Những trái tim “thắp lửa” (bài 1)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 tập thể, 1 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội và bảo vệ tổ quốc (28-9-2023).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 tập thể, 1 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội và bảo vệ Tổ quốc (28-9-2023).


BÀI 1: CHUYỆN Ở ĐƠN VỊ ANH HÙNG

 

Ngày 28-9-2023, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Khu vực số 4 (Đội 4) - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH, Công an TP. Hà Nội và Đội Công tác chữa cháy và CNCH - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP. Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hai đơn vị anh hùng ở hai đầu đất nước, luôn chung một mục tiêu vì bình yên cuộc sống cho nhân dân. Chuyện về những người lính anh hùng ở đơn vị anh hùng là những câu chuyện của người chiến sĩ đã quên thân mình lao vào khói lửa. Trước “giặc lửa”, trước sự an nguy của người dân, họ đã không nao núng, không chùn bước, “thắp lửa” trong tim để dập lửa cháy, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, trước hết như lời Bác Hồ đã dạy. 


Luôn “thật sẵn sàng” theo lời Bác Hồ dạy

Trong Thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ Đội PCCC thuộc Công an Hà Nội ngày 3-8-1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội) bị trúng bom giặc, Bác Hồ đánh giá: “Các cán bộ, chiến sĩ đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm, đã phối hợp tốt với quần chúng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dù trong những điều kiện khó khăn…”. Đồng thời Bác căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều: “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn. Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC. Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.

Lời căn dặn đầu tiên của Bác Hồ về nhiệm vụ “thường xuyên thật sẵn sàng” là khẩu hiệu, là tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) PCCC Hà Nội nói riêng, toàn lực lượng nói chung.

Các cán bộ, chiến sĩ Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 4 , Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP. Hà Nội.

Các cán bộ, chiến sĩ Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 4 , Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP. Hà Nội.

Được thành lập từ ngày 1-9-2018, đến nay Đội 4 đã có 49 CBCS. Chi bộ Đội có 35 đảng viên. Tinh thần “thường xuyên thật sẵn sàng”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" được Chi bộ thường xuyên giáo dục, rèn luyện trong đội ngũ đảng viên, từ đó làm gương cho CBCS toàn Đội.

Đồng chí Trung tá Vũ Hoài Nam, Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội 4 cho biết: Đội được giao nhiệm vụ tổ chức chữa cháy, CNCH, phối hợp công tác thực tập phương án trên địa bàn các quận, huyện Thanh Xuân, Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa của TP. Hà Nội. Đây là những địa bàn có nhiều khu cụm công nghiệp, làng nghề như nón chuông, dệt, mây tre đan, tăm hương…, số lượng kho bãi, xưởng sản xuất nhiều, nguy cơ cháy nổ cao, nên công tác PCCC và CNCH có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi CBCS luôn với tinh thần trực chiến, sẵn sàng, còn nói vui với nhau “ở đơn vị nhiều hơn ở nhà”.

Từ khi thành lập đến nay, Đội 4 đã trực tiếp tham gia và phối hợp xử lý 255 vụ cháy và CNCH trên địa bàn các quận, huyện được phân công; kịp thời xuất 510 lượt xe với hơn 3.000 lượt CBCS tham gia; cứu được 15 người và hàng chục tỉ đồng tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong đó có nhiều chiến công lớn, chưa từng có ở Việt Nam được các cấp lãnh đạo ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.

Bí thư chi bộ, Trung tá Vũ Hoài Nam chia sẻ, làm tốt công tác tư tưởng với mỗi CBCS rất quan trọng, bởi con người dù gan dạ đến mấy cũng không tránh khỏi những phút yếu lòng. Đó là khi chứng kiến hậu quả khủng khiếp của “giặc lửa”, khi đứng trước những mất mát, hy sinh của đồng đội, hay trước nỗi lo lắng của vợ con, gia đình. Nhất là với những chiến sĩ tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ. Một mặt đơn vị rèn luyện kỷ luật, kỷ cương, mặt khác Chi bộ thường xuyên làm công tác tư tưởng để trấn an tinh thần, rèn luyện bản lĩnh, tạo động lực cho anh em CBCS. Qua năm tháng tôi luyện trong nghề, mỗi đồng chí đều từng bước trưởng thành, ai nấy đều quyết tâm bám trụ. “Chúng tôi không sợ khó khăn, không sợ hiểm nguy. Cái những người lính PCCC sợ nhất, đó là không đến nơi kịp thời, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xuất xe trên đường đi làm nhiệm vụ gặp phải trở ngại…" – Trung tá Vũ Hoài Nam trải lòng.

Cũng với tinh thần ấy, ở phía Nam đất nước, 82 CBCS của Đội Công tác chữa cháy và CNCH (Công an TP. Hồ Chí Minh) đã vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, thực sự là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thành phố mang tên Bác. Với tinh thần quyết tâm cao độ từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Phòng, Chi ủy Đội Công tác chữa cháy và CNCH đã tập trung chỉ đạo các tổ đảng trực thuộc chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng cho từng CBCS, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Lực lượng PC07 Công an TPHCM tham gia chữa cháy.

Lực lượng PC07 Công an TP. Hồ Chí Minh tham gia chữa cháy. Ảnh: TL.

Thượng tá Võ Thanh Tùng, Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH cho biết: CBCS thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện cả về tư tưởng đạo đức và sức khỏe, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Bởi thực tế chỉ ra rằng, không có sự cố, tai nạn nào mang tính chất giống nhau, tùy vào từng hoàn cảnh, đặc điểm xảy ra sự cố, tai nạn, thảm họa mà đơn vị có những phương án, chiến thuật phù hợp. Vậy nên, Chi uỷ lãnh đạo toàn Đội thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, đổi mới phương tiện, trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, CNCH vừa nhanh chóng xử lý sự cố hiệu quả.

Cháy nổ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào, chỉ bất cẩn nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn. Bởi vậy lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng cảnh sát PCCC “phải thường xuyên thật sẵn sàng” là định hướng cho tất cả mọi người trong công tác PCCC. Tinh thần này đã được thể hiện thành phương châm hành động về PCCC gồm “3 sẵn sàng”: chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; và “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Những yêu cầu này không chỉ được nhắc trong dịp “Ngày PCCC toàn dân” hay “Tháng an toàn PCCC” mà phải được thực hiện trong tất cả các ngày, tất cả các tháng.

Học và làm theo gương Bác, 56 đảng viên của Chi bộ Đội Công tác chữa cháy và CNCH luôn mang tinh thần sẵn sàng, nỗ lực không mệt mỏi để giữ an toàn cho những ngôi nhà, nhà máy, xí nghiệp, những cơ quan đơn vị và đặc biệt an toàn cho tính mạng của người dân khi gặp các tai nạn, sự cố.

Nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC”, Đội Công tác chữa cháy và CNCH đã có những nghiên cứu, phát minh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào công tác chữa cháy và CNCH, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.

Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ hằng ngày, đơn vị nhận thấy trong nhiều vụ việc cháy, nổ, CNCH đáng tiếc xảy ra có nguyên nhân từ sự thiếu kiến thức, hiểu biết của nhân dân trong công tác PCCC và CNCH, do đó với vai trò tham mưu, đơn vị đã đề xuất thành lập trang Web của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố. Đến tháng 7-2009, Website chính thức đi vào hoạt động, là trang web đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân. Theo đó các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Nhà nước về công tác PCCC được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, kịp thời và chính xác đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và người dân trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt Website còn có chức năng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình thực hiện các biện pháp PCCC, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện cần thiết về PCCC.

Nổi bật nhất trong nghiên cứu, phát minh sáng kiến của Đội là Cầu dây nghiêng, giúp đưa nạn nhân bị mắc kẹt ở trên cao, các tòa nhà, công trình cao tầng xuống khu vực an toàn khi nạn nhân bị chấn thương, không thể đưa xuống qua cầu thang, hay giỏ xe thang. Cầu dây nghiêng được CBCS của Đội sáng kiến từ máng CNCH trượt trên mặt nước, ưu điểm nổi bật là luôn đảm bảo tính ổn định, độ an toàn cao cho nạn nhân khi trong trường hợp có gió mạnh hoặc trời mưa; ít sử dụng đến sức người, tính cơ động cao, phạm vi sử dụng đa dạng với nhiều địa hình khác nhau; điều chỉnh tốc độ của cáng… Từ những ưu điểm trên đơn vị đã vận dụng rất nhiều vào các tình huống thực tế chiến đấu và đạt được nhiều kết quả tốt.

Gần 10 năm qua (2012-2023), đơn vị đã xuất 3.374 lượt xe, tàu chữa cháy với hơn 7.688 lượt CBCS trực tiếp cứu chữa 2.487 vụ cháy lớn, nhỏ đạt yêu cầu cao, làm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Tổ chức CNCH 785 vụ, cứu sống được 283 người, đưa 1.788 người tránh bão an toàn; tổ chức tìm kiếm được 653 thi thể nạn nhân, cứu sống được 912 người trong các đám cháy… Bên cạnh đó, Đội phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh lặn tìm tang vật của hơn 20 vụ án (do đối tượng phi tang tang vật) phục vụ công tác điều tra xử lý tội phạm.

Sự mưu trí, dũng cảm, không ngại khó khăn, hy sinh, sẵn sàng “lao vào biển lửa, lên núi cao, xuống vực sâu” để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân của CBCS Đội Công tác chữa cháy và CNCH đã để lại muôn vàn ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.

“Vì Nhân dân quên mình”

Những con số được thống kê tưởng như đơn giản, nhưng đó thực sự là những cuộc chiến giữa thời bình, mà ở đó người chiến sĩ chiến đấu để giành giật sự sống cho người dân, có lúc đặt mình vào ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đứng trước hiểm nguy, họ dường như quên đi bản thân mình, luôn đặt mục tiêu cao nhất là tính mạng, sự an toàn của người dân. Bởi vậy mà có những vết thương chưa kịp lành đã lại chồng lên vết mới. Những vết sẹo đi cùng thời gian. Nặng nề hơn, đâu đó có cả những hy sinh, mất mát để lại nỗi đau không thể nào nguôi.

Trong 20 năm gắn bó với nghề, Trung tá Nguyễn Chí Thành  (Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Công an TP. Hồ Chí Minh) đã trực tiếp tham gia thực hiện hơn 500 vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên toàn quốc và nước ngoài. Ảnh: TL

Trong 20 năm gắn bó với nghề, Trung tá Nguyễn Chí Thành (Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Công an TP. Hồ Chí Minh) đã trực tiếp tham gia thực hiện hơn 500 vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên toàn quốc và nước ngoài. Ảnh: TL.

Gần 10 năm qua, 8 CBCS của Đội Công tác chữa cháy và CNCH (TP. Hồ Chí Minh) đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đảng, Nhà nước và Nhân dân mãi mãi ghi công các anh. Tấm gương hy sinh của các đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cổ vũ lớn lao cho lớp lớp thế hệ CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH noi theo.

Đã qua nhiều năm, nhưng đến nay CBCS của Đội và nhân dân vẫn còn kể lại câu chuyện cứu nạn, cứu hộ thành công 12 nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, ngày 16-12-2014. Hầm dẫn nước thủy điện có chiều dài 700m, 12 nạn nhân bị mắc kẹt sâu bên trong, cách cửa hầm khoảng 500m. Môi trường thiếu không khí có thể khiến nạn nhân bị ngạt và tử vong nếu không giải cứu kịp thời. Các chiến sĩ CNCH của Đội đã phải khoan, phá dỡ đào đường lò bên cạnh để tìm cách giải cứu các nạn nhân.

Những ngày cuối năm thời tiết giá lạnh, địa điểm CNCH xa khu dân cư, nhu yếu phẩm và phương tiện hỗ trợ đều hạn chế, CBCS phải gồng mình trong thời tiết khắc nghiệt, ăn tạm cầm hơi để thay nhau khẩn trương cứu người. Sau gần 92 giờ liên tục, sử dụng mọi phương tiện, biện pháp cứu nạn tối ưu nhất, cùng với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, 12 nạn nhân được giải cứu an toàn ra ngoài.

Rồi vụ CHCN chìm tàu Dìn Ký tại sông Sài Gòn, xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương (khi tàu gặp nạn có 27 người, trong đó có 5 trẻ nhỏ). Hơn 20 giờ lặn tìm trong dòng nước chảy xiết, thủy triều lên, mưa to, giông lốc, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố đã tìm được 16 thi thể nạn nhân ở độ sâu hơn 21m nước...

Điều gì đã khiến các chiến sĩ PCCC và CNCH luôn sẵn sàng lao vào lửa, lao xuống nước, leo lên những vị trí nguy hiểm để cứu nạn nhân? Có lẽ đó là lòng yêu thương con người, sự gan dạ luôn thường trực. Vượt qua mọi gian lao, lòng gan dạ của từng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH được tôi luyện qua quá trình học tập, rèn luyện, diễn tập và thực chiến ngày này sang ngày khác. “Thắp lửa” trong tim để dập lửa cháy, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, trước hết, nhiệt huyết của những người người lính cứu hoả chưa bao giờ vơi.

Lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt vụ cháy. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt vụ cháy. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Trung tá Vũ Hoài Nam còn nhớ như in vụ cháy xảy ra tại Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) vào ngày 28-8-2019. Hàng trăm chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, trong đó có gần 20 CBCS của Đội 4 đã phải thức trắng đêm, thay nhau khống chế đám cháy và sự bùng phát trở lại. Trong kho hàng bị cháy có nhiều hóa chất độc hại dùng trong sản xuất bóng đèn (đặc biệt là thủy ngân lỏng và Amalgam những chất cực độc hại, dễ bốc hơi ở nhiệt độ cao, sẽ gây tổn thương về não và gan, phổi dẫn đến tử vong nếu không may hít phải), có bồn chứa ga khối tích lớn, là những chất nguy hiểm cháy nổ và độc hại cao mà các lực lượng liên quan chưa kiểm soát và nắm được. Tình huống cấp bách, nhiều khó khăn bủa vây, các chiến sĩ đã gồng mình xuyên đêm để bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân xung quanh khu vực cháy.

Cán bộ chiến sĩ Đội chữa cháy và CNCH Khu vực 4 làm nhiệm vụ trong vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức ngày 19-7-2023.

Cán bộ chiến sĩ Đội chữa cháy và CNCH Khu vực 4 làm nhiệm vụ trong vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức ngày 19-7-2023.

Trong quá trình chữa cháy, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh và Hạ sỹ Nguyễn Văn Huy của Đội 4 bị sặc khói, rất may được đồng đội phát hiện kịp thời đưa đến bệnh viện. Ngay sau khi hồi sức, nóng lòng vì đám cháy chưa được dập tắt, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh đã quay trở lại hiện trường để chiến đấu cùng đồng đội.

Với quyết tâm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, suốt 18 giờ liên tục, các chiến sĩ PCCC đã dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để xảy ra khả năng phát tán khói, khí độc, giữ an toàn tính mạng, tài sản của nhiều người dân. Dù mệt mỏi, đau đớn, kiệt sức, nhưng nụ cười cuối cùng cũng đã xuất hiện trở lại trên khuôn mặt sạm đen vì khói của những người lính cứu hoả.

Còn rất nhiều các sự cố cháy, nổ, CNCH mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có mặt kịp thời để khống chế, dập tắt đám cháy, kịp thời cứu được nhiều người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Hình ảnh các chiến sỹ PCCC và CNCH với bộ quần áo bảo hộ ướt sũng, khuôn mặt lấm lem, quyết tâm cõng từng cụ già, ôm các em nhỏ lao ra từ biển lửa hay từ hiện trường sự cố, tai nạn đã trở nên quá quen thuộc trong mắt người dân. Những giọt mồ hôi màu đen ám đầy khói bụi tuôn rơi trên gương mặt họ đã để lại sự xúc động, khâm phục, yêu mến. Họ chính là điểm tựa vững chắc cho người dân lúc hiểm nguy, lặng thầm tỏa sáng.

(Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất