụng tích cực...

Tuy nhiên, công tác dân vận của chính quyền quận ở Hà Nội vẫn còn yếu kém, bất cập: không ít cán bộ chính quyền, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về CTDV, coi nhẹ và chưa thực sự quan tâm đến CTDV của chính quyền; nội dung và phương thức CTDV của chính quyền quận kém hấp dẫn, chưa đổi mới; còn lẫn lộn giữa nội dung, phương thức CTDV với việc thực thi công vụ của chính quyền; không ít cán bộ, công chức quận chưa đi sâu và chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân; tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, hách dịch…

Từ thực tiễn 15 năm thực hiện CTDV của chính quyền quận theo Chỉ thị số 18-CT/Ttg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) của Đảng về công tác dân vận thời gian gần đây có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, cán bộ, công chức chính quyền quận, nhất là người đứng đầu các cơ quan chính quyền quận phải nhận thức đúng về CTDV của chính quyền, coi đây là nội dung, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền quận. Từ đó, xác định trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức đối với CTDV, đây là nhân tố quan trọng để CTDV của chính quyền quận đạt kết quả.

Hai là, cán bộ, công chức chính quyền quận, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự đoàn kết, bám sát địa bàn, lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu ý kiến của nhân dân, coi đây là một kênh thông tin quan trọng để đề ra các chủ trương, giải pháp tiến hành CTDV của chính quyền đúng quan điểm của Đảng, sát thực tế, hợp lòng dân. 

Ba là, coi trọng việc nâng cao trình độ và năng lực làm công tác dân vận của cán bộ, rèn luyện phong cách làm dân vận theo Tư tưởng Hồ Chí Minh “... óc nghĩ, mắt trông, chân đi, miệng nói, tay làm”, cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan chính quyền quận.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy quận trong công tác dân vận của chính quyền quận; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền quận với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong CTDV; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành của Thành phố đối với CTDV của chính quyền quận.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời những cơ quan và cán bộ, công chức chính quyền quận thực hiện tốt CTDV; xử lý kịp thời và nghiêm minh những đơn vị và cán bộ, công chức vi phạm những quy định về tiếp xúc với dân trong thực thi công vụ và suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống...

Thời gian tới, CTDV của chính quyền quận ở Hà Nội cần tiếp tục đổi mới cả nội dung và hình thức, theo hướng:

1. Tăng cường quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng về CTDV, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền quận về thực hành dân chủ ở cơ sở, về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vị trí, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế…
Định kỳ mở các lớp bồi dưỡng để cập nhật các kiến thức và  nghiệp vụ CTDV cho đội ngũ công chức chính quyền quận, chương trình đào tạo có nội dung phù hợp về CTDV của chính quyền quận và cơ sở.

2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền quận về công tác dân vận. Mỗi cán bộ, công chức chính quyền quận tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phong cách công tác. Có chương trình kế hoạch tổ chức cho cán bộ, công chứcnghiên cứu, quán triệt sâu sắc về trách nhiệm đối với CTDV đã được quy định trong các luật.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chính quyền quận đối với CTDV. Duy trì phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan chính quyền quận và ở các phường của quận. Định kỳ sơ, tổng kết CTDV để rút kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm về nâng cao năng lực, rèn luyện kỹ năng CTDV của cán bộ, công chức.

3. Đổi mới nội dung CTDV của chính quyền quận ở thành phố Hà Nội theo hướng vận động nhân dân tham gia giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc hằng ngày. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền quận. Cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, công khai hóa mọi thủ tục, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế hành chính một dấu, một cửa ở các quận và liên thông ở các quận. Đẩy mạnh  ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước tại các cơ quan trên địa bàn quận, tạo thuận lợi để nhân dân nắm chắc và vận động nhân dân tham gia thực hiện. 

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, giải đáp các kiến nghị của công dân trên trang thông tin điện tử của quận, trang thông tin điện tử chuyên ngành và trên các phương tiện thông tin đại chúng…  Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy và tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất