Tuyển dụng, đào tạo công chức ở Nhật bản

Hiến pháp Nhật Bản năm 1947 dành Chương 8 quy định về chính quyền địa phương, trong đó chỉ rõ mọi công chức là công bộc của nhân dân, hết lòng phụng sự nhân dân và tận tụy thực thi luật pháp không phụ thuộc sự chi phối của một nhóm lợi ích nào trong xã hội. Bộ máy nhà nước và chính quyền địa phương của Nhật Bản lựa chọn, tuyển dụng công chức theo nhu cầu cụ thể của từng vị trí trong hệ thống dịch vụ hành chính công với tiêu chí: chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất (1).

Tuyển dụng “mở” - mỗi công dân đều có cơ hội trở thành công chức

Việc tuyển dụng công chức được tiến hành theo hình thức “mở”, công khai thông tin tuyển dụng và thi tuyển dụng (thi viết và vấn đáp). Cơ hội trở thành công chức luôn dành cho mọi công dân khi đủ tuổi lao động, sức khỏe theo luật định. Do tính đặc thù, việc thi tuyển công chức đối với các ngành nghề như y tế, xây dựng, kế toán, luật sư ở Nhật Bản bắt buộc người dự tuyển phải có chuyên môn tương ứng. Các lĩnh vực còn lại, việc tuyển dụng không đòi hỏi chuyên ngành đã có của người tham gia tuyển dụng. Tất cả công chức và người tham gia thi tuyển vào vị trí có nhu cầu sau khi trúng tuyển đều phải trải qua quá trình đào tạo cho công việc sẽ đảm nhiệm. Chính sách mở này đã tạo điều kiện cho mọi công dân Nhật Bản tham gia vào hệ thống dịch vụ hành chính công, những học sinh tốt nghiệp THPT và đủ 18 tuổi, có quốc tịch Nhật Bản đều có thể tham gia kỳ thi cấp vùng để trở thành công chức địa phương, hoặc các sinh viên chưa tốt nghiệp đại học vẫn có thể thi vào ngành cảnh sát (năm 2010, số sinh viên tham gia kỳ thi tuyển vào ngành cảnh sát ở Nhật Bản chiếm tới 30% tổng số người tham gia thi tuyển) (2).

Đào tạo tại chỗ và theo nghề tại các trường đào tạo công chức

Đào tạo tại chỗ. Đây là hình thức đào tạo ngay sau khi trúng tuyển nhằm đáp ứng các kỹ năng hành chính cần thiết cho công việc. Công chức sẽ được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng các thiết bị văn phòng, kỹ năng xử lý công việc cụ thể hằng ngày ở vị trí đảm nhiệm. Đào tạo theo vị trí làm việc là hình thức học việc, tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước hiệu quả và phổ biến nhất ở các công sở của Nhật. Ngoài việc truyền thụ kinh nghiệm giữa các công chức, việc đào tạo tại chỗ còn được tiến hành qua tập huấn cho công chức mới những công việc cụ thể, do người đứng đầu bộ phận tổ chức với các bước: phân tích, đánh giá nội dung công việc; xác định những điểm quan trọng mà công chức cần ghi nhớ và thực hiện; xác định quy trình giải quyết công việc; lập kế hoạch chi tiết để thực hiện, phân công việc cho từng vị trí; tiến hành giải quyết công  việc theo trình tự xác lập; đánh giá kết quả. Với nhiều tình huống khác nhau, nhân viên trong công sở dần làm quen, tích lũy kinh nghiệm tiến tới chủ động xử lý và đưa ra quyết định chính xác giải quyết công việc với hiệu quả cao nhất.

Đào tạo theo nghề tại các trường đào tạo công chức. Có ba cấp độ đào tạo: cấp cơ sở, cấp vùng và cấp quốc gia do Trường Cao đẳng tự trị địa phương, Viện Đào tạo công chức quản lý đô thị, Viện Đào tạo kỹ năng và trao đổi văn hóa Nhật Bản. Một số ngành như cứu hỏa và quản lý thảm họa do Học viện Cảnh sát quốc gia và trường đào tạo cảnh sát địa phương tiến hành.

Trường Cao đẳng tự trị địa phương là nơi mở các khóa học từ 2 tuần đến 6 tháng cho các công chức mới được tuyển dụng và cập nhật một số kỹ năng mới cho công chức lâu năm. Viện Đào tạo công chức quản lý đô thị, Viện Đào tạo kỹ năng và trao đổi văn hóa Nhật Bản là nơi mở các khóa học cho công chức với thời gian tập trung dưới 2 tuần về các kỹ năng cần thiết, cần có đối với công chức. Công chức được tham gia khóa đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng tự trị địa phương (sau 4 năm được tuyển dụng); tham gia khóa học dành cho công chức lâu năm (8 năm sau khóa học tại Trường Cao đẳng tự trị địa phương) và cuối cùng là khóa đào tạo dành cho quan chức lãnh đạo. Đối với một số ngành nghề đặc biệt như thuế, kiểm toán, công chức được đào tạo với các khóa học riêng; các lĩnh vực như cứu hỏa, quản lý thảm họa và cảnh sát thì trường đào tạo cảnh sát, trường đào tạo nhân viên cứu hỏa ở mỗi địa phương phụ trách trong khóa học không quá 2 năm. Học viện Cảnh sát quốc gia là nơi đào tạo cho quan chức cấp cao kỹ năng và khoa học điều tra đặc thù cho ngành cảnh sát.

Không chỉ được đào tạo theo nghề, bất kỳ công chức Nhật Bản nào cũng phải trải qua 8 khóa học với các nội dung chủ đạo: hệ thống pháp luật, nguyên lý hành chính địa phương, lý thuyết chung về chính sách công và chính sách công Nhật Bản, lý thuyết về quản lý hành chính, kỹ năng trình bày và phân tích chính sách, nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản... các khóa học về văn hóa các nước châu á và đào tạo tiếng Anh. Ngoài ra, còn có những khóa học từ 4 đến 10 ngày về các kỹ năng hành chính như trao đổi qua điện thoại, tiếp xúc với dân, bảo vệ thông tin quản lý về thuế, bệnh viện...(3).

Hiện nay, tổng số công chức địa phương ở Nhật Bản khoảng 2,7 triệu người và tính trung bình 2,16 công chức phục vụ 100 người dân. Về chính sách, công chức Nhật Bản sau khi tuyển dụng sẽ hưởng chế độ công chức, tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi đối với nam giới và 55 tuổi đối với nữ, nhưng tuổi làm việc có thể kéo dài 5 năm đối với những công chức tài năng và giàu kinh nghiệm. Hình thức kỷ luật cao nhất đối với công chức là đuổi việc khi vi phạm đạo đức công chức. Lương của công chức chính quyền địa phương về căn bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống của gia đình. Tùy theo đặc thù từng địa phương, công chức còn được hỗ trợ tiền thuê, mua nhà, hằng tháng được cộng vào lương.

Theo đánh giá của người dân Nhật Bản, mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng nền hành chính công vẫn có những hạn chế như sự cứng nhắc và nguyên tắc đã dẫn đến thiếu khả năng phản ứng nhanh trong các tình huống cấp bách về thiên tai... Tuy nhiên, đội ngũ công chức Nhật Bản luôn được đánh giá cao về sự chuyên nghiệp, mẫn cán và kỷ luật.

Đình Tùng

-------------------

(1) Hiến pháp Nhật bản (1947).

(2) Nguồn: JIAM - Viện Đào tạo công chức quản lý đô thị Nhật Bản.

(3) Nguồn: JAMP - Viện Đào tạo kỹ năng và trao đổi văn hóa Nhật Bản.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất