Công khai

Hai ngày 7 và 8-6, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; Đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Từ chỉ truyền hình trực tiếp phiên khai mạc và bế mạc đến truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nay truyền hình trực tiếp một số phiên họp về những vấn đề nhân dân quan tâm nhất, đây là nét mới trong hoạt động của Quốc hội thể hiện ngày càng công khai quá trình, kết quả lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Chính phủ về những vấn đề quốc kế, dân sinh, tác động đến cuộc sống của người dân.

Công khai làm rõ nét hơn những kết quả phát triển kinh tế - xã hội phải rất khó khăn, nhọc nhằn nỗ lực mới có được trong hoàn cảnh khi cả thế giới chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chính, nợ công. Công khai chiếu sáng những góc tối tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những bất hợp lý có thể ai cũng thấy mà lâu nay chưa dám nói thẳng, nói thật.

Có hợp lý không khi các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay số vốn lên đến hơn 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách hàng năm của quốc gia, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân? Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức được tuyển chọn, đào tạo, trong đó hầu như ai cũng được bồi dưỡng những khoá học về “quốc phòng toàn dân”, mà vẫn để hiện tượng sử dụng lao động người nước ngoài, cho thuê đất rừng hay khai thác khoáng sản và gần đây nhất là nuôi hải sản ở ngay những vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bộ máy nhà nước? Tại sao người Trung Quốc không phép vào nuôi cá ngay kề địa bàn quân sự ở Cam Ranh chỉ có báo chí phát hiện? Có hợp lý không khi việc đề bạt ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Bộ Giao thông vận tải được các cán bộ lãnh đạo và cơ quan có trách nhiệm khẳng định là đúng thẩm quyền, đúng quy trình, trình tự thủ tục theo các quy định về cán bộ của Đảng và Nhà nước nhưng chỉ 3 tháng sau khi bổ nhiệm, ông Dương Chí Dũng đã bị khởi tố để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bỏ trốn, bị truy nã đến nay vẫn chưa bắt được? Nếu quy trình đúng nhưng kết quả sai thì quy trình đó đúng hay sai và trách nhiệm của những người thực hiện quy trình ra sao? Có thể kể ra nhiều bất hợp lý nữa. Tất cả những câu hỏi trên, những vấn đề bất hợp lý đang được các đại biểu quốc hội, dư luận công khai thảo luận, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra những câu trả lời, giải pháp khắc phục.

Nhìn lại quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ Đại hội X và XI của Đảng, quá trình công khai, minh bạch, dân chủ hóa trong hoạt động của Đảng và Nhà nước đã dần được mở rộng thực hiện, đặc biệt trong hoạt động của Quốc hội. Quá trình đó tạo cơ sở hình thành dư luận xã hội sôi nổi - một hình thức phê bình rộng mở của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý và các cơ quan đảng, nhà nước. Tuy nhiên, việc tiếp thu phê bình của cán bộ và cơ quan chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân quan trọng nhất là ý thức lắng nghe, thấu hiểu để biến thành hành động đổi mới quyết liệt chưa cao. Có rất nhiều vấn đề đã được cảnh báo từ các nhà khoa học, từ rất nhiều cuộc hội thảo, đề tài nghiên cứu, từ kiến nghị của người dân nhưng chưa được chọn lọc tiếp thu để rồi những lời cảnh báo ấy đã trở thành hiện thực. Chưa tiếp thu có phải do chưa tin vào nhân dân hay còn bị tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm của một “bộ phận không nhỏ” chi phối?

Công khai là một biện pháp quan trọng chống tiêu cực, nâng cao chất lượng cán bộ và hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước. Đó chính là quá trình không giấu giếm khuyết điểm của mình và tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm, khẳng định là một Đảng mạnh dạn, chắc chắn, chân chính như Bác dạy.

Phản hồi (9)

Phạm Văn Định 18/06/2012

Tôi thấy nhiều ý kiến đề nghị các hội nghị trung ương cũng nên có chất vấn và truyền hình trực tiếp. Tôi cũng đồng ý với ý kiến này và mong rằng trong dịp thực hiện Nghị quyết TƯ4 tôi sẽ được xem trực tiếp chất vấn của các đồng chí uvtu với các uvbct và bbt giữa hai kỳ hội nghị. Đây cũng là một hình thức công khai tự phê bình, phê bình.

Quang Dung 16/06/2012

Tôi đã xem trực tiếp tất cả các phiên truyền hình trực tiếp của Quốc hội, Tôi hoàn toàn nhất trí với Tạp chí. Tôi nghĩ, nếu không chỉ Quốc hội mà các cơ quan đảng, chính phủ và các đoàn thể nhân dân cũng công khai hoạt động của mình thì sẽ hạn chế rất nhiều tiêu cực. Cái xấu, cái tốt sẽ được đánh giá, lên án cái dở, tuyên dương cái tốt, cái hay. Tôi mong sắp tới cũng sẽ được biết công khai kết quả tự phê bình và phê bình của các ủy viên trung ương để được biết Đảng ta thực hiện nghị quyết Trung ương như thế nào. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tự nhận trách nhiệm về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng như vậy trước diến đàn Quốc hội tôi cũng cho là kết quả tự phê bình tốt. Bộ trường Trần Đại Quang cũng nhận sai sót trong việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng cũng vậy. Có thấy trách nhiệm mới có thể sửa sai được.

Nguyễn Trần Kỳ Anh 15/06/2012

Ý kiến đúng. Hiện nay hoạt động của Quốc hội là công khai nhất. Tôi cũng mong các kỳ hội nghị Trung ương cũng có truyền hình trực tiếp cho dân xem và cũng có chất vấn để thấy trách nhiệm của các UVTU đối với dân như thế nào.

1 2 3

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất