Thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời

Ngày 20-8-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật hình sự. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, trong văn bản thông báo sáng 21-8, quyết định kể trên căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đó là các công ty: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Các công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên thành lập, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị với số vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng. Mặc dù cả ba công ty trên không có chức năng đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên vẫn sử dụng pháp nhân của chúng để tham gia vào lĩnh vực tài chính thu lời bất chính.

Thông tin ông Kiên bị bắt giữ đã làm rung động dư luận vì ông Kiên nổi tiếng trong hoạt động kinh tế, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, là người có cổ phần trong một số ngân hàng khác. Nhiều tin đồn thất thiệt được lan truyền, nhiều bình luận, suy luận tiêu cực, trái chiều được tung ra khiến không ít người hoang mang, bán tín, bán nghi. Chứng khoán giảm sâu ba phiên liên tiếp từ 21-8 đến 23-8-2012, giá trị vốn hoá thị trường mất hơn 61.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trong buổi chiều 21-8, thông điệp làm an lòng người gửi tiền ở ACB đã được Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại buổi chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được phát đi trực tiếp trên hệ thống truyền hình quốc gia, được đăng tải trên các báo mạng, báo in.

Chiều 22-8, tại phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Đồng thời yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người, bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước. Tiếp đó, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trưởng ban chuyên án đã trả lời phỏng vấn báo chí, khẳng định vụ án này là một việc làm bình thường của lực lượng Cảnh sát kinh tế trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng thực hiện.

Những ngày này, sàn chứng khoán đã xanh trở lại, nhiều người rút tiền đã quay lại gửi ACB. Sóng gió đã qua nhưng bài học xử lý thông tin đọng lại có tác dụng bảo vệ an toàn nền kinh tế, bảo vệ người dân và bảo đảm an ninh xã hội không chỉ tại một thời điểm mà có tính chất lâu dài. Đó là: Cần luôn có những thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời từ người đứng đầu có trách nhiệm, từ các cơ quan chức năng. Bài học này không chỉ đúng trong lĩnh vực kinh tế mà còn đúng trong nhiều lĩnh vực khác. Trừ những thông tin thuộc loại bí mật quốc gia, còn lại, cần được chuyển tải đến người dân công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời.

Đơn cử, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, kết quả tự phê bình, phê bình cần được thông tin công khai, chính xác, kịp thời một cách cụ thể, chi tiết những nội dung đã rõ. Đâu phải tất cả đều cần chờ thời gian xác minh, kết luận? Nhân dân làm sao tham gia xây dựng Đảng nếu không biết từng cán bộ, đảng viên đã làm gì, sai, đúng đến đâu, ưu điểm nào cần phát huy, khuyết điểm nào cần sửa để theo dõi, giám sát? Nếu nhân dân chỉ biết các cấp uỷ đã “tự phê bình, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng; chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục…” mà không thấy những khuyết điểm, hạn chế cụ thể với những địa chỉ trách nhiệm cụ thể thì làm sao tránh khỏi bị chi phối bởi những thông tin thất thiệt, thổi phồng, bóp méo?

Đảng ta không thể là “một Đảng hỏng” khi không “giấu giếm khuyết điểm của mình” như Bác đã chỉ rõ. Nếu Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng thì hãy cùng nhân dân chung tay giải quyết những vấn đề cấp bách đó. Đây không phải là công việc nội bộ của Đảng vì toàn bộ hoạt động của Đảng liên quan mật thiết đến lợi ích của nhân dân và “ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác” như Bác từng khẳng định.

Phản hồi (9)

Phạm Hòa Bình 20/09/2012

Gần đây rộ lên thông tin bẩn, thông tin sạch. Tôi lại càng thấy ý kiến của Tạp chí là đúng đắn. Càng cấm càng không được. Ví như trong xã hội có bao nhiêu cám dỗ tệ hại thì cũng có bấy nhiêu điều tốt đẹp cần theo. Vấn đề là người có tri thức thì tìm tới cái tốt, người u mê tăm tối thì tìm tới cái xấu. Vấn đề là trang bị cho mọi người khả năng tự lựa chọn mà không cần ngăn cấm. Và quan trọng hơn là đừng tạo ra những tiêu cực để kẻ khác lợi dụng, đừng bưng bít thông tin để người dân tò mò, đừng thông tin sai để người dân mất niềm tin. Ta mà tốt thì kẻ xấu có nói thế chứ nói nữa thì cũng chẳng ai tin theo.

Nguyễn Văn Tính 18/09/2012

Lý sự của Tạp chí rất đúng. Tôi đồng tình.

Lê Văn Thanh Hinh 14/09/2012

Trong thời đại thông tin toàn cầu, interrnet trở thành quen thuộc với ngày càng nhiều người thì việc ngăn cấm, giấu giếm thông tin là điều không thể. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Tạp chí là các cơ quan cần có thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời một cách chính thống thì chẳng ai dại gì mà tìm ở nơi khác rước lấy cái hoài nghi vào người cho mệt... Thông tin cần đa chiều để nhân dân có thể lấy làm cơ sở phán xét đúng, sai. Cán bộ, công chức lại càng cần có nhiều thông tin để xử lý công việc đungs, khách quan, không phiến diện. Ta ngay thẳng, đàng hoàng, chẳng sợ gì bọn trộm cắp cả.

1 2 3

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất