Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm quyền con người

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nước ta là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong nền KTTT định hướng XHCN, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ để huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh nhằm chủ yếu giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với thể chế thị trường.

Ảnh minh họa.

Sự biến động của nền kinh tế, nhất là trong đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm quyền và lợi ích của con người. (Ảnh minh họa).

Thực tiễn phát triển KTTT định hướng XHCN

Kết quả phát triển của thể chế KTTT cơ bản được thể hiện ở môi trường kinh doanh. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam từ vị trí 88/183 năm 2010 tăng lên vị trí 69/190 nước. Trong điều kiện nền KTTT định hướng XHCN, công tác bảo đảm quyền con người (QCN) cơ bản diễn biến theo hướng tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng như: Thay đổi tư duy pháp lý về bảo đảm QCN; Cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội để thúc đẩy bảo đảm và giải quyết những thách thức mới về QCN, nhất là cho những người yếu thế như: người nghèo, người có công, người cao tuổi…; Bảo đảm QCN tiệm cận ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn luật pháp, chuẩn mực và tập quán quốc tế. Qua đó, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn thành tựu QCN Việt Nam; các quốc gia phương Tây cũng điều chỉnh thái độ, chính sách và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực QCN thay vì chỉ trích, đối đầu.

Tuy nhiên, sự phát triển của KTTT định hướng XHCN vẫn có những tác động đan xen cả tiêu cực và tích cực, như: gia tăng khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch về điều kiện bảo đảm QCN giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, tiềm ẩn những bất bình đẳng trong quá trình bảo đảm QCN; sự bộc lộ một cách đa dạng, có khi gay gắt, nhiều vấn đề cũ đồng thời xuất hiện những vấn đề mới liên quan đến bảo đảm QCN (quyền sở hữu đất và bất động sản, quyền có việc làm và nghề nghiệp, quyền của người tiêu dùng, quyền về môi trường, quyền của người đồng tính, song tính,...). Sự tác động của sự biến động kinh tế, nhất là trong đại dịch COVID-19, đến tình hình kinh tế, xã hội; sự tác động đa chiều của truyền thông và dư luận xã hội, đặc biệt mạng xã hội; vấn đề QCN không chỉ giới hạn ở quyền công dân như trước đây mà đã mở rộng gắn với môi trường mạng, quyền an toàn thân thể và nhân phẩm trẻ em gái, quyền kinh doanh, học tập, tôn giáo…

Đến nay, có hơn 70 nước công nhận Việt Nam có nền KTTT, nhưng còn một số đối tác thương mại lớn chưa công nhận. Ngoài lý do chính trị còn có lý do từ sự hạn chế, bất cập của bản thân nền KTTT Việt Nam. Đó là:

Thứ nhất, thể chế KTTT vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền KTTT hiện đại và hội nhập.

Thứ hai, vấn đề về sở hữu, quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền sử dụng, quản lý, quyền tự do kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao. Chẳng hạn, vấn đề sở hữu và quyền sở hữu tài sản đất nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ... chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, chưa minh bạch. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.

Thứ ba, thị trường chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Thị trường đất nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, khó thay đổi, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển ở quy mô lớn. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững, một số phân đoạn thị trường còn phát triển méo mó, các nguyên tắc thị trường chưa được vận dụng hiệu quả, thị trường bất động sản tại một số đô thị lớn, như thị trường nhà ở, nhà chung cư tăng trưởng nóng, thiếu kiểm soát; nạn “cò đất” gây nhiễu loạn tại không ít dự án. Thị trường khoa học - công nghệ quy mô còn nhỏ, kết nối cung - cầu còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp ít có nhu cầu mua bán, chuyển giao công nghệ ở trong nước. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các yếu tố sản xuất chưa phản ánh đúng quan hệ cung - cầu thị trường, dẫn đến việc phân bổ nguồn lực nhà nước chưa thực sự theo thị trường, sử dụng kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí. 

Thứ tư, còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp. Thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh còn khá yếu, nên dễ tăng rủi ro cho doanh nghiệp; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; lãng phí, nhất là tham nhũng qua “lót tay”, “chung chia”, “bồi dưỡng”… vẫn còn nghiêm trọng.

Giải pháp thúc đẩy bảo đảm quyền con người trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường

Đ tiếp tc phát huy nhng kết qu, thành tu đã đt đưc, khc phc nhng hn chế tn ti, to s chuyn biến, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về phát triển KTTT, định hướng XHCN vì QCN, cần chú ý các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ thể chế theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường.

Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời chú trọng xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, khởi nghiệp sáng tạo (kinh doanh trực tuyến, đổi mới công nghệ, kinh tế số…); cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. Trên cơ sở đó, phát triển đa dạng các loại hình thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất, hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất, bất động sản và thị trường khoa học công nghệ, thị trường số để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo.

Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên...) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp, quyền sử dụng, quản lý tư liệu sản xuất, quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Hai là, bảo đảm tính khả thi của các QCN phù hợp với pháp luật quốc tế và Việt Nam trên cơ sở phát triển KTTT định hướng XHCN vì QCN.

Quyền bình đẳng: Bảo đảm thực hiện đúng Tuyên ngôn thế giới về QCN năm 1948 (UDHR). Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị (Điều 7); bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (Điều 3).

Quyền sở hữu tài sản: Bảo đảm thực hiện Điều 17 UDHR: Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hoặc tài sản sở hữu chung với người khác. Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tuỳ tiện.

Quyền được trả lương: Bảo đảm thực hiện khoản 2 Điều 23 UDHR “người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác”; Điểm i, Khoản 1, Điều 7 Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) “tiền lương thoả đáng và tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào... được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau”.

Quyền tự do giao ký kết hợp đồng: (i) Mở rộng chủ thể giao kết hợp đồng; bổ sung, sửa đổi điều kiện rút hoặc hủy đề nghị giao kết hợp đồng; bổ sung hành lang pháp lý cho giai đoạn đàm phán hợp đồng; về giới hạn tự do hợp đồng. (ii) Đối với quyền tự do thay đổi nội dung hợp đồng: Bổ sung, sửa đổi Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015. (iii) Đối với quyền tự do lựa chọn luật cho hợp đồng: Các bên giao kết lưu ý lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng…

Quyền tự do giải quyết tranh chấp kinh doanh: cần bổ sung quy định về mối quan hệ giữa giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, trọng tài hoặc tòa án; lựa chọn luật đối với “thỏa thuận trọng tài” và “thủ tục trọng tài”; hòa giải theo thủ tục trọng tài; tự do thỏa thuận lựa chọn tòa án đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài; về công nhận thỏa thuận của các bên khi giải quyết tranh chấp tại tòa án; về chủ thể có thẩm quyền hòa giải tại tòa; về vấn đề tự do lựa chọn luật giải quyết tranh chấp đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe: Bảo đảm thực hiện khoản 1 Điều 25 UDHR về ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả y tế và những dịch vụ cần thiết; Điều 12 ICESCR về quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể.

Ba là, thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước đối với bảo đảm QCN.

Lồng ghép QCN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy bảo đảm QCN. Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước là phải bảo đảm và phát huy QCN, nhất là quyền làm chủ của Nhân dân theo các điều 2, 3, 6, 7 và 8 Hiến pháp 2013 phù hợp với pháp luật quốc tế về QCN.

Bốn là, bảo đảm QCN về kinh tế, văn hóa, xã hội theo quy định của pháp luật, đặc biệt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2017.

Thực hiện nguyên tắc “tương xứng, công bằng” với thiệt hại bị xâm phạm của người bị thiệt hại và phù hợp với các điều ước quốc tế theo Khoản 1, Điều 24 Luật TNBTCNN 2017 để bảo đảm nguyên tắc “trả lương tương xứng và công bằng” phù hợp với khoản 2, Điều 23 UDHR. Thực hiện trách nhiệm của Nhà nước về bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, bảo đảm chăm sóc sức khỏe của con người theo các điều 20, 38 và 58 Hiến pháp 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật, như Điều 26 Luật TNBTCNN 2017. Thực hiện trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại, ghi nhận tại Điều 15 Luật TNBTCNN 2017 “cơ quan giải quyết bồi thường chịu trách nhiệm thi hành công tác bồi thường Nhà nước”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất