Khi trí thức trẻ về các xã vùng sâu, vùng xa

Đưa trí thức về công tác tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa, trong đó có các xã của 62 huyện nghèo nhất cả nước là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết hiện nay. Trong lịch sử nước ta đã không ít lần tổ chức các phong trào vận động đoàn viên, thanh niên xung phong đi xây dựng miền núi, đến các vùng kinh tế mới, ra các cơ sở ở biên giới, hải đảo hoặc các đội thanh niên xung phong đi làm kinh tế... Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo. Dự án này nằm trong khuôn khổ Nghị quyết 30a của Chính phủ do Bộ Nội vụ cùng Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Gần đây, ngày 27-2-2013, tại Trường đại học Y Hà Nội đã diễn ra Lễ triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Chương trình do Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai nhằm cung cấp nguồn bác sĩ, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cơ sở.

Có thể khẳng định, việc đưa trí thức trẻ về làm công tác lãnh đạo, quản lý, làm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tăng cường nguồn lực cán bộ lãnh đạo, lao động có “chất xám”, để trí thức trẻ được rèn luyện, thử thách, phấn đấu trong một môi trường mới, có nhiều khó khăn hơn thuận lợi là rất cần thiết, có lợi về nhiều mặt. Trong giai đoạn hiện nay, các dự án đều được chuẩn bị khá bài bản, có các tổ chức, cơ quan chủ quản ở Trung ương và địa phương phối hợp thực hiện, quản lý, theo dõi, có nguồn kinh phí và được phân thành bước đi, giai đoạn cụ thể, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Trí thức trẻ được lựa chọn, phân công, bố trí về công tác ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số công tác, ngoài việc tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, vận dụng kiến thức đã học được trên ghế nhà trường vào thực tiễn cuộc sống ở địa phương, cơ sở thì một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng nữa là phải làm công tác vận động quần chúng- một trong những công việc không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi về cùng công tác, chung sống với đồng bào của mình.

Dưới góc độ công tác vận động quần chúng, có những vấn đề đang là những thách thức đối với các trí thức trẻ khi về công tác tại các cơ sở, đó là:

Trước hết, trí thức trẻ cần nhận thức và quán triệt một cách sâu sắc công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ của “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân” (theo Hồ Chí Minh). Đồng thời, việc liên hệ chặt chẽ với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là bổn phận và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, trước khi về công tác ở cơ sở, trí thức trẻ nhất thiết phải được học tập, giáo dục những nội dung mang tính nguyên lý trên đây.

Thứ hai, khi trí thức vừa mới ra trường, được đưa về công tác tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là môi trường mới hoàn toàn, thiếu thốn, khó khăn đủ bề thì nhiều người chỉ chăm chăm lo làm sao làm tốt công tác chuyên môn, vượt qua gian khó trong ăn, ở, sinh hoạt, đi lại hằng ngày mà sao nhãng công tác vận động quần chúng. Trong khi đó dưới con mắt người dân địa phương, những trí thức đó là “cán bộ” của Đảng, Chính phủ đưa về phải giỏi giang toàn diện, biết giải quyết được khó khăn, vướng mắc, yếu kém của đồng bào, tức là vô hình trung, họ đã được khoác lên mình “cái uy”. Trong khi đó, công tác vận động quần chúng lại nghiêng về “cái  tín”. Mà cái tín thì cần có thời gian tu dưỡng, rèn luyện, giao tiếp, gần gũi với đồng bào cơ sở. Chính vì thế, sau một thời gian trí thức trẻ không xây dựng cho mình sự tín nhiệm, thân thiết với đồng bào và nếu hiệu quả công tác không tốt lại không có sự giải thích chu đáo sẽ dễ gây ra sự thất vọng. Do đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, trí thức trẻ phải vượt qua khó khăn, thử thách rèn luyện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm” “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Chắn chắn, nhiều trí thức trẻ vẫn còn lạ lẫm với những khái niệm này.

Thứ ba, một trong những khó khăn khi trí thức trẻ về công tác tại các xã ở 62 huyện nghèo nhất cả nước là vấn đề giao tiếp và am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Có thể nói phần lớn trí thức trẻ có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đáp ứng đủ yêu cầu tiêu chuẩn Dự án đề ra lại không biết tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Như thế, việc giao tiếp chủ yếu qua phiên dịch và qua ngôn ngữ cử chỉ. Trong khi đó, việc thâm nhập thực tế, vận động đồng bào, tạo niềm tin trong nhân dân đòi hỏi phải có sự hòa nhập, gần gũi thông qua trò chuyện, vận động, giao tiếp. Muốn vậy, nhiều khi trí thức phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Có khi để dân yêu, dân tin, dân mến, người trí thức phải chấp nhận những phong tục tập quán không dễ gì vượt qua như: phải uống rượu; ăn một số món như nậm phịa, thắng cố, nghóe ôm măng v.v. Vậy làm thế nào để thích nghi, hòa nhập mà không hòa tan, không chấp nhận nhưng lại không mếch lòng đồng bào? Ngay việc bố trí nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại cho trí thức trẻ ở các xã đặc biệt nghèo cũng là vấn đề không nhỏ đặt ra. Tình huống trí thức trẻ vì không hòa nhập được hoặc vì những lý do nào đó mà bị cô lập, vô hiệu hóa cũng cần phải lường trước. 

Thứ tư, hành trang của trí thức trẻ cần mang theo khi về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiều thứ, thứ nào cũng thấy quan trọng và cần thiết. Theo kinh nghiệm thực tế thì dù quên thứ gì, thiếu thứ gì nhưng nhất thiết không thể thiếu “cẩm nang” công tác vận động quần chúng. Đó chính là quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác vận động quần chúng; về chính sách dân tộc; chính sách tôn giáo; quy chế dân chủ ở cơ sở; phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiếu số nơi trí thức về công tác. Vì vậy, trong quá trình tập huấn, chuẩn bị kiến thức cho trí thức trẻ về công tác tại các xã này, cần có những bài giới thiệu về công tác vận động quần chúng, nhân dân cũng như những kinh nghiệm của các thế hệ cán bộ chúng ta trong quá trình thâm nhập thực tế các giai đoạn cách mạng trước đây.

Rất vinh dự cho những trí thức trẻ được cử về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách họ ở phía trước. Nhưng nếu mỗi trí thức trẻ biết cố gắng làm tốt công tác vận động quần chúng thì sẽ nhất định trưởng thành và hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Vì theo trải nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Vũ Lân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất