Phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ (bìa phải) khảo sát phát triển du lịch sinh thái nông thôn cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm và phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cuộc vận động gắn kết hài hòa, đồng bộ với các cuộc vận động khác và các phong trào thi đua, nhất là Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ đó, đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức người dân được nâng lên, việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới được người dân quan tâm thực hiện. Diện mạo khu vực nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tỉnh Bến Tre tập trung thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan tâm hàng đầu trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh theo thẩm quyền để góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là ban hành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cấp xã, ấp. Tuân thủ nghiêm túc các quy định của Trung ương về cơ chế đầu tư, bám sát yêu cầu của bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cấp xã, huyện để triển khai thực hiện; việc xem xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được thực hiện chặt chẽ, thực chất, đúng quy định; quan tâm thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tổ chức phát động thi đua, ký kết, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực, chủ động và thiết thực. Từ đó, các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thuộc về trách nhiệm của hộ gia đình được người dân chủ động thực hiện; đồng thời, người dân tích cực đóng góp tiền của, công sức, đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động được khoảng gần 8.000 tỷ đồng để thực hiện Cuộc vận động, trong đó, có gần 7.300 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới (trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp gần 5.000 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp trên 500 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân đóng góp gần 1.500 tỷ đồng (chiếm 20,14%); vốn huy động từ nguồn vốn khác gần 300 tỷ đồng). Ngoài ra, nhân dân trong tỉnh đã hiến trên 52.000m2 đất và trên 200.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; tham gia đóng góp xây dựng trên 800 cầu giao thông nông thôn, thực hiện kiên cố hóa hàng trăm km đường giao thông nông thôn,...

Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng được người dân đồng tình hưởng ứng. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 35 xã đạt 15-18 tiêu chí, 45 xã đạt 10-14 tiêu chí, trung bình đạt tiêu chí trên xã là 16,07 tiêu chí; có 14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện Nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Một số nơi đang phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiễu mẫu. Kết quả này tuy mới là bước đầu và còn khiêm tốn so với một số địa phương khác trong cả nước, nhưng đã thể hiện sự đoàn kết, phấn đấu và quyết tâm lớn của hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Bến Tre.


Công viên Bến Tre góp phần tạo vẻ mỹ quan cho đô thị trên địa bàn thành phố Bến Tre.

Một trong những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là cần phát huy vai trò chủ thể và trung tâm của người dân, phát huy nội lực cộng đồng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Bến Tre là tỉnh được chọn làm điểm của chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre được triển khai thực hiện từ năm 2018, đây được xem là một trong những giải pháp rất phù hợp và thiết thực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần đạt được mục tiêu của Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm từ khu vực nông thôn có bước chuyển dịch cả về chất lượng và số lượng, tạo động lực mới cho kinh tế nông thôn phát triển. Hiện nay, Bến Tre có 110 sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, có thứ hạng tốt so với các địa phương thuộc Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh số lượng sản phẩm mới tiêu biểu xếp hạng sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn chậm, người dân một số nơi chưa thật sự đóng vai trò là chủ thể; chưa phát huy nội lực; một số vấn đề còn hạn chế trong nông thôn như tệ nạn xã hội, ô nhiễm, tranh chấp, khiếu kiện diễn biến phức tạp. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh nhận thấy công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện nhưng có nơi hiệu quả chưa cao, công tác xây dựng nông thôn mới của các xã chưa đồng đều, tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng thuộc tiêu chí Giao thông, Trường học và Cơ sở vật chất văn hóa còn chậm do nguồn kinh phí hạn hẹp; các hình thức kinh tế tập thể tại các địa phương tuy được quan tâm triển khai thực hiện, nhưng quy mô còn khiêm tốn và sự hợp tác, liên kết chưa chặt chẽ, dẫn đến giảm sức thu hút người dân tự nguyện tham gia; đời sống của người dân được nâng lên, hộ nghèo có giảm nhưng hộ thoát nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ nghèo mới và tái nghèo vẫn còn cao. 

Việc huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đặc điểm dân cư phân bố không tập trung, địa hình thấp, bị chia cắt bởi các hệ thống sông, rạch chằng chịt đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, việc huy động vốn của doanh nhiệp còn nhiều khó khăn. Hầu hết sinh kế của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và giá cả thị trường biến động mạnh,... đã ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân, do đó việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn còn khó khăn. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhận thức của một bộ phận nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn chưa cao, còn có tâm lý trông chờ vào Nhà nước. 

Tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ tinh thần “Đồng Khởi” trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã và đang tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; chú trọng thực hiện 4 tiêu chí: Thu nhập, Giao thông, Môi trường và An toàn thực phẩm, Quốc phòng và An ninh. Thống nhất quan điểm, nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân: “Xây dựng nông thôn mới làm nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm của cấp cơ sở, là mũi nhọn đột phá trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, trong công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp”. Một trong những bài học lớn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua là tạo được sự đồng thuận, đồng lòng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và huy động được sự tham gia, đóng góp tích cực của nhân dân. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh xác định giải pháp quan trọng đầu tiên là tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Nông thôn mới; đa dạng hóa các giải pháp huy động nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt, thực chất phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của tỉnh. 


Công trình nâng cấp mở rộng Đường 19-5 xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre.

Là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Bến Tre luôn có khát vọng xây dựng tỉnh nhà nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được điều đó, ngoài việc phát huy sức mạnh nội lực, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rất cần sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự phối hợp, hợp tác của các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, là nơi sản xuất, cung ứng hàng hóa nông sản lớn, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp cao, tỷ lệ người dân sản xuất nông nghiệp và sinh sống ở khu vực nông thôn cao. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực có điều kiện phát triển tốt về kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, kinh tế du lịch,... Do vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng để khai thác, phát huy tối đa lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đi đôi với việc quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tăng tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng nếp sống mới và đô thị văn minh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cần có giải pháp đưa doanh nghiệp và gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy mạnh mẽ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng cường liên kết vùng; hỗ trợ người dân đổi mới mạnh mẽ mô hình sản xuất và liên kết chuỗi giá trị trong kinh tế nông nghiệp, gắn kết phát triển kinh tế nông nghiệp với kinh tế công nghiệp, kinh tế du lịch, kinh tế thương mại, dịch vụ,..., thúc đẩy nhanh chóng hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn, dựa trên phân công lao động xã hội và chuyên môn hóa sâu, đi đôi với phát triển hợp tác hóa, liên kết chặt chẽ, phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, cải thiện đời sống người nông dân, hướng đến làm giàu, phát triển khu vực nông thôn và đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ với quyết tâm và khát vọng cao: Đến năm 2025 “có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và mỗi huyện có một xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; có 4 huyện đạt nông thôn mới; huyện Chợ Lách và thành phố Bến Tre hoàn thành nâng cao chất lượng huyện Nông thôn mới, tỷ lệ đô thị hóa ít nhất 27%” và đến năm 2030 “tỉnh Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; huyện Chợ Lách đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; thành phố Bến Tre cơ bản đạt chuẩn đô thị loại I”. Vì vậy, cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng Khởi mới, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, tôi tin tưởng rằng tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái; phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xây dựng tỉnh Bến Tre ngày càng văn minh, phồn vinh và giàu đẹp, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất