Đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhìn nhận từ vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai
Vấn đề về Luật Đất đai là một trong những nội dung quan trọng được bàn luật tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

Chính sách đất đai là một trong những nội dung quan trọng được bàn luận tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII. 

Nhất quán quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai

Hai quan điểm nổi bật được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII là: (1) Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; (2) Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Đây cũng là hai vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước cũng có rất nhiều bàn luận. Nhiều luận điệu xuyên tạc trên các báo điện tử tiếng Việt nước ngoài thậm chí thể hiện thái độ "thất vọng", đánh giá Hội nghị Trung ương 5 không đạt được tiến bộ nào vì vẫn coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Và rằng, nếu vẫn “bảo thủ” như vậy thì Đảng ta sẽ còn mất nhiều cán bộ do tham nhũng về đất đai. Họ còn cho rằng, nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ là chiêu trò “lừa mị” người dân để một số ít cán bộ có chức, có quyền “độc chiếm” đất đai...

Sự thực có đúng như vậy? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

Đảng ta luôn khẳng định và có nhiều luận chứng thể hiện tính đúng đắn, tất yếu của sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới”, các tác giả đã nêu lên một số lý do cơ bản để khẳng định tính đúng đắn của sở hữu toàn dân về đất đai:

Một là, từ ngày ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn đứng vững trên lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vì vậy, nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài qua mấy nghìn năm của cả dân tộc, không thể để cho một số cá nhân có quyền độc chiếm sở hữu.

Hai là, sở hữu toàn dân về đất đai tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Tất cả các chính sách, pháp luật được xây dựng đều phải theo đường lối phục vụ lợi ích chủ sở hữu, tức là toàn thể nhân dân Việt Nam.

Ba là, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động được tiếp cận đất đai tự do; là thành quả vĩ đại mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại cho mọi người dân Việt Nam.

Bốn là, về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của những hạn chế, yếu kém, bất cập hiện nay về đất đai. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết bắt nguồn không phải từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; từ hệ lụy yếu kém trong quản lý đất đai cả ở tầm vĩ mô và vi mô.

Năm là, cần khẳng định sở hữu toàn dân không phải là sở hữu Nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế đó là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp.

Sáu là, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại nhiều lợi ích phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt Nam. Không những không cản trở quá trình sử dụng đất hiệu quả ở phương diện vi mô của người sử dụng đất cũng như ở phương diện lưu chuyển quyền sử dụng đất trên thị trường bất động sản. Chế độ sở hữu toàn dân còn đem lại nhiều lợi ích phù hợp với đặc thù của nước ta.

Bảy là, đất đai là tài sản chung của dân tộc nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam. Nếu không quy định những điều kiện chặt chẽ về sở hữu đất, nhất là đất sản xuất của người nước ngoài, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.

Trong suốt tiến trình Đổi mới, quan điểm về sở hữu đất đai của Đảng luôn nhất quán và đó là một trong những nguyên tắc sống còn để công cuộc đổi mới thu được thành tựu và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như bảo đảm quyền lợi cho mọi người dân. Hội nghị Trung ương 2, khóa VII (tháng 3-1992) và Hiến pháp 1992 đã chỉ rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho nông dân quyền sử dụng lâu dài; việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế quyền sử dụng đất đai phải được pháp luật quy định cụ thể. Luật Đất đai 1993 tập trung điều chỉnh quan hệ đất đai nhằm kiến tạo nền sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, trong đó Nhà nước trao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất ở có 5 quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp. Luật Đất đai 2013 là một bước tiến quan trọng trong quá trình tiếp tục đổi mới về chính sách đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới của chính sách, pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI và Hiến pháp 2013; nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân.

Bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Mặc dù các thế lực cực đoan, thiếu thiện chí ra sức phản bác quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng chính họ cũng không phủ nhận được rằng, từ quan điểm của Đảng ta, chính sách, pháp luật đất đai đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua. Những tác động tích cực đó có thể khái quát như sau:

Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài và các quy định hoàn chỉnh về quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp hiện đã góp phần tích cực trong việc không ngừng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất.

Việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nông thôn mới. Quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được bố trí một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ quỹ đất trồng lúa, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới.

Việc giao đất, cho thuê đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản đã tạo động lực cho người sản xuất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhờ đó ngành thuỷ sản từng bước phát triển và trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp. Việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hơn nữa, cơ chế, chính sách đất đai đã khuyến khích việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa và quá trình này đã từng bước diễn ra gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện cho người dân thế chấp, vay vốn mở rộng sản xuất, góp phần tạo nên nền nông nghiệp hàng hóa lớn.

Đối với quá trình phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hoá. Diện tích đất dành cho phát triển đô thị tăng nhanh, hệ thống mạng lưới đô thị đã hình thành và phân bổ tương đối hợp lý trên cả nước.

Thúc đẩy thu hút FDI. Chính sách đất đai nói chung, đặc biệt Luật Đất đai 2013 đã quy định áp dụng cơ chế một giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường; xóa bỏ cơ chế “xin - cho” về đất tạo điều kiện cho thị trường chuyển quyền sử dụng đất hoạt động, thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở đô thị cũng như nông thôn; bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và người bị thu hồi đất, tạo cơ chế bình đẳng thực sự giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong thực hiện các dự án phát triển bất động sản nhà ở.

Giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Chính sách, pháp luật về đất đai đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống người dân thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch quỹ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã đáp ứng cơ bản quỹ đất để xây dựng các công trình y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao; xây dựng các khu xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là tại các đô thị, khu vực phát triển nông nghiệp; có kế hoạch và giải pháp khuyến khích Nhân dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu. Mặt khác, việc tiếp tục thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài đã khuyến khích người dân yên tâm đầu tư cải tạo, bồi bổ đất, giảm nguy cơ suy thoái và ô nhiễm đất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Hội nghị Trung ương 5 đã tập trung xác định nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất đai thời gian qua. Việc thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân căn bản thuộc về về quan điểm, chủ trương, chính sách; bất cập của Luật Đất đai năm 2013 hay nguyên nhân từ tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước - do nhận thức chưa đầy đủ hay ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm… chắc chắn sẽ có lời giải cho việc hiện thực hóa nhất quán quan điểm của Đảng: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của Nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất