Điểm nhấn quan trọng

Hội nghị cấp cao An ninh châu Á còn gọi là Đối thoại Shang-ri La (The Shangri-La Dialogue) ra đời năm 2002 theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh. Không chỉ có uy tín và thế mạnh trong nghiên cứu, mà IISS còn có một thế mạnh lớn bởi là một tổ chức phi chính phủ nằm ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không bị ảnh hưởng từ bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực. Gọi là Đối thoại Shang-ri La vì diễn ra hàng năm tại khách sạn cùng tên của Xin-ga-po.


Đối thoại  Shang-ri La đã trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng hằng năm về vấn đề hợp tác, bảo vệ hoà bình, an ninh và xây dựng lòng tin ở khu vực. Ðây là diễn đàn các lãnh đạo nhà nước và Bộ trưởng Quốc phòng của 27 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhiều nước trên thế giới, trong đó có 10 nước ASEAN, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Mỹ, Nga, Ca-na-đa, Pháp, Ðức, Anh..., các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn về tình hình cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin. Ðây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước. Bên cạnh vấn đề chung, lãnh đạo  quốc phòng cấp cao của các nước tổ chức các cuộc họp song phương bên lề. Tại diễn đàn quan trọng này, lãnh đạo nhiều nước: Thủ tướng Xin-ga-po (từ năm 2006 đến 2009), Thủ tướng Ô-xtrây-li-a (năm 2009), Tổng thống Hàn Quốc (năm 2010), Thủ tướng Ma-lai-xi-a (năm 2011) và Tổng thống In-đô-nê-xi-a (năm 2012) đã dự và đọc diễn văn khai mạc.


Tại Ðối thoại Sang-ri La lần thứ 12 (31-5 - 1-6-2013), nhận lời mời của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long và Ban Tổ chức Ðối thoại Sang-ri La, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã dự và đọc diễn văn khai mạc. Đây là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động ngoại giao của lãnh đạo nước ta là bởi những vấn đề Thủ tướng đề cập không chỉ có giá trị trực tiếp trong khu vực mà còn có giá trị chung của thế giới. Những quan điểm mà Thủ tướng thay mặt Việt Nam tuyên bố tại diễn đàn được đồng tình và ủng hộ. Đó là:

Lần đầu tiên nước ta đưa ra khái niệm lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Thủ tướng khẳng định: Cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược.Việt Nam có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực. Thẳng thắn cảnh báo: Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền. Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua-mà tất cả cùng thua.

Do đó, mỗi quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Khu vực cần một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương. ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Trách nhiệm của mỗi nước là nhân thêm niềm tin trong giải quyết các vấn đề, trong tăng cường hợp tác cùng có lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của quốc gia khác và của cả khu vực. Việt Nam tin tưởng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Đồng thời có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. Điều quan trọng là sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược và lòng tin chiến lược cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của hai quốc gia này.cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện. Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông… Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất