Dựa vào dân

Trong 3 ngày (từ 27 đến 29-2-2012), Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” diễn ra ở Hà Nội là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về phổ biến một nghị quyết chuyên đề của Trung ương với sự có mặt  tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và sự tham gia của toàn thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành. Hội nghị thể hiện tinh thần nghiêm túc, quyết tâm cao của Đảng trong thực hiện Nghị quyết.

Nét mới lần này là Nghị quyết chỉ rõ "Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo" và "Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế". Việc “tắm từ vai” đã được thay bằng “tắm từ đầu”. Trung ương xác định vấn đề thứ nhất (ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Đây chính là khâu đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng đảng hiện nay, là "mắt xích" chủ yếu, nhưng trong chỉ đạo không được coi nhẹ 2 vấn đề còn lại.

Thấy rõ khó khăn khi thực hiện, Nghị quyết xác định toàn Đảng, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan. Đồng thời, Nghị quyết chỉ có thể thực hiện đạt yêu cầu khi Đảng thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, có sự giám sát của nhân dân theo đúng tinh thần Đại hội XI của Đảng, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu /khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và cũng bởi, nếu Nghị quyết được thực hiện thành công sẽ làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, ý thức rèn luyện, phục vụ người dân của mỗi cán bộ, đảng viên cao hơn, ngăn chặn và đẩy lùi những yếu kém, khuyết điểm kéo dài tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Nhưng Đảng dựa vào dân như thế nào, dân tham gia xây dựng và giám sát Đảng bằng cách nào? Đảng dựa vào dân là phải mở rộng dân chủ, “để dân mở mồm” như Bác dạy; là “phải phát động tư tưởng của quần chúng, biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như Bác căn dặn; là minh bạch, công khai rộng rãi kết quả tự phê bình, phê bình, chất vấn trong Đảng cho dân biết; là khuyến khích nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên; là xử lý nghiêm khắc những biểu hiện trù úm; là biết lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình đúng đắn; là triệt để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng pháp luật bất kỳ người đó là ai; là phải có hành lang pháp lý, quy định rõ ràng, chặt chẽ về trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên trước dân…

Dân tham gia giám sát, xây dựng Đảng bằng nhiều cách, nhiều kênh, bằng đối thoại trực tiếp với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; bằng góp ý thông qua các đoàn thể nhân dân, mặt trận Tổ quốc; đặc biệt, bằng công luận, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là sức mạnh trí tuệ, tâm trạng, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của muôn triệu người dân. Phản ánh đúng, đủ và kịp thời sự thật để góp phần vạch trần, ngăn chặn, loại bỏ những cán bộ, đảng viên hư hỏng, thoái hoá, biến chất, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Phản hồi (11)

Vũ Hoàng Hà 17/03/2012

Tôi rất nhất trí với ý kiến của Tạp chí: xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng pháp luật bất kỳ người đó là ai. Nhưng Uỷ ban kiểm tra Trung ương vừa có thông báo thi hành kỷ luật hai ông Cao Ming Quang và Lữ Ngọc Cư với hình thức cảnh cáo vì rất nhiều vi phạm được coi là "nghiêm trọng" thì có nghiêm minh không? So với hai anh nông dân một tỉnh phía Nam vì bắt 2 con vịt của người khác nhậu mà phải đi tù thì có công bằng không? Theo tôi hai ông này không còn xứng đáng với danh hiệu đảng viên, phải khai trừ ra khỏi Đảng mới gọi là nghiêm minh. Nếu xử lý như thế, nhân dân khó tin là Nghị quyết Trung ương 4 có thể thành công.

Dương Văn Bình 16/03/2012

Trong phát biểu tại hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: Vi sao Đảng ta có nhiều nghị quyết về đổi mới, chỉnh đốn Đảng mà tình hình vẫn không tốt hơn? Ây là vì Đảng đã không dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng. Hoặc có nói là dựa vào dân để xây dựng Đảng, để dân giám sát Đảng nhưng chỉ là hô khẩu hiệu mà không làm. Tôi chắc chắn nếu Đảg dựa vào dân thực lòng bằng những cách mà Tạp chí nêu trong bài, chắc chắn đợt này thành công. Còn không, sẽ như những nghị quyết trước.

Nguyễn Thanh Hằng 09/03/2012

Dựa vào dân xây dựng Đảng là biện pháp Bác Hồ chỉ dẫn từ lâu. Không có nghị quyết đại hội nào không nói tới. Nhưng thực tế thì không như vậy. Thực tế cho thấy cán bộ đảng viên xa dân thế thì làm sao dựa vào dân? Thậm chí vẫn có những cán bộ đảng viên coi thường dân. Nên có quy định mỗi tháng, lãnh đạo cao nhất - bí thư cấp uỷ - trực tiếp gặp dân 1 lần, trực tiếp nghe dân nói. CHẮC SẼ CÓ NHIỀU ĐIỀU BỔ ÍCH cho xây dựng Đảng.

1 2 3 4

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất