Ấm lòng người nghèo nơi rẻo cao

Xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát

Điện Biên Đông là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, mảnh đất này nằm ở nơi địa đầu Tây Bắc xa xôi, thuộc diện nghèo nhất của cả nước, mấy tháng nay đã quen thuộc với hình ảnh, tiếng nói của CBCS các lực lượng Công an, quân sự, biên phòng và cán bộ các ban, ngành đoàn thể huyện. Những thanh âm rộn rã quen thuộc đang báo hiệu một ngày mới với những ngôi nhà nhân ái, cùng chung sức, chung lòng, với mong muốn Điện Biên Đông ngày một khởi sắc.

Sống trong ngôi nhà tranh, vách nứa dột nát suốt quá nửa đời người xoay sở vá chỗ nọ lại thủng chỗ kia, gia đình ông Ly Dua Pó (SN 1966) với 3 thế hệ, 9 nhân khẩu ở bản Tìa Ló, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông cứ chìm trong nghèo đói, khổ sở. Thế rồi, việc nằm trong danh sách được xây lại nhà của Bộ Công an có lẽ là niềm vui lớn nhất đối với gia đình ông cho đến nay: “Bản thân tôi đã từng có thời lầm lỗi phải đi cải tạo 2 năm vì dính vào ma túy, con trai út của tôi thì bị liệt chẳng làm được gì. Đợt này ngoài bản thân tôi thì con trai đầu tôi cũng được hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà mới… Gia đình tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm cùng chính quyền các ban, ngành ở huyện đã cho gia đình tôi một cuộc sống mới”. Đó là những lời bộc bạch của ông Ly Dua Pó khi đứng trước ngôi nhà mới được khánh thành. Trong căn nhà mới vừa được nhận, anh Hờ A Nếnh ở bản Tìa Ghềnh C, xã Keo Lôm đang tất bật lắp đặt đường điện và sắp xếp nhà cửa. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên gương mặt của anh. Với căn nhà mới kiên cố, vững chãi này, gia đình anh không còn phải thấp thỏm lo âu mỗi khi trời mưa rét như những năm trước. Và đây cũng là điều kiện tốt để gia đình anh yên tâm và tích cực lao động sản xuất xóa đói giảm nghèo. Anh Hờ A Nếnh, Bản Tìa Ghềnh C, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông xúc động chia sẻ: “Trước chưa có nhà này thì cả gia đình tôi ở trong cái nhà dột, mùa đông thì lạnh, mưa hắt hết vào nhà. Gia đình tôi được Bộ Công an tặng cho nhà mới, bản thân rất phấn khởi, cảm ơn Đảng và Nhà nước, Bộ Công an đã giúp đỡ cho tôi có được căn nhà mới như trong mơ vậy”.

Huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là một huyện vùng cao miền núi được tách ra từ 10 xã vùng cao của huyện Điện Biên theo Nghị định 59/NĐ-CP ngày 7-10-1995 của Chính phủ, chính thức đi vào hoạt động từ 20-1-1996. Là một trong 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt mạnh, dân cư đa phần là hộ nghèo và sống rải rác. Mạng lưới đường giao thông còn thiếu và lạc hậu, huyện có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, xa các trung tâm có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; trình độ dân trí còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, nền kinh tế còn chưa phát triển. Huyện Điện Biên Đông có diện tích tự nhiên hơn 120 nghìn ha, huyện có 14 xã và 1 thị trấn, hơn 50 nghìn nhân khẩu với 6 dân tộc cùng sinh sống. Với 6.082 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 45,22% hộ nghèo toàn huyện.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ban Chỉ đạo tỉnh Điện Biên đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho 1.100 hộ nghèo tại huyện Điện Biên Đông với tổng kinh phí đầu tư là 55 tỷ đồng. Với tiến độ cam kết hoàn thành trước ngày 15-1-2022. Đến nay, các lực lượng chức năng đang cùng với nhân dân huyện Điện Biên Đông khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vượt thời gian để hoàn thiện từng ngôi nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trên cơ sở số liệu rà soát của huyện Điện Biên Đông, UBND tỉnh đã quyết định phân giao cho các đơn vị thực hiện theo đúng số liệu đã cung cấp và triển khai thực hiện, bảo đảm đúng lộ trình theo kế hoạch, bảo đảm hoàn thành mốc cuối cùng trước ngày 15-1-2022 để bàn giao cho các gia đình đón tết Nguyên Đán đầm ấm và ý nghĩa”.

Để hoàn thành đúng tiến độ, việc hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo trước tết Nguyên đán, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay. Đại tá Ngô Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Đây là Chương trình do Bộ Công an phát động, từ nhiều tháng qua, đã và đang được lực lượng Công an tỉnh Điện Biên phối hợp cùng các nhà tài trợ, chính quyền, Nhân dân huyện Điện Biên Đông, lực lượng Quân sự tỉnh, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, với quyết tâm vượt mọi khó khăn, vượt tiến độ kịp hoàn thành chương trình đề ra”. Theo đó, Công an tỉnh là cơ quan thường trực, phối hợp với UBND huyện Điện Biên Đông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo tiến độ; kịp thời tham mưu với Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ. Trong 1.027 nhà ở được đầu tư, hỗ trợ xây dựng thì có 375 nhà ở theo mẫu của Bộ Công an, 652 nhà ở được các chủ hộ thuộc diện được hỗ trợ, thi công nhà theo mẫu nhà truyền thống.

Bà Vàng Thị Dùa, Phó Chủ tịch UBND xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cho biết: “Đối với những ngôi nhà mà người dân tự làm theo nhà truyền thống trên địa bàn xã Keo Lôm, xã đã phân công cho 1 cán bộ công chức xã phụ trách 2 bản để trực tiếp giám sát và đôn đốc các hộ gia đình thực hiện theo đúng tiến độ. Chính quyền xã mong muốn được đem lại lợi ích để người dân có những ngôi nhà mới, xóa bỏ những nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn”.

Động lực để bà con xây dựng cuộc sống mới

Thiếu tá Vũ Văn Tuấn, Đại đội trưởng Phòng CSCĐ Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ về hành trình vượt khó để giúp đỡ nhân dân có một mái ấm để kịp đón Tết Nguyên đán: “Với tinh thần quyết tâm, chúng tôi tập trung làm ngày, làm đêm, vượt nắng, thắng mưa, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt những mái nhà nhân ái cho nhân dân theo đúng tiến độ”.

Dù còn nhiều khó khăn song các chiến sĩ đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành kế hoạch, để bà con có nhà mới trước Tết Nguyên đán. Từ đây, mong ước về một cuộc sống ổn định, yên tâm lao động sản xuất đã trở thành sự thật với mỗi bà con nhân dân.

Nơi những rẻo núi cao, hay sườn dốc, những ngôi nhà lợp bằng tôn đã xuất hiện nhiều hơn. Mặc dù nơi đây vẫn còn nhiều lắm những khó khăn, rất cần sự chung tay góp sức để thay đổi diện mạo của mảnh đất này. Những người chiến sỹ khoác trên mình sắc phục CAND đang hóa thân thành những lao công thực thụ, những “thợ hồ” hay những người thợ xây, thợ cơ khí chuyên nghiệp… để dốc lòng, tâm huyết cùng xây dựng nên những ngôi nhà nhân ái, lan tỏa hạnh phúc với nhân dân, để cùng khoác cho Điện Biên Đông một màu áo mới, màu của tình người, của quân và dân ở nơi địa đầu Tây Bắc này. Với sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương, sự nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch đã thường xuyên kiểm tra thực tế các hạng mục như tôn mái, tôn tường, thép khung, nền nhà, cửa sổ, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra; “Bằng nhiều nguồn kêu gọi của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an từ nguồn hỗ trợ xã hội hóa thì huyện Điện Biên Đông vô cùng phấn khởi được hỗ trợ, triển khai xây dựng, sửa chữa mới hàng ngàn ngôi nhà. Đây là một chủ trương mang ý nghĩa nhân văn rất lớn góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn của huyện, đồng thời là niềm vui lớn của tất cả nhân dân các dân tộc của huyện Điện Biên Đông và đặc biệt là bà con các dân tộc nghèo ở Điện Biên Đông” - Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông chia sẻ.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên Đông vào ngày 14-11-2021, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã nhấn mạnh: Mặc dù trong những năm qua, đời sống nhân dân từng bước được ổn định nhưng chúng ta vẫn chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn gần 5% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, trong đó, tỉnh Điện Biên hiện nay vẫn còn trên 39.000 hộ nghèo, trong đó trên 25.000 hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi và gia đình chính sách đang phải ở trong những căn nhà tạm, dột nát, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn quan tâm hướng tới việc chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Để tiếp tục hỗ trợ nhân dân trên địa bàn, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vận động các ngân hàng thương mại, các nhà hảo tâm ủng hộ 55 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng, sửa chữa trên 1.000 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ gặp nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Hơn 1.000 căn nhà, hơn 1.000 mái ấm sẽ được lực lượng Công an phối hợp cùng các đơn vị triển khai thực hiện sớm cho nhân dân tỉnh Điện Biên trong thời gian tới sẽ là động lực để bà con nhân dân tại địa bàn cực kỳ khó khăn nơi đây xây dựng cuộc sống mới.

Những ngôi nhà nhân ái được dựng lên ở một trong những địa bàn khó khăn bậc nhất của cả nước, đó cũng chính là niềm vinh dự, là trách nhiệm của mỗi CBCS Công an tỉnh Điện Biên. Nhưng hơn hết, việc làm này đã và đang góp phần giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, để nhân dân yên tâm bám đất, bám bản, lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, củng cố niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chủ trương hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo tại huyện Điện Biên Đông của Bộ Công an đã và đang tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cùng cả nước chung tay vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Hơn 1.000 căn nhà, hơn 1.000 mái ấm sẽ được lực lượng Công an phối hợp cùng các đơn vị triển khai thực hiện sớm cho nhân dân tỉnh Điện Biên trong thời gian tới sẽ là động lực để bà con nhân dân tại địa bàn cực kỳ khó khăn nơi đây xây dựng cuộc sống mới.” (Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất