Thực hiện công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh tại Vietcombank

Từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò cán bộ: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Người còn chỉ rõ cơ chế nhân dân giao quyền cho cơ quan nhà nước thông qua bầu cử theo nguyên tắc: Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc cá nhân nắm quyền lực. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ, mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ. Đối với người có quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”, mà để làm người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người quan niệm “đức” là gốc của cán bộ. Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để lòe dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là “giặc nội xâm”, coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.

Hồ Chí Minh coi vấn đề sử dụng cán bộ là một nội dung căn bản của khoa học và nghệ thuật trong công tác cán bộ của Đảng. Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt trong việc sử dụng cán bộ là phải biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu nguyên tắc căn bản mà Đảng của giai cấp công nhân cần quán triệt trong dùng cán bộ. Đó là: Thứ nhất, phải hiểu biết rõ cán bộ. Thường xuyên xem xét, đánh giá cán bộ để phát hiện nhân tài và người thoái hóa, biến chất. Thứ hai, phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc. Tất nhiên phải thận trọng, tránh sai lầm trong cất nhắc cán bộ. Thứ ba, phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Nên phải biết tuỳ tài mà dùng người cho đúng. Thứ tư, phải phân phối cán bộ cho đúng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc. Thứ năm, phải giúp cán bộ cho đúng để họ có điều kiện, cơ hội phát huy hết khả năng, điều kiện thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải luôn luôn kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Chăm sóc, động viên họ khi họ hoặc người thân trong gia đình họ ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn. Thứ sáu, phải thương yêu, giữ gìn, bảo vệ cán bộ. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu ra năm phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ. Một là, chỉ đạo: Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hai là, nâng cao: Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ. Ba là, kiểm tra: Thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Bốn là, cải tạo: Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp cho họ sửa chữa. Năm là, giúp đỡ: Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần cán bộ và sự thân ái đoàn kết, tính đạo đức, tính nhân văn trong Đảng.

Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, nghệ thuật dùng cán bộ rất quan trọng, Người chỉ rõ: Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ. Và Người khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý và nhấn mạnh ba điểm quan trọng trong công tác cán bộ: Thứ nhất, khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, chính kiến của mình. Thứ hai, khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan nhận và chịu trách nhiệm của mình. Thứ ba, không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để làm tốt công tác cán bộ phải dựa trên cơ sở duy vật biện chứng, duy vật vật lịch sử, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Người chỉ rõ: Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung và Người lý giải rõ: Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Người nhắc nhở: Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho 1 người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy...

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ chính là kiểm soát cán bộ, đảng viên. Người luôn nhắc nhở phải bảo đảm sự thống nhất về bản chất của mối quan hệ quyền lực trong hệ thống chính trị. Điều này còn được thể hiện ở tính nhất quán trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Tính nhất quán đó được minh chứng bằng tính ổn định của thể chế suốt nhiều thập kỷ qua. Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người còn khẳng định và nhắc nhở: Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm thuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người cũng dặn dò: Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất cần thiết và rất quan trọng...

Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ vẫn luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm”... nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận và phương pháp luận khoa học, là thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn đối với nhân loại; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.

Đến sự vận dụng của Đảng bộ Vietcombank

Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ, Đảng đã luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta đã xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Nghĩa là, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, then chốt của then chốt. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn quan tâm đến đổi mới công tác cán bộ và kiểm soát thực thi quyền lực trong công tác tổ chức - cán bộ. Nhờ đó, nhìn chung, công tác cán bộ đã bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong tất cả các khâu, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tương xứng, ngang tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặc biệt quan tâm sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận để chấn chỉnh, khắc phục những vướng mắc, bất cập, yếu kém trong công tác cán bộ. Công tác cán bộ đã bám sát quan điểm: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”. Các nguyên tắc, quy định của Đảng từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Tổ chức thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo; lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt trong Đảng, Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp chiến lược... Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐi/TW, ngày 23-9-2019, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”...

Hiểu rõ tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, là một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với hệ thống mạng lưới trải rộng trong nước và hiển diện tại nhiều địa bàn trọng yếu ở khu vực và quốc tế, trên 18 nghìn người lao động cũng đang tập trung nguồn lực để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh việc chỉ đạo hoạt động kinh doanh, Đảng uỷ Vietcombank luôn quan tâm chăm lo, chú trọng công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác cán bộ; quan tâm nghiên cứu, đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới nội dung sinh hoạt đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động kinh doanh của Vietcombank; thường xuyên quan tâm, bám sát cơ sở, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi và động viên kịp thời để các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc và cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, sau khi thực hiện tiếp nhận các cơ sở đảng theo Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 8-3-2022 của Ban Bí thư, Đảng bộ Vietcombank có 127 tổ chức cơ sở đảng gồm 51 đảng bộ và 76 chi bộ cơ sở với 6.559 đảng viên, phân bổ rộng khắp trên địa bàn 61 tỉnh thành trong cả nước; thông qua đó, tập trung và nâng cao vai trò lãnh đạo xuyên suốt của Đảng ủy Vietcombank đối với toàn hệ thống. Đảng bộ Vietcombank hằng năm luôn được đánh giá là đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Thời gian qua, Đảng ủy Vietcombank đã đặc biệt chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là tạo nguồn kết nạp đảng viên. Hằng năm, Đảng ủy đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng dành cho cán bộ, nhân viên và người lao động tại đơn vị. Mỗi năm, Đảng bộ đã lựa chọn và kết nạp được hơn 200 quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đi đôi với công tác phát triển đảng viên là công tác cán bộ gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, trên tinh thần vận dụng và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh “muốn có cán bộ tốt, phải chú trọng công tác cán bộ”. Vietcombank đã thành lập mới trên cơ sở phát huy những nguồn lực sẵn có Khối Quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu của Khối là phát triển công tác cán bộ, đồng thời tập trung đẩy mạnh các khâu trong công tác cán bộ, đặc biệt là coi trọng khâu tuyển dụng. Công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của Vietcombank giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để đánh giá đúng cán bộ, phải căn cứ theo các tiêu chí và kết quả thực tiễn của công tác cán bộ Vietcombank đã triển khai xây dựng và vận hành theo hệ thống chính sách đãi ngộ người lao động và hệ thống đo lường đánh giá hiệu quả công việc (KPIs), thẻ điểm cân bằng. Đây là một trong những thông lệ quản trị tiên tiến nhất trên thế giới, đánh giá đầy đủ cá nhân, đơn vị trên các khía cạnh về chất lượng, khối lượng và hiệu quả công việc, bảo đảm đồng nhất. Hệ thống này có xếp hạng và ghi nhận sự cố gắng cũng như các lỗi xảy ra của cá nhân, đơn vị trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh.

Về việc sử dụng con người, với tôn chỉ đúng người, đúng việc, Vietcombank đã sáng tạo, phát huy và kết hợp công tác cán bộ với công tác đào tạo huấn luyện và công tác đánh giá cán bộ để tạo ra một kế hoạch sử dụng nhân sự khoa học, đúng đắn. Việc quy hoạch và bổ nhiệm phải thực hiện đúng theo nguyên tắc “Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xây dựng trên cơ sở quy hoạch cấp ủy đảng các cấp”. Từ đó, hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng đơn vị tại Trụ sở chính và giám đốc chi nhánh/công ty trực thuộc có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, năng động, năng lực trong quản trị điều hành và năng lực thực tiễn.

Bằng những giải pháp, hành động cụ thể của mình, Vietcombank đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống gần 60 năm hình thành, phát triển, đồng thời nhận thức sâu sắc tư tưởng, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trên cơ sở vận dụng, phát huy sáng tạo vào môi trường thực tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất