Phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở


Sự cần thiết

1. Sâu sát là cơ sở để người cán bộ nhận thức đúng, hình thành tư duy khoa học và chỉ đạo hành động phù hợp với thực tiễn.

Thực tiễn là cơ sở của nhận thức. Thực tiễn rất phong phú, đa dạng, phức tạp, vận động và biến đổi không ngừng. Nếu không tiếp cận sâu sát, khoa học, thì nhận thức phiến diện, sai lệch và thường bị căn bệnh chủ quan, duy ý chí chi phối. Khi đề cập đến sâu sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng người lãnh đạo tốt ngoài việc thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, còn là người sâu sát cơ sở. Đó là người cán bộ có phong cách làm việc không bó mình trong văn phòng, bàn giấy, không tự cho mình có địa vị cao hơn, không tạo cho mình vẻ quan cách, khác biệt dân.

Do quan liêu, xa rời thực tiễn nên sự lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương thường bị động, chủ trương, biện pháp thường đi sau và lạc hậu so với thực tế. Trong xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, có tình trạng sao chép của cấp trên, chỉ đạo thường dựa vào kinh nghiệm với những giải pháp chung chung, thay vì vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh cụ thể của ngành hoặc địa phương. Không ít cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Sự có mặt của họ không tạo ra lợi ích, thậm chí còn làm tăng thêm sự bức xúc xã hội.

Thực tiễn là thước đo chân lý nên mọi nhận thức phải được thực tiễn kiểm nghiệm. Thời gian qua, nhân dân ở nhiều nơi khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nhiều năm, thậm chí vài chục năm là do cán bộ lãnh đạo ở những nơi đó không sát dân, kiểm tra cách làm, tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết đúng đắn, hợp lòng dân. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ rơi vào lợi ích nhóm và chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân nên không quan tâm đến vấn đề dân sinh, dẫn đến vi phạm nguyên tắc dân chủ và lợi ích của nhân dân.

2. Cán bộ sâu sát là điều kiện kiểm soát quyền lực, khắc phục tha hoá

Ở một số bộ, ngành, địa phương, sự tha hóa quyền lực trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, tác dụng của cơ chế giám sát quyền lực thuộc nội bộ ngành và ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ làm chủ cũng như quyền lực của nhân dân. Vì thế, quyền lực thực tế thường nằm ở trong tay cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Từ đó tạo điều kiện cho lợi ích nhóm bùng phát ở nhiều nơi. Một khi quyền lực có xu hướng tha hoá và cơ chế kiểm soát quyền lực không hiệu quả thì sự tha hóa quyền lực càng nghiêm trọng và hậu quả vô cùng to lớn. Cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và cân bằng quyền lực. Sự cân bằng quyền lực xuất phát từ mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu cán bộ gần dân, sát nhân dân, phục tùng ý chí, nguyện vọng và hết lòng, hết sức phục vụ quyền lợi, lợi ích của nhân dân với tư cách là người chủ đích thực của xã hội, thì ở đó quyền lực được kiểm soát. Hiện tượng nhân dân ở Đồng Tâm - Hà Nội giữ cán bộ chính quyền làm con tin; tình trạng khiếu kiện kéo dài hơn 20 năm ở Thủ Thiêm – TP. Hồ Chí Minh và rất nhiều địa phương khác là do cán bộ tha hóa, quan liêu, không tôn trọng, không sâu sát nhân dân và không được nhân dân giám sát. Đã là cán bộ, là công bộc thì phải chịu giám sát của nhân dân. Một khi quyền giám sát của nhân dân được phát huy cùng với sự công khai, minh bạch, thì sự lạm quyền và tình hình tham nhũng sẽ giảm.

3. Lãnh đạo sâu sát là điều kiện của thành công

Cán bộ lãnh đạo là người tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là người kiểm tra, giám sát tình hình và kết quả thực hiện. Nếu cán bộ lãnh đạo có phong cách sâu sát thì công việc dù khó khăn, phức tạp đến mấy cũng làm được. Ngược lại, sẽ không đạt kết quả, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Không ít trường hợp, cán bộ cấp trên chỉ xuống làm việc với cán bộ cấp dưới, hạn hữu đến với dân. Trong khi đó, tại các cuộc làm việc, cấp dưới chỉ báo cáo những điều tốt đẹp bỏ lọt những thông tin cần thiết cho sự lãnh đạo của cấp trên. Vì vậy, sự lãnh đạo không đáp ứng được mong đợi của nhân dân và thực tiễn xã hội bức xúc.

Trong các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, cán bộ thực hiện ba cùng với dân, bám dân, bám trụ, bám địch mà đánh... nhờ đó kháng chiến thành công. Trong kiến quốc, bên cạnh những thành quả to lớn, do một bộ phận không nhỏ cán bộ không sát dân, không được nhân dân kiểm tra, giám sát nên xã hội phát sinh quá nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

4. Sự sâu sát của cán bộ là điều kiện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7(khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh việc thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp do Hội nghị Trung ương 7 đề ra thì việc xây dựng phong cách lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, công chức, viên chức của toàn bộ cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở là thực sự cần thiết và có ý nghĩa to lớn nhằm tạo điều kiện khắc phục những sai trái, những lỗ hổng trong công tác cán bộ; là điều kiện để cán bộ rèn luyện, phát huy đạo đức và trí tuệ, là cơ sở cho sự sáng tạo và thành công.

Phong cách lãnh đạo sâu sát của cán bộ có vai trò và ý nghĩa quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, cấp trên với cấp dưới. Đối tượng cần sự lãnh đạo sâu sát là công việc, cấp dưới, quần chúng nhân dân và thực tiễn cuộc sống.

GIẢI PHÁP

1. Thường xuyên học tập và làm theo phong cách lãnh đạo sâu sát, năng động và sáng tạo của Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ lãnh đạo: Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Cán bộ phải đến tận nơi, xem tận chỗ và phải dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm khắc phục, sửa chữa cái sai, phát huy cái đúng, tốt. Sự sâu sát của cán bộ lãnh đạo sẽ nâng cao tính khách quan, minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tốt hơn việc thực thi quyền lực và việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Học tập ở Bác tính sâu sát, cán bộ phải từ bỏ quan liêu, hách dịch. Phải dành thời gian xuống địa phương, cơ sở xem xét tình hình, kiểm tra công việc, thăm nhân dân, công nhân, viên chức, bộ đội để tìm hiểu, lắng nghe dân, tập trung tháo gỡ tồn tại, bức xúc, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng gần dân, sát dân và cán bộ có yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu, mới kính cán bộ.

Để sát dân thì trước hết chủ trương phải đúng, phải trúng, phải toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, dành nhiều thời gian đến với dân, tiếp công dân. Và phải bằng nhiều cách để người cán bộ đi sâu, đi sát quần chúng nhân dân như: Theo dõi sát sao tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân trên các phương tiện thông tin, nghe, đọc báo cáo của cấp dưới, thường xuyên xuống cơ sở, xuống nhân dân... Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho chúng ta học tập và làm theo. Tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi lại: Từ năm 1955 đến 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm và kiểm tra công việc ở các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội và đồng bào ở miền Bắc. Bình quân mỗi năm có hơn 70 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp gỡ quần chúng. Hằng ngày Bác đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, để nắm bắt tình hình và chỉ đạo nghiên cứu và giải quyết.

Ngày nay, cán bộ gần dân là để chăm lo lợi ích, công tâm, khách quan và dũng cảm, kiên trì bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân. Nhân dân mong đợi cán bộ lãnh đạo thâm nhập và giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp phải đi tận nơi, xem tận chỗ; không bưng bít sự thật; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, từ bỏ bệnh quan liêu.

2. Phong cách sâu sát là một tiêu chí, yêu cầu cần thiết để tu dưỡng, rèn luyện, cất nhắc, đề bạt cán bộ.

Trong xây dựng, rèn luyện cán bộ, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong cách lãnh đạo sâu sát. Đây là khâu yếu trong rèn luyện của cán bộ; trong đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng của các học viện, trường đào tạo cán bộ. Khâu tuyển chọn, đề bạt, sử dụng, đánh giá cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đức tính sâu sát cũng chưa được quan tâm và đặt thành một tiêu chí. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, những sai lầm phổ biến nhất đưa đến sự thất bại của cán bộ lãnh đạo là không có khả năng theo sát chi tiết mọi việc. Họ thường bỏ qua các vấn đề mới nảy sinh do bận rộn. Người cán bộ lãnh đạo có năng lực, uy tín và để vươn tới thành công cần sâu sát tất cả mọi chi tiết có liên quan đến công việc của mình thông qua nhân viên thừa hành và các phương tiện quản lý.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức giáo dục cán bộ lãnh đạo, quản lý phong cách làm việc đi sâu, đi sát quần chúng, mong muốn họ trở thành những người lãnh đạo thành công. Theo Người: Cán bộ lãnh đạo không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Họ phải biết đời sống thực, khả năng thực của nhân dân ra sao; cần biết được tâm tư, băn khoăn, thắc mắc của quần chúng, để cùng họ kịp thời tháo gỡ. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ.

Để hình thành tính sâu sát cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý từ nhận thức đến tư duy và hoạt động thực tiễn, song song với quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở đào tạo cán bộ cần thiết phải đổi mới mô hình đào tạo theo hướng xây dựng lề lối, phong cách làm việc sâu sát. Theo đó, chương trình đào tạo được bổ sung cả lý thuyết đến thực hành, thực tập, nhằm giúp cho cán bộ rèn luyện và hình thành thái độ, hành vi và phong cách làm việc sâu sát.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần hoàn thiện quy định về lề lối, phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, làm cơ sở cho việc quản lý cán bộ.

3. Khắc phục tình trạng lạm quyền, cửa quyền, quan liêu.

Ở chế độ ta, quyền lực thuộc về nhân dân và để phục vụ nhân dân. Cho nên phải kiên quyết khắc phục tình trạng cả họ làm quan (lãnh đạo đưa con cháu, thân nhân vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình) – hình thành nên những “tổ đảng nhà ta”, “chi bộ nhà ta”; kiên quyết không để cán bộ lãnh đạo, quản lý sử dụng quyền lực được Đảng và Nhà nước giao như một tài sản riêng. Cán bộ lãnh đạo cần ý thức rằng, quyền lực mà mình có được là xuất phát từ sự ủy thác của nhân dân, để tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Do vậy, cần thông qua dân, gắn bó với dân để quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, cán bộ được sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng lợi dụng chức quyền trong công tác cán bộ.

4. Cán bộ phải gần dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách làm việc tốt nhất là phải: Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý do không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của họ thành ra lý thuyết suông, không hợp với thực tế. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong xây dựng phong cách làm việc sâu sát, phê bình phong cách quan liêu, những lề thói lạc hậu, thực hiện minh bạch hóa thái độ và hành vi công vụ của cán bộ nhằm giúp cán bộ tự điều chỉnh hành vi, tác phong lãnh đạo, quản lý của mình.Nhân dân giám sát cán bộ còn là giám sát quyền lực của cán bộ. Vì có cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mà còn phải phát huy tác dụng của cơ chế đó từ tai mắt người dân. Đó là sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên, không mệt mỏi và vô cùng hiệu quả.

5. Phải biết tự kiểm tra, kiểm soát công việc

Không kiểm tra, kiểm soát cũng như không lãnh đạo. Do vậy, người cán bộ lãnh đạo phải biết tự kiểm tra, kiểm soát công việc. Người không tự kiểm tra, kiểm soát được mình thì không thể kiểm tra, kiểm soát được người khác. Tự kiểm tra, kiểm soát còn là tấm gương và là điều kiện cần thiết để cấp dưới tuân thủ sự lãnh đạo của mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất