40 năm hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ma-lai-xi-a

Ngày 30-3-1973 Việt Nam và Ma-lai-xi-a thiết lập quan hệ ngoại giao. 40 năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ma-la-xi-a ngày càng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần  tích cực xây dựng ASEAN vững mạnh, giữ gìn, củng cố hoà bình trong khu vực và trên thế giới.

Là quốc gia đa đảng, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), đại diện cho người Mã, thành lập năm 1946 là đảng lớn nhất với hơn 3 triệu đảng viên  liên tục cầm quyền từ khi Ma-lai-xi-a giành độc lập (1957) tới nay. Chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ nhất của Đảng giữ chức Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ. UMNO là thành viên của Mặt trận Quốc gia cầm quyền (BN) gồm 14 đảng. Trong đó Hội người Mã gốc Hoa (MCA) là đảng lớn thứ hai, đại diện cho tầng lớp tư sản người Hoa, lực lượng nắm kinh tế ở Ma-lai-xi-a và Hội người Mã gốc Ấn (MIC) là đảng lớn thứ 3, đại diện cho cộng đồng ngườiẤn ở Ma-lai-xi-a. Đồng thời, Ma-lai-xi-a còn có hơn 20 đảng đối lập khác.

Nhà nước Ma-lai-xi-a là nhà nước quân chủ lập hiến. Quốc vương đứng đầu quốc gia có nhiệm kỳ 5 năm, do Hội đồng Tiểu vương bầu ra. Quốc vương là nguyên thủ quốc gia song quyền lực thực sự thuộc về Thủ tướng. Thủ tướng là lãnh tụ phe đa số tại Hạ viện, nhiệm kỳ 5 năm.

Quốc hội Ma-lai-xi-a gồm 2 viện: Thượng viện có 70 ghế, trong đó 44 ghế do Quốc vương bổ nhiệm, 26 ghế do Viện lập pháp bang của 13 bang bầu, nhiệm kỳ 3 năm. Hạ viện có 222 ghế, hoàn toàn do bầu cử với nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng và Phó Thủ tướng phải là hạ nghị sĩ, các bộ trưởng là thượng hoặc hạ nghị sĩ. Quốc hội là cơ quan lập pháp, làm luật của Liên bang. Luật được áp dụng cho toàn Liên bang. Một dự luật cần được hai viện thông qua, sau đó được đệ trình lên Quốc vương chấp thuận.

Là thành viên ASEAN, mục tiêu chính sách đối ngoại của Ma-lai-xi-a nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị vững chắc với các nước Đông Nam Á, thiết lập môi trường ổn định và hoà bình trong khu vực, đảm bảo và phát huy lợi ích kinh tế quốc tế của Ma-lai-xi-a thông qua việc thắt chặt quan hệ trực tiếp với các nước khác hoặc thông qua các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ Nam-Nam. Với Việt Nam, từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 1976, hai nước lập Đại Sứ quán ở thủ đô mỗi nước. Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước hiện đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, lao động, an ninh, quốc phòng…Đặc biệt, tháng 4-2004, hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21. Ma-lai-xi-a hiện là đối tác thương mại của Việt Nam lớn thứ 3 trong ASEAN và lớn thứ 9 trên toàn thế giới. Về đầu tư, Ma-lai-xi-a đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Petrovietnam có quan hệ hợp tác với Công ty dầu khí quốc gia Ma-lai-xi-a (Petronas) trên 15 năm trong tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí: từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến đến phân phối sản phẩm. Petronas luôn được đánh giá là một trong các đối tác chiến lược quan trọng của Petrovietnam.
Ma-lai-xi-a là thị trường xuất khẩu hàng nông sản và thủy sản ổn định của Việt Nam.

Hàng năm Ma-lai-xi-a cấp học bổng đại học và cao học cho sinh viên Việt Nam bao gồm học bổng chính phủ và học bổng của các tập đoàn kinh tế lớn của Ma-lai-xi-a. Theo chương trình hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN, Ma-lai-xi-a dành cho Việt Nam khoảng 20-30 học bổng ngắn hạn mỗi năm. Hơn 300 lưu học sinh học tập và nghiên cứu tại Ma-lai-xi-a. Trong đó khoảng hơn 150 người qua kênh của Bộ Giáo Dục và Đào tạo.

Trong tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Ma-lai-xi-a tích cực phối hợp với Việt Nam chuẩn bị tốt báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý và trình lên Liên hợp quốc ngày 27-8-2009. Hợp tác an ninh-quốc phòng đang ngày càng phát triển cả trên cơ sở song phương và trong khuôn khổ ASEAN giúp đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước. Hai nước chú trọng tăng cường các hoạt động nhằm triển khai Bản Ghi nhớ về “Hợp tác quốc phòng song phương” ký tháng 8-2008 nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Hai nước tích cực trao đổi các chuyến thăm và tàu thuyền hai nước ghé thăm cảng của nhau.

Kể từ khi hai nước miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, lượng du khách Ma-lai-xi-a đến Việt Nam và du khách Việt Nam đến Ma-lai-xi-a tăng nhanh góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước và hai dân tộc.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất