Sớm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp

Nước Pháp có lịch sử lâu đời ở châu Âu. Từ thế kỷ 18, nền văn minh Pháp phát triển rực rỡ với kỷ nguyên ánh sáng và các nhà triết học nổi tiếng như Mông-tét-xki-ơ, Vôn-te, Đi-đơ-rô, Rút-xô… Cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã đi vào lịch sử với Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Năm 1871, Công xã Paris - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên - thắng lợi ở Pháp.

 Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lâu đời. Năm 2013 đánh dấu tròn 40 năm (12-4-1973 – 12-4-2013) Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Năm 2013 mở đầu năm Pháp tại Việt Nam và sẽ kéo dài tới giữa năm 2014 là năm Việt Nam tại Pháp với hàng loạt các sự kiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Quan hệ hợp tác phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua. Hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao, hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, Pháp là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Sự hỗ trợ hiệu quả của Pháp trong lĩnh vực hợp tác phát triển đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam là một trong ít nước được ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Pháp là một trong những nước dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển. Pháp cũng là nước cung cấp ODA sớm nhất và luôn dẫn đầu châu Âu về mức ODA dành cho Việt Nam.Pháp hiện là nhà tài trợ song phương ODA thứ hai cho Việt Nam sau Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước hưởng ODA của Pháp. Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam vay ưu đãi trên 2 tỷ euro cho các dự án. Năm 2008, Pháp đứng đầu trong số các nhà tài trợ song phương tại CG, cam kết viện trợ 380 triệu đô-la cho Việt Nam cho năm 2009 (tăng so với 228 triệu năm 2007).

Pháp là bạn hàng châu Âu thứ 3 của Việt Nam sau Đức và Anh. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2007 đạt 2,04 tỷ đô-la, năm 2008 đạt 1,8 tỷ đô-la, năm 2009 đạt gần 1,872 tỷ đô-la, tăng gần 6% so với năm 2008, trong đó tổng giá trị giá hàng hóa Việt Nam xuất đạt 808 triệu đô-la, chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, hàng hải sản, sản phẩm đá quý và kim loại quý. Tổng giá trị hàng hóa Pháp nhập đạt 864 triệu đô-la, chủ yếu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; tân dược; các sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sữa và sản phẩm sữa. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,16 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,59 tỷ USD.

Pháp đứng hàng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 13 trong tổng số 88 nước và lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Pháp có mặt tại Việt Nam từ năm1988. Việt Nam nằm trong số các nước hợp tác ưu tiên của Pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hợp tác Việt-Pháp hiện nay được thực hiện thông qua các dự án do Quỹ Đoàn kết Ưu tiên (FSP) của Pháp tài trợ. Đây thường là các chương trình lớn, dài hạn về nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phát huy giá trị văn hóa; tăng cường năng lực về pháp luật và hành chính... với kinh phí trung bình cho mỗi dự án khoảng trên một triệu euro.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được gắn kết thông hợp tác văn giáo dục - đào tạo và văn hóa, thể hiện qua con số hơn 7.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các giảng đường đại học tại Pháp và con số này đã tăng trung bình 30%/năm trong hơn một thập kỷ qua.

Việt Nam và Pháp chia sẻ một tầm nhìn chung về thế giới hiện đại, phấn đấu cho hòa bình, công bằng và bác ái, hợp tác và phát triển. Sự tương đồng đó được hai bên thể hiện rõ nét qua kết quả của rất nhiều chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong các cơ chế đối thoại song phương về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, hợp tác giữa các địa phương, cũng như trong sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế: Liên hợp quốc, trong khuốn khổ ASEAN-EU, ASEM và nhất là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển mạnh, bền vững sẽ sớm nâng tầm đối tác chiến lược, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước và hoà bình, phát triển trên toàn thế giới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất