“Công trình dân sinh, thắm tình đồn - xã” - Mô hình cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn
Mô hình “Công trình dân sinh, thắm tình đồn - xã”, là một điển hình, do Phòng Chính trị tổng kết, tham mưu với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh triển khai; đồng thời, là sự cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 05 bằng những hoạt động, việc làm cụ thể trong thực hiện công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng Tỉnh. Mục đích của Mô hình nhằm góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo đời sống dân sinh, xây dựng nông thôn mới, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Theo đó, căn cứ vào tình hình địa bàn, quán triệt, thực hiện nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của mình, các đồn Biên phòng đã trực tiếp tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền các xã (thị trấn) biên giới xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Trọng tâm là phối hợp thực hiện tốt các phần việc, bằng những dự án, chương trình cụ thể, như: Dự án 661 (Dự án trồng rừng do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư); Chương trình: “Mái ấm cho người nghèo biên giới”, “Giúp dân phát triển kinh tế - xã hội”,“Nâng bước em tới trường”, “Áo ấm mùa đông biên giới”, v.v. Những phần việc cụ thể này được lượng hóa qua những công trình xây dựng, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống nước sạch cho cụm dân cư, mương máng thủy lợi, đường điện, trường học, trạm y tế, nhà vệ sinh hộ gia đình; hướng dẫn cho người dân về khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục, luân chuyển sách báo cho các thư viện, phòng đọc, nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào.Đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu tự thân của từng tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Thông qua đó, đã xuất hiện một số mô hình, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng và nhu cầu thiết thân của người dân nơi đây. Tiêu biểu là các mô hình: “Ngày hội Biên phòng toàn dân”; “Công trình dân sinh, thắm tình đồn - xã”,… đã góp phần làm sáng tỏ hơn phẩm chất người chiến sĩ biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em.

Phần việc thứ nhất: Dự án trồng rừng 661. Để Dự án thành công, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với Ban Chỉ đạo 327 của Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đồn Biên phòng (Na Hình, Bắc Xa, Chi Ma, Thanh Lòa, Ba Sơn), xây dựng kế hoạch, tìm nguồn cây giống, xác định khu vực trồng rừng; chủ động lên kế hoạch phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương kiên trì, liên tục, đến từng hộ gia đình, người dân để tuyên truyền, vận động trong nhiều tháng, nhiều ngày, thậm chí có hôm họp bản đến 11, 12 giờ đêm để làm công tác tư tưởng cho đồng bào hiểu và tham gia các dự án trồng rừng của Bộ đội Biên phòng. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn hỗ trợ một phần tiền công cho những gia đình tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng mới. Tuy thời gian đầu triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay gần 4.000 ha rừng thông phát triển tốt, tạo vành đai xanh chạy dọc tuyến biên giới từ phía Tây sang phía Đông, dài trên 100 km, vừa có ý nghĩa khẳng định chủ quyền lãnh thổ, vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân biên giới, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên giàu có nhờ việc khai thác nhựa thông từ rừng dự án, nhất là tại các xã: Bắc Xa, Bính Xã (huyện Đình Lập); Tam Gia, Tú Mịch, Yên Khoái (huyện Lộc Bình); Xuất Lễ, Thanh Lòa (huyện Cao Lộc); Thụy Hùng, Trùng Khánh, Thanh Long (huyện Văn Lãng). Việc làm thiết thực đó, càng tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và làm cho tình đoàn kết, gắn bó quân - dân ngày càng bền chặt.

Phần việc thứ hai: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo biên giới” do trên triển khai. Để mang lại hiệu quả cao, các đồn biên phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống bản làng, lao động với người dân, hỗ trợ phương tiện, vật liệu,… để xây dựng các công trình. Với tình cảm, trách nhiệm đó, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giúp địa phương xây dựng được 129 “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà Tình nghĩa” cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng ở khu vực biên giới. Riêng năm 2017, xây dựng 5 căn “Nhà Tình nghĩa” cho 5 hộ gia đình khó khăn, có thành tích tốt trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới thuộc các xã: Quốc Khánh, Đội Cấn, Tân Minh, Đào Viên (huyện Tràng Định). Phải nói rằng, đối với những hộ nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn, những căn “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà Tình nghĩa” đã thực sự là “phần thưởng trong mơ” của đồng bào, có ý nghĩa chính trị quan trọng, giúp cho nhân dân ổn định, cải thiện cuộc sống.

Phần việc thứ ba: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động trao đổi, thống nhất với Ủy ban nhân dân huyện Tràng Định, xây dựng kế hoạch giúp dân phát triển kinh tế - xã hội tại xã Đội Cấn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phát triển cây thạch đen - loại cây có giá trị kinh tế cao; xây dựng được 3 hệ thống nước sạch cho cụm dân cư, làm trên 4 km đường bê tông liên thôn, xây dựng 2 Nhà văn hóa, 4 phòng học, 48 nhà vệ sinh hộ gia đình; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 4 chi bộ, 2 Tổ an ninh tự quản, 1 Trung đội dân quân. Trên cơ sở rút kinh nghiệm triển khai tại xã Đội Cấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng lựa chọn một thôn (bản) giáp biên để giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma đã làm hệ thống nước sạch và xây 42 nhà vệ sinh hộ gia đình, 03 Nhà văn hóa cho thôn Lặp Pịa (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình); đồn Biên phòng Ba Sơn làm cống qua suối, xây Nhà văn hóa tại thôn Khuổi Tát (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc); đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm đường điện cho thôn Kéo Kham, khu Vường Sái, làm đường nước sạch cho nhân dân Tổ 9, khu Giây Thép (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc); đồn Biên phòng Thanh Lòa làm đường bê tông cho thôn Nà Làng (xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc); đồn Biên phòng Bắc Xa giúp nhân dân thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa kỹ thuật trồng cây Sa Nhân có thu nhập cao, v.v.

Thực hiện Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Chi nhánh Viettel Lạng Sơn, cấp ủy, chính quyền, trạm thú y các huyện biên giới tặng 1.298 con bò giống cho 1.298 hộ nghèo khu vực biên giới, hướng dẫn cách chăn nuôi, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Đến tháng 3-2018, những con bò giống tặng cho bà con đã được chăn nuôi cẩn thận, phát triển tốt và có 293 bò mẹ sinh bê. Thực hiện Chương trình quân dân y kết hợp, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn tổ chức các đợt phổ biến, tuyên truyền về Chương trình, Mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; hướng dẫn nhân dân làm vườn cây thuốc Nam... Năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp, tổ chức huy động 156 lượt bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế thực hiện 38 đợt vừa tuyên truyền, vừa thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch cúm A-H7N9, tiêm chủng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 10 nghìn người dân, với số tiền trên 165 triệu đồng. Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ đội Biên phòng tỉnh chăm sóc, hỗ trợ thường xuyên cho 54 học sinh từ lớp 01 đến lớp 12, thuộc các dân tộc thiểu số, mồ côi cả cha mẹ và mồ côi cha hoặc mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng. Đến nay, đại đa số các cháu đều khỏe mạnh, kết quả học tập, rèn luyện tốt, đặc biệt là cháu Hoàng Bích Trang (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) năm 2017 tốt nghiệp đạt 28,5 điểm, được xét tuyển vào học tại Trường T78 (Bộ Công an).

Nhằm giúp nhân dân khu vực biên giới, nhất là trẻ em học sinh nhỏ tuổi có quần áo ấm, chống chọi với thời tiết giá lạnh của mùa đông, cuối năm 2017, đầu năm 2018, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chỉ đạo phát động Chương trình “Áo ấm mùa đông biên giới”, giao cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ chủ trì, cùng với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Để thực hiện Chương trình đạt kết quả tốt, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của địa phương tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng cần hỗ trợ, giúp đỡ; tổ chức tuyên truyền, vận động mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia. Từ tiền lương của mình, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quyên góp, ủng hộ được 697 suất quà, gồm: chăn bông, chăn len, áo bông, áo len, giầy, tất, găng tay, mũ len,… trị giá trên 175 triệu đồng; Hội hưu trí Biên phòng tỉnh sống ở Hà Nội đã quyên góp, ủng hộ 200 chăn ấm, trị giá trên 50 triệu đồng, thiết thực giúp cho các em học sinh vùng cao, các hộ nghèo vượt qua khó khăn trong mùa đông giá lạnh. Năm 2018, trên cơ sở quy chế phối hợp với Huyện ủy các huyện biên giới, đơn vị đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện mô hình “Công trình dân sinh, thắm tình đồn - xã”, bằng việc thực hiện 21 công trình phục vụ dân sinh ở các thôn, bản khó khăn thuộc các xã, thị trấn biên giới. Đây sẽ là những công trình, những phần việc cụ thể, có ý nghĩa thiết thực chào mừng 30 năm “Ngày biên phòng toàn dân” (03-03-1989 - 03-03-2019) và 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03-03-1959 – 03-03-2019).

Thành công của mô hình “Công trình dân sinh, thắm tình đồn - xã” đã tô thắm, thắt chặt tình đoàn kết máu thịt quân - dân nói chung, tình đoàn kết, gắn bó giữa đồn Biên phòng với các xã, thị trấn biên giới nói riêng; hiện thực hóa các nội dung của Chỉ thị 05 và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” vào thực tiễn hoạt động, công tác của đơn vị, góp phần củng cố, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Đồng thời, xây dựng Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thượng tá TRỊNH HỮU TĂNG
Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất