Cần chuẩn bị đầy đủ thông tin cho việc chỉ đạo kiểm điểm

Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng (đăng trên Tạp chí Xây dựng đảng số tháng 4-2012) đã nói khá nhiều, khá rõ, cả lý luận và thực tiễn, cả tư tưởng chỉ đạo và cách làm cụ thể về vấn đề tự phê bình và phê bình (TPB và PB), một vũ khí sắc bén trong trong xây dựng và phát triển Đảng ta. Trong đó tôi rất tâm đắc với bài “Ba ví dụ về TPB và PB” của tác giả Ngô Minh Giang. Tổ chức TPB và PB trong ban thường vụ và cán bộ chủ chốt của một tỉnh uỷ, một việc làm đã được Bộ Chính trị chỉ đạo, gợi ý về nội dung, cách thức TPB và PB, có đồng chí lãnh đạo của cấp trên tham dự và trực tiếp chỉ đạo, có chuyên viên cao cấp được Trung ương uỷ nhiệm trao đổi các hoạt động của địa phương tham dự... nhưng TPB và PB sao mà khó khăn đến vậy?

 

Bây giờ “tiến hành đại trà” việc TPB và PB theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI), đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu hơn nhiều của cấp trên là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban đảng ở Trung ương. Chỉ đạo làm ở một tỉnh mà kéo dài hàng chục ngày với sự quyết tâm cao của cấp trên mới được như vậy. Nay làm đồng loạt ở 63 tỉnh và mấy chục bộ, ngành Trung ương, mức độ quyết tâm chỉ đạo của cấp trên và sự chuẩn bị của cấp dưới đòi hỏi phải công phu và cụ thể hơn rất nhiều. Nhưng khó khăn mấy cũng phải làm, vì việc thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cực kỳ quan trọng, có quan hệ tới sự sống còn của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

 

Đảng viên chúng tôi nghĩ: Tập hợp đầy đủ tài liệu, thẳng thắn gợi ý đầy đủ nội dung cho cán bộ chủ chốt và tập thể ban thường vụ cấp uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, bộ ngành Trung ương TPB và PB là khâu công việc rất quan trọng, quan hệ đến sự thành bại của đợt sinh hoạt chính trị này.

 

Để giúp Trung ương và cấp tỉnh TPB và PB được tốt, có hiệu quả, các ban đảng ở Trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương) và cơ quan thanh tra, kiểm tra của Nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến những hạn chế, sai sót của từng cán bộ chủ chốt, từng tập thể lãnh đạo ở cấp Trung ương cũng như cấp tỉnh.

 

Nguồn thông tin có thể nói là rất phong phú, đa dạng, trước hết là ở các cơ quan tham mưu, chức năng của Đảng và Nhà nước như đã nêu trên. Ở đây, phải kể đến những người nắm được nhiều thông tin của các tổ chức trên là các chuyên viên theo dõi địa phương và các bộ, ngành. Cốt sao số đồng chí này dám nói thật, nói hết sự việc và các tổ chức nêu trên báo cáo đầy đủ, khách quan với các cơ quan có thẩm quyền về những nội dung thực tế mà mình nắm được.

 

Có thể tập hợp thông tin từ nhiều nguồn: những vấn đề đã được nêu lên trên các phương tiện thông tin đại chúng; đơn thư tố cáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân; những vụ việc tiêu cực đang được các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật theo dõi, xử lý; tập hợp thông tin từ các ban đảng, cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước nhất là các chuyên viên được giao trọng trách theo dõi hoạt động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ban, ngành Trung ương... Thiết nghĩ, Văn phòng Trung ương Đảng là nơi có đủ điều kiện chủ trì việc tập hợp, phân loại các nguồn thông tin về tiêu cực liên quan đến tổ chức và cán bộ, đảng viên. Các cụm từ chạy chức, chạy quyền, chạy vụ án, chạy tội, mua bằng... đã là những câu cửa miệng của nhân dân. Cần kiểm tra những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về những công việc trên, những hoạt động “lại quả”, “bôi trơn” của những tổ chức, cá nhân lập dự án để nhằm có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền...

 

Phát huy tính tự giác tự phê bình và chân thành phê bình của các cán bộ, đảng viên là vấn đề cực kỳ khó khăn, trong đó có rất nhiều rào cản về tâm lý, khó vượt qua. Chuẩn bị thật đầy đủ thông tin liên quan đến tập thể lãnh đạo và từng cán bộ chủ chốt là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng đảm bảo việc TPB và PB có hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất