Cơ sở xây dựng Luật Bảo vệ người chuyển giới ở Việt Nam

Cơ sở pháp lý xây dựng Luật

CĐGT là một thực tế khách quan, một nhu cầu cần có của NCG và được xem như một quyền cơ bản của con người. Căn cứ trên quyền bình đẳng, quyền được thừa nhận trước pháp luật, quyền với cơ thể, quyền tự do thể hiện cũng như quyền riêng tư, thì việc cho phép một người thay đổi giới tính cho phù hợp với nguyện vọng của họ cũng là một quyền chính đáng và cần được thừa nhận. Những quyền này gắn với con người không phải là sản phẩm của pháp luật, đây chỉ là một điều mà pháp luật phải thừa nhận.

Mới đây, tại buổi Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng góp cho Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, đại diện UN Women tại Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng Luật này.

Mới đây, tại buổi Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng góp cho Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, đại diện UN Women tại Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng Luật này.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật còn nhằm thực thi các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở các văn kiện quốc tế về quyền con người, những văn kiện đề cập trực tiếp đến quyền của cộng đồng LGBTQ+ nói chung và quyền của NCG nói riêng đã được thông qua, tiêu biểu là: Tuyên bố về Xu hướng tính dục và quyền con người, được Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua vào tháng 3-2005; Tuyên bố chung về những vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua vào tháng 12-2006; Tuyên bố chung về quyền con người, xu hướng tính dục và bản dạng giới được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 18-12-2008; Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua tháng 3-2011; Nghị quyết về “Quyền con người, xu hướng tính dục và bản dạng giới” được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua tháng 6-2011; Bộ quy tắc Yogyakarta về xu hướng tính dục và bản dạng giới, được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua vào ngày 26-3-2007.

Liên quan trực tiếp đến quyền chuyển giới, Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã hối thúc các quốc gia “thừa nhận quyền của NCG được thay đổi giới tính của họ bằng cách cho phép cung cấp cho họ giấy chứng sinh mới”. Cao uỷ Nhân quyền LHQ cũng khuyến nghị các quốc gia cần “hỗ trợ thực thi quyền được thừa nhận về mặt pháp lý giới tính mà họ muốn của NCG và cung cấp những giấy tờ nhân thân chứng tỏ giới tính và tên gọi mà họ mong muốn...".

Ngày 30-6-2016, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 32/2, theo đó bổ nhiệm một Chuyên gia Độc lập với nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Việt Nam là một trong những nước bỏ phiếu “thuận” cho Nghị quyết này.

Cơ sở thực tiễn xây dựng Luật

Tháng 11-2015, Việt Nam là quốc gia thứ 62 hợp pháp hóa CĐGT và đến tháng 10-2017, đã có 71 quốc gia hợp pháp hóa vấn đề CĐGT. Với con số này có thể thấy, CĐGT không còn là vấn đề diễn ra ở một quốc gia hoặc một khu vực mà nó có tính phổ biến trên toàn thế giới hiện nay. Có thể con người ta không cùng sinh ra và lớn lên ở một môi trường, nhưng những nhu cầu khách quan và đòi hỏi bên trong cơ thể của con người thì ở đâu cũng như vậy. Có thể sự gia tăng số lượng những người có mong muốn CĐGT ở các quốc gia phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung là mong muốn được sống đúng với nhận diện giới của mình và được thay đổi cơ thể phù hợp với nhận diện đó.

Trong tương lai, chắc chắn con số các quốc gia hợp pháp hóa CĐGT sẽ có tăng lên nhanh chóng, bởi vì CĐGT để được sống đúng với giới tính mong muốn là nhu cầu khách quan và hoàn toàn tự nhiên của con người. Việc lựa chọn giới tính phù hợp với mong muốn là một quyền năng tất yếu. Mỗi người luôn cần làm chủ bản thân mình bằng cách tự quyết định những yếu tố không thể tách rời khỏi con người mình và giới tính là một trong những yếu tố như vậy.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, qua một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ NCG chiếm khoảng 0,3 - 0,5% dân số. Tại Việt Nam có khoảng 300.000 người mong muốn chuyển giới nhưng hầu hết thường phải ra nước ngoài phẫu thuật. Đồng thời, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy, 78% NCG muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 NCG thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật CĐGT. Số còn lại không muốn vì các lý do như pháp luật chưa cho phép (51,9%), điều kiện kinh tế chưa đủ (79,6%); sợ bị ảnh hưởng sức khỏe (38,5%); sợ bị kỳ thị (17,0%); gia đình không cho phép (42,7%). Như vậy, rõ ràng mong muốn được phẫu thuật CĐGT là mong muốn của đa số những người trong cộng đồng NCG. Dựa trên số liệu thống kê về lý do mà những người không muốn phẫu thuật chuyển giới đưa ra, theo quan điểm của chúng tôi những lý do đó không xuất phát từ bản dạng giới của họ, mà thực chất đây là những rào cản khách quan đối với việc thực hiện mong muốn của họ. Tức là về thực chất, họ cũng có nhu cầu CĐGT, nhưng nhu cầu của họ bị ngăn cản bởi các yếu tố khách quan.

Ngoài ra, việc xây dựng Luật CĐGT tại Việt Nam cũng xuất phát từ yêu cầu ngăn chặn các rủi ro và thách thức đối với NCG. Theo các nghiên cứu độc lập, báo cáo của Bộ Y tế và các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau thì NCG là người dễ bị tổn thương và gánh chịu các rủi ro rất lớn về y tế, giáo dục, việc làm, hôn nhân gia đình. Theo các nguồn tài liệu này thì NCG dễ bị tổn thương vì không được thừa nhận trước pháp luật. Đối với NCG quyết định sống thật với bản thân, thể hiện mình khác với giới tính sinh học, thì gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với gia đình, trong việc tìm người yêu, kiếm việc làm và rủi ro về sức khỏe….

Trong xã hội, NCG thường hay bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Nhóm chuyển giới từ nam sang nữ (MTF) thường bị gọi là pê-đê, ái nam ái nữ, bóng, đồng cô, xăng pha nhớt, lại cái, trong khi nhóm từ nữ sang nam (FTM) thường bị gọi là ô-môi. Những từ này hàm chứa ý nghĩa miệt thị, khiến NCG luôn cảm thấy bị xúc phạm và xấu hổ.

Sự kỳ thị không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua hành vi, ánh nhìn soi mói. Trong hai nhóm chuyển giới, cũng có thể thấy nhóm MTF do bề ngoài và cách ứng xử “lộ” (như trang điểm, mặc đồ nữ, đánh móng tay, điệu đà), thường bị coi là “bệnh hoạn”, “biến thái”, “quái thai”… Có thể thấy sự kỳ thị đối với NCG ở nhiều cấp độ, ngay trong gia đình, hàng xóm, trường học và ngoài xã hội, cũng như trong cộng đồng LGBTQ+. Việc kỳ thị này gây ra rất nhiều hậu quả cho NCG như trầm cảm, bỏ học và thậm chí bỏ nhà đi bụi. Kỳ thị trong nhà trường là rào cản tước đi cơ hội có kiến thức, có việc làm và có cơ hội phát triển của NCG. Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhiều cấp độ đẩy những NCG vào trầm cảm, bế tắc.

Trong nghiên cứu về Trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới (iSEE 2012), trong số 23 em tham gia thì có 21 em thể hiện các mức độ trầm cảm, cô đơn, tự kỳ thị và 13 em từng rạch tay hoặc làm đau bản thân. Một số trường hợp cho biết, từng bị khủng hoảng tâm lý, dẫn đến ý định quyên sinh, sử dụng chất gây nghiện và tự rạch thân thể. Có người chọn cách vào chùa đi tu, nhiều người đã có hành vi tự tử…

Trong tình yêu và hôn nhân thì NCG cũng gặp rất nhiều bi kịch và tổn thương. Tình yêu của họ thường gặp khó khăn (ví dụ không dám thổ lộ, bị từ chối, bị lợi dụng tiền bạc hoặc người yêu bị áp lực từ gia đình), dẫn đến cái nhìn bi quan của họ về nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù thường bị tổn thương và bi quan về tình cảm tương lai, có những cặp đôi vẫn mong muốn được chung sống hợp pháp, dù là với người dị tính hay đồng tính. Một số cặp hiện chung sống không đăng ký và nhận con nuôi (là con cháu trong nhà) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Khao khát yêu và được yêu luôn được NCG đề cập là trở ngại lớn, nhưng cũng là mong muốn mãnh liệt của họ.

Trong vấn đề việc làm, một trong những thách thức lớn nhất đối với NCG, đặc biệt là đối với nhóm từ nam sang nữ. Sự kỳ thị một mặt khiến ít người có thể học lên cao để có bằng cấp đủ để xin những công việc nhà nước hay cơ quan. Mặt khác, những định kiến về NCG như những người “biến thái”, “bệnh hoạn”, “trộm cắp”… đã khiến rất ít nhà tuyển dụng chấp nhận họ. Tuy nhiên, ngay khi tìm được những công việc bình thường nhất họ vẫn bị kỳ thị hoặc đuổi việc. Chính vì vậy, công việc chủ yếu MTF có thể làm thường là các công việc độc lập như dịch vụ làm đẹp (trang điểm, làm tóc…), hay biểu diễn. Nhiều nhóm MTF đã phải đi hát đám ma để kiếm sống. Ngoài ra, một trong những “nghề” được MTF ở TP. Hồ Chí Minh hay nhắc đến là mại dâm. Nhiều NCG cho biết, do bị kỳ thị họ không có công việc gì để trang trải cuộc sống và tình thế bắt buộc đã đẩy họ ra “đứng đường”. Số tiền kiếm được từ việc mại dâm cũng chỉ đủ cho họ có tiền ăn và mua sắm quần áo.

Một MTF đang sống lang thang ngoài công viên cho biết, gia đình không chấp nhận em, không thể xin được việc làm, chẳng biết đi đâu, không còn tiền để thuê nhà trọ, em chỉ còn biết sáng lang thang trong công viên, tối ra công viên tìm khách. Việc làm gái mại dâm cũng đẩy những người MTF trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục. Theo thống kê có tới 16.3% NCG từng bị xâm hại tình dục.

Trong y tế, NCG gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo một nghiên cứu của iSEE cho thấy, chỉ có 15,6% NCG tìm đến sự hỗ trợ tâm lý, y tế dành cho NCG. Lý do mà nhiều người chưa bao giờ tìm đến sự hỗ trợ y tế dành cho NCG là không biết ở đâu (57,7%), hoặc biết là không có dịch vụ dành cho NCG (48%), do tốn quá nhiều tiền (25,3%), sợ định kiến của nhân viên phục vụ (17,8%) hoặc không tin tưởng vào dịch vụ (13,5%). Ngoài ra còn một số lý do khác là: chưa được gia đình cho phép, không có nhu cầu, thấy không cần thiết, còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi…

Thực tế cho thấy, NCG chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy còn quá ít thông tin cho họ. Sự thiếu thông tin khiến NCG lúng túng trong việc xác định bản dạng giới của mình, sử dụng “liều”, không có hướng dẫn hooc-môn trôi nổi trên thị trường bán lậu. Mặc dù hiện nay đã có nhiều cơ sở trung tâm y tế cho đồng tính nam về HIV và sức khỏe tình dục, nhưng với NCG, hiện nay vẫn chưa có cơ sở y tế nào quan tâm trực tiếp tới đối tượng này.

Bên cạnh đó, thì NCG còn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhóm từ nữ sang nam ít có vấn đề về sức khỏe tình dục hơn, vì họ không có nhiều quan hệ tình dục với các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, với nhóm chuyển giới từ nam sang nữ, những rủi ro của các bệnh lây truyền tình dục là rất cao. Trong khi đó, họ lại không dám đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh nên rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, NCG còn phải đối mặt với các nguy cơ về pháp lý. Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận việc CĐGT ở Điều 37 nhưng do chưa có luật và các văn bản hướng dẫn thực thi nên các quyền của NCG vẫn chưa được cụ thể hoá. Chính vì vậy mà NCG gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các vấn đề pháp lý phát sinh như chưa được thực hiện việc CĐGT, thay đổi họ tên, lý lịch, hộ khẩu… Đây chính là những thực tế nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền cơ bản của cộng đồng LGBTQ+, cần có sự điều chỉnh của văn bản luật.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất