Thông tin chính xác

Trong những ngày đầu tháng 7, dư luận xôn xao với thông tin xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá có hơn 9 ngàn dân mà có tới 500 “cán bộ”. Ngày 9-7 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn Khẩn số 715/UBND-THKH gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo không có 500 cán bộ. Số cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương là 205 người. Tuy nhiên, tại báo cáo số19/BC-UBND ngày 5-7-2012 gửi UBND huyện Quảng Xương và UBND tỉnh Thanh Hóa của Đảng ủy xã Quảng Vinh thì tổng số cán bộ được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước và do địa phương chi trả từ xã đến thôn là 254 người.

Thực tế chỉ có một số lượng cán bộ, công chức mà sao lắm con số thế? Nếu cần một con số chính xác cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước ở tất cả 4 cấp sẽ có bao nhiêu biến số khác nhau? Chỉ về số lượng đã không chính xác, nếu muốn biết cụ thể hơn về độ tuổi, giới tính, trình độ… làm sao có được? Đảng muốn quản lý cán bộ, công chức chặt chẽ, nhất thiết phải biết chính xác, đầy đủ thông tin về cán bộ, công chức không chỉ trong một cơ quan, đơn vị, một xã, một tỉnh mà trong cả nước, trong toàn hệ thống chính trị.

Làm thế nào để có thông tin chính xác? Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển thì cách chính xác, nhanh nhất là sử dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung. Ban Tổ chức Trung ương cách đây nhiều năm đã từng xây dựng Chương trình cơ sở dữ liệu đảng viên và cơ sở dữ liệu cán bộ nhưng chưa phải hệ thống bao gồm tất cả cán bộ, công chức các cấp. Rút kinh nghiệm từ các đợt làm trước, với tiến bộ của công nghệ thông tin, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức tập trung, minh bạch hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đây sẽ là bước cải cách hành chính quan trọng trong hoạt động của Đảng.

Khi thông tin về cán bộ, công chức được cập nhật đầy đủ, chính xác, tích tụ tập trung, công khai, minh bạch sẽ là tài nguyên vô giá trước hết giúp cho cấp uỷ các cấp quản lý cán bộ chặt chẽ. Việc kiểm tra con số 500 cán bộ của xã Quảng Vinh nêu trên được xác định có hay không chỉ trong tích tắc và chỉ có một con số duy nhất chính xác mà không phải nhọc công của mấy cấp quản lý, mất bao thời gian, cuối cùng xã hội vẫn chưa tin con số báo cáo đã chính xác chưa?

Khi thông tin về cán bộ, công chức được cập nhật đầy đủ, chính xác, tích tụ tập trung, công khai, minh bạch sẽ giúp cho việc hoạch định chính sách, đào tạo con người, phân bổ nguồn lực quý giá, quan trọng nhất - cán bộ, cái gốc của mọi công việc - một cách hiệu quả, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời đây cũng là một giải pháp hữu hiệu phòng, chống tham nhũng tích cực, ngăn ngừa đủ kiểu “chạy”, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Nguyễn Thuý Hoàn

Phản hồi (4)

Nguyễn Văn Hiệu 15/09/2012

Một đề xuất hay. Nếu làm được, Đảng và Nhà nước sẽ quản lý, phát huy nguồn nhân lược quan trọng này trong lãnh đạo đất nước và quản lý nhà nước có hiệu quả.

Lương Hải Khôi. 20/07/2012

Tôi thấy rất bổ ích và thiết thực nếu có cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức đầy đủ, chính xác để người dân cũng có thể kiểm tra, giám sát các đầy tớ của mình như thế nào. Nếu thông tin không đầy đủ, chính xác, lại không minh bạch, công khai thì đó chính là môi trường tốt để nảy sinh mọi tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề là Đảng, Nhà nước có muốn làm không mà thôi.

Nguyễn Văn Tính 18/07/2012

Ý kiến quá hay. Tôi biết nhiều tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị đã xây dựng cho mình cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức. Nhưng vấn đề tập trung cả nước thì chưa hoặc chưa đến nơi, đến chốn. Tôi dám chắc là Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương không thể biết mình có chính xác bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức vì đâu có phải tất cả hưởng lương từ ngân sách? Số hưởng lương từ dân đóng góp rất nhiều. Đây là một gánh nặng cho bà con. Tôi nghĩ Ban Tổ chức Trung ương cần xây dựng cơ sở dữ liệu này, trên cơ sở đó tiến hành đánh giá, sử dụng hữu hiệu nguồn nhân lực quan trọng này.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất