Hơn 1,87 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
Người cao tuổi nước ta đã được trợ giúp trên nhiều mặt như đời sống, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, qua đó sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Ảnh: VTV

Người cao tuổi nước ta đã được trợ giúp trên nhiều mặt như đời sống, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, qua đó sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Ảnh: VTV

Cả nước có hơn 733 nghìn người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải ở cơ sở. Khoảng 1,1 triệu người cao tuổi tham gia phòng chống tội phạm, trật tự an ninh ở địa bàn, khu dân cư; hơn 95 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hơn 300 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Như vậy, người cao tuổi được tạo điều kiện phát huy vai trò trong đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. 

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, đã có gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trong đó có hơn 2,5 triệu người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. 95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu.

Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch của người cao tuổi từng bước nâng lên. Có 35% người cao tuổi ở nông thôn và 70% người cao tuổi ở thành thị tham gia các hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên. 100% người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng được miễn giảm giá vé. Cơ sở hạ tầng văn hóa, y tế, giao thông công cộng, trung tâm thương mại từng bước bảo đảm các điều kiện tiếp cận cho người cao tuổi. Các địa phương đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho gần 1 triệu người cao tuổi. Các cấp Hội người cao tuổi huy động nguồn lực tổ chức thăm hỏi, chúc thọ, mừng thọ, tặng quà cho 420.000 người cao tuổi với số tiền 81 tỷ đồng.

Thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN) giai đoạn đến năm 2025, đến tháng 6-2022 đã có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án. Mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản của Đề án là đến năm 2025, có ít nhất 95% các tỉnh, thành phố trong cả nước có CLBLTHTGN; có thêm ít nhất 3.000 CLB mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng CLBLTHTGN đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLBLTHTGN đã thành lập giai đoạn 2016 - 2020 và các CLB mới được thành lập.

Thời gian qua, CLBLTHTGN đã giúp cho rất nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ từ những người thuộc thế hệ trẻ, từ cộng đồng, giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội tại cơ sở, góp phần làm tốt công tác chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, đặc biệt là Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát việc nhân rộng mô hình CLBLTHTGN; kiểm tra giám sát tình hình thực hiện đề án CLBLTHTGN.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi; tuyên truyền về đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN; kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ở một số địa phương. Khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Luật Người cao tuổi và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, chính sách trợ giúp xã hội...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất