Niềm tự hào mang tên “Thống Nhất”
Các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất.

Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất.

Ngược dòng lịch sử

Ngày 21-7-1975, BTV Trung ương Cục miền Nam đã ra nghị quyết, quyết định lấy Bệnh viện Vì Dân làm bệnh viện của Trung ương Cục để điều trị cho cán bộ trung cấp, cao cấp quân sự và dân - chính - đảng, lấy tên gọi là Quân Y viện Thống Nhất. Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành, lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Quân y K71, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe của Trung ương Cục, được cử làm Viện trưởng. Ngày 1-11-1975, Quân Y viện Thống Nhất bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Từ đó đến nay, trải qua 48 năm phát triển, và trưởng thành, lớn mạnh, Bệnh viện Thống Nhất đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân miền Nam. Cái tên “Thống Nhất” mang đậm dấu ấn về thời khắc lịch sử đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối, đã trở thành niềm tự hào của Bệnh viện gần nửa thế kỷ qua.

Đảng bộ Bệnh viện Thống Nhất hiện có 20 chi bộ và 268 đảng viên. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn là hạt nhân đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, bởi vậy qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Bệnh viện luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, không ngừng phát triển lớn mạnh. Từ quy mô hơn 400 giường khi mới thành lập, chủ yếu khám và điều trị về nội và ngoại trú với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe, điều trị cho cán bộ trung và cao cấp. Đến nay, với tổng số gần 1.300 cán bộ, công nhân, viên chức, Bệnh viện Thống Nhất đã mở rộng quy mô lên hơn 1.200 giường, 3 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 2 khoa hỗ trợ, 1 khoa điều trị cán bộ cao cấp, 12 phòng chức năng, 1 phòng quản lý và bảo vệ sức khỏe cán bộ diện Trung ương quản lý ở phía Nam. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã thực hiện tiếp nhận, điều trị cho người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hiện Bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng 1.200 bệnh nhân, trong đó có đến 70% là người cao tuổi, nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi đã được can thiệp các kỹ thuật ngoại khoa thành công.

Năm 1978, Bệnh viện Thống Nhất được chuyển giao cho Bộ Y tế tiếp quản, tiến hành tổ chức xây dựng theo mô hình mới. Đây được coi là bước ngoặt lớn của Bệnh viện. Trên đà phát triển, từ chỗ chỉ là một bệnh viện hoạt động theo cơ chế bao cấp hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, đến năm 2017 Bệnh viện Thống Nhất đã tự chủ tài chính về nguồn chi thường xuyên. Dù trải qua thời kỳ đầy khó khăn nhưng đây cũng chính là động lực để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện chủ động vươn lên, phát triển kỹ thuật, nâng cao tay nghề, rèn luyện ý thức trách nhiệm, tạo được niềm tin với nhân dân. 

Phát triển vững mạnh

Nhắc đến Bệnh viện Thống Nhất, nhiều người nghĩ ngay đến thế mạnh đầu tiên đó là chuyên ngành lão khoa. GS, TS, bác sỹ, Đại tá Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện, người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của chuyên ngành này, đồng thời là người sáng lập ra bộ môn lão khoa đầu tiên của cả nước, được Bộ Y tế ra quyết định thành lập và đặt tại Bệnh viện Thống Nhất từ năm 1986. Gần 40 năm xây dựng, phát triển, chuyên ngành lão khoa của Bệnh viện đã trở thành một bộ môn quan trọng, đào tạo ra hầu hết các bác sỹ chuyên ngành lão khoa ở phía Nam. Đến nay, Bệnh viện Thống Nhất đã trở thành Trung tâm Lão khoa hàng đầu cả nước, có thể tiếp nhận và điều trị cho hầu hết các bệnh lý về lão khoa trong mọi lĩnh vực cả nội khoa, ngoại khoa ở người lớn tuổi. 

Đồng chí Lê Đình Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý, nhất là bệnh lý tim mạch nặng, nên cần được can thiệp ở mức tối thiểu nhưng phải đạt hiệu quả tối đa. Chính vì vậy, Bệnh viện muốn phát triển các kỹ thuật can thiệp ít gây tổn thương nhất cho người bệnh khi đưa dụng cụ vào nhưng không ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Với tinh thần đó, tháng 5-2023, Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị đầu tiên của cả nước áp dụng, phát triển kỹ thuật khoan các mảng vữa xơ ở các động mạch ngoại vi.

Cùng với mũi nhọn về lão khoa, Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thành lập Trung tâm tim mạch chuyên sâu ở phía Nam. Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, GS, TS Nguyễn Mạnh Phan, nguyên Giám đốc Bệnh viện là người đầu tiên đặt nền móng cho việc cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân Việt Nam bị bệnh lý nhịp tim chậm. Hiện nay, Bệnh viện đã làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công các kỹ thuật mổ tim hở, phẫu thuật động mạch cảnh, động mạch chủ, các thủ thuật can thiệp về tim mạch, phẫu thuật nội soi lồng ngực.

Không ngừng mở rộng quy mô, các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao khác cũng dần được Bệnh viện Thống Nhất áp dụng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của cán bộ, nhân dân. Thống Nhất đã trở thành một trong những bệnh viện lớn ở phía Nam áp dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, ngang tầm với các bệnh viện chuyên khoa trong nước và khu vực. Chuyên ngành đột quỵ đã được Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trao tặng “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” liên tục trong nhiều năm. Tháng 7-2019, Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện đầu tiên trong cả nước có đơn nguyên thận nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015. Các khoa Huyết học, Vi sinh, Hóa sinh cũng đã được xây dựng đạt tiêu chuẩn ISO. Bệnh viện Thống Nhất cùng 2 bệnh viện khác tại TP. Hồ Chí Minh (gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2) đã xây dựng được “Mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến thận sống, chết não hay ngừng tuần hoàn”. Mạng lưới được xây dựng góp phần minh bạch và tạo điều kiện cho hoạt động hiến, ghép tạng được thuận lợi, mở rộng các phương thức đăng ký vào danh sách chờ, mang đến cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.

Là một trong những Bệnh viện trọng yếu về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân khu vực phía Nam, đây là vinh dự và cũng là trọng trách lớn của cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện. Bởi để làm tốt vai trò đó, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc, mỗi y bác sỹ, cán bộ, nhân viên Bệnh viện phải luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng để nâng cao tay nghề và y đức. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thuộc diện Trung ương quản lý đã được Bệnh viện tổ chức thực hiện tốt. Bệnh viện phối hợp với các đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức chu đáo việc khám và kết luận sức khỏe cho cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Công tác bảo đảm y tế cho các hội nghị cấp cao diễn ra trên địa bàn cũng như các đợt phục vụ đoàn cán bộ cấp cao nước bạn Lào sang Việt Nam học tập, nghiên cứu đều được Đảng ủy, Ban Giám đốc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Không chỉ áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc và làm hài lòng bệnh nhân. Ứng xử, giao tiếp với người bệnh là một trong những vấn đề được Đảng ủy, Lãnh đạo Bệnh viện thường xuyên quan tâm. Từ năm 2015, Bệnh viện Thống Nhất đã cải tạo, mở rộng, nâng cấp Bệnh viện và khánh thành Khu điều trị kỹ thuật cao. Triển khai thực hiện Chương trình hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa TeleHealth; áp dụng thẻ khám bệnh thông minh vào công tác khám, chữa bệnh từ tháng 2-2020 với nhiều tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Nhiều năm nay, Bệnh viện Thống Nhất không còn cảnh quá tải hay bệnh nhân ngồi chờ hàng giờ mới tới lượt khám. Khuôn viên Bệnh viện rộng lớn, sạch sẽ, khang trang, mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân. Và trên hết là thái độ giao tiếp, chăm sóc chu đáo, ân cần của y bác sỹ đối với người bệnh. Sự hài lòng của người bệnh thể hiện qua những lá thư, những phản hồi từ đường dây nóng, trong đó gửi gắm biết bao ân tình của cán bộ, người dân dành cho các y bác sỹ. Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm - Nhân viên y tế là nhân tố quyết định”, qua các đợt chấm điểm cuối năm, chỉ số hài lòng của người bệnh dành cho Bệnh viện luôn cao.

Cho cuộc đời nở hoa

“Bàn tay nhân ái/ Ta vun xới cho cuộc đời nở hoa” - câu hát quen thuộc trong bài ca truyền thống của Bệnh viện Thống Nhất, vừa khẳng định trách nhiệm, vừa là vinh quang của mỗi cán bộ, y bác sỹ nơi đây. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Bởi vậy, gìn giữ sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ nhiều thử thách, nhưng cũng là vinh dự và vinh quang của đội ngũ y bác sỹ. Nghề y là nghề cao quý nhưng cũng là nghề đòi hỏi sự hy sinh và tận tụy. Sự hy sinh ấy đã và đang diễn ra từng giờ thầm lặng ở nơi đây. Mỗi con người là mỗi hoàn cảnh, bất đắc dĩ mới phải bước chân qua cánh cổng bệnh viện, khi trở ra đều ước mong được khỏe mạnh, đón nhận niềm vui cuộc đời. Và rất nhiều người đã có được niềm vui đó.

Gần nửa thế kỷ đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện, các thế hệ y bác sỹ đã nỗ lực không ngừng nghỉ, mang lại sức khỏe, niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho biết bao con người, góp phần vun đắp cho biết bao cuộc đời nở hoa. “Thống nhất - Trách nhiệm - Tình người” luôn là phương châm thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu chung đã được đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất xác định cho mình trong suốt hành trình cống hiến. Với những trái tim hồng và đôi tay ấm, Thống Nhất sẽ mãi là nơi người bệnh gửi trọn niềm tin yêu trong việc chăm sóc sức khỏe của họ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất