Khi lý tưởng cách mạng trở thành lẽ sống
Đồng chí Vũ Oanh (thứ 3 từ phải sang) với cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng tại Lễ Kỷ niệm 45 năm Tạp chí ra số đầu, tháng 8-2010.

Đồng chí Vũ Oanh - nhà cách mạng lão thành Vũ Duy Trương - sinh năm 1924 tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, qua 65 năm hoạt động với nhiều cương vị như: Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ủy viên Liên khu ủy Khu 3, Chánh văn phòng Tổng Quân ủy, Phó chính ủy Đại đoàn Đồng bằng, Cục trưởng Cục Địch vận, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1979-1981 là Phó ban Công tác giúp bạn Căm-pu-chia, sau đó là Phó trưởng ban Thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế. Sau Đại hội VII là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác dân vận, mặt trận, tham gia công tác Quốc hội. Khi nghỉ hưu, được cử làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhân dịp năm mới, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc trò chuyện với đồng chí Vũ Oanh.

Thưa Đồng chí, điều gì dẫn Đồng chí đến với cách mạng?

Đồng chí Vũ Oanh: Tôi lớn lên trong thời kỳ đất nước bị đô hộ, áp bức, bóc lột. Gia đình sống trong cảnh nghèo khó, nhưng tôi chứng kiến nhiều gia đình còn nghèo hơn. Làng quê xơ xác, tiêu điều, nhiều người phải tha phương cầu thực, làm đồn điền, phu mỏ, bỏ nhà đi trốn vì không có tiền nộp thuế thân… Những cảnh đó tác động rất lớn đến lớp thanh niên, chúng tôi thấy cần phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống. Khi học tiểu học, chúng tôi được thầy hiệu trưởng Lê Đức Linh giảng dạy. Thầy hay kể chuyện ngoài giờ về lịch sử vẻ vang của dân tộc, về nỗi khổ của người dân mất nước. Chúng tôi rất kính trọng thầy, coi thầy là một tấm gương để noi theo. Sau này, tôi mới biết thầy là một đảng viên cộng sản. Anh hai tôi là Vũ Huy Hiệu, chính là người trực tiếp giác ngộ tôi về cách mạng. Anh công phu giảng dạy cho tôi về tư bản, về vô sản, bóc lột giá trị thặng dư, về chủ nghĩa cộng sản, vì sao thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, làm gì để đánh đuổi thực dân, lật đổ phong kiến… Có thể nói ảnh hưởng của anh cả, anh hai tôi là rất lớn tới sự lựa chọn con đường cách mạng của tôi.

Chắc gia đình có ảnh hưởng quan trọng đến Đồng chí?

Đồng chí Vũ Oanh: Đúng vậy, bố mất khi tôi mới 3 tuổi nên ảnh hưởng từ mẹ là rất lớn cho sự hình thành những phẩm chất đạo đức cách mạng của tôi sau này. Vốn con nhà khá giả, về làm dâu một gia đình nông dân nghèo, mẹ tôi chịu nhiều vất vả. Bản chất nết na, hay làm, phúc hậu đã giúp bà cụ vượt qua mọi gian nan của cảnh mẹ goá con côi, một mình nuôi 7 người con ăn học và anh em tôi chịu sự nuôi dưỡng, dạy bảo chủ yếu từ mẹ. Không chỉ quý con, mẹ tôi còn chăm sóc cả những người bạn cùng hoạt động với con mình như: Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Tô Quang Đẩu... Nhiều đồng chí cách mạng đều đã lấy nhà tôi làm cơ sở. Sau này tôi tham gia cách mạng thì những người bạn tôi như Trần Phương, Lê Đức Bình... đều đã ở nhà tôi. Khi mở lớp huấn luyện đảng viên đầu tiên ở Hà Nội, cơ sở bị phá, tôi đưa cả lớp về nhà. 

Khi các con đều đi hoạt động cách mạng, một mình cụ ở nhà tự nuôi thân, không bao giờ than phiền một câu để các con yên tâm hoạt động cách mạng. Mẹ tôi có nếp sống thanh bạch, chăm chỉ, tháo vát, lam lũ, tự làm mọi việc, từ muối cà, muối dưa đến chẻ lạt, đan lát rổ rá. Mẹ tôi đã nuôi chúng tôi nên người, thành những đứa con có nhân cách. Bà luôn là tấm gương sống có nghĩa, có tình, yêu thương con cái, nhân hậu với hàng xóm, láng giềng. Sau này, anh em chúng tôi đều thừa hưởng nếp sống ấy.

Đồng chí Vũ Oanh không muốn kể về các anh chị em của mình. Nhưng qua tìm hiểu, phóng viên Tạp chí được biết, các anh chị em trong gia đình đồng chí Vũ Oanh đều tham gia cách mạng từ sớm và có quá trình cống hiến. Anh cả Vũ Duy Cương dạy tiểu học, tham gia cách mạng từ trước 1930, đã từng bị Pháp bắt giam, mất năm 36 tuổi. Anh hai là Vũ Duy Hiệu tham gia cách mạng trước 1930, từng làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên. Anh Vũ Duy Kiểm (Vũ Hạnh) tham gia cách mạng trước 1945, là Giám đốc Nhà máy in tiền đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau kháng chiến là giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Thái. Anh Vũ Duy Lực (Vũ Thanh Giang) là một trong bốn tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cao xạ pháo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và là một trong hai tiểu đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Sư đoàn trưởng Pháo binh, Cục trưởng Cục thanh tra quân đội. Chị Vũ Thị Diệu tham gia cách mạng trước 1945, một cửa hàng trưởng mậu dịch quốc doanh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tổng giám đốc Tổng công ty bách hóa Trung ương. Anh Vũ Duy Quất (Vũ Thu) làm Bí thư Huyện ủy Ninh Giang, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và Vụ trưởng Vụ tổ chức của Tòa án nhân tối cao.

25 năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương chắc Đồng chí có nhiều kỷ niệm?

Đồng chí Vũ Oanh (cười): Kỷ niệm tôi rất nhớ chính là bảo vệ cho Tạp chí Xây dựng Đảng tồn tại và phát triển đấy! Tháng 8-1965, Ban Tổ chức Trung ương quyết định lập Tạp chí Xây dựng Đảng, tôi được giao làm chủ nhiệm đầu tiên cho tới ngày chuyển sang làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Với cơ chế bao cấp, sau một số năm phải chi tiền “nuôi” Tạp chí, Ban thấy tốn kém, mặt khác, nội dung Tạp chí chưa thật hấp dẫn, tác dụng chưa nhiều nên người khen thì ít mà chê thì nhiều. Nhiều người nghĩ công tác xây dựng đảng khó viết và dễ cạn nguồn. Nhiều lần, trong lãnh đạo Ban có một số ý kiến yêu cầu dừng xuất bản. Là người phụ trách Tạp chí, tôi suy nghĩ rất nhiều, làm sao để không những chỉ tồn tại mà còn nâng cao chất lượng Tạp chí nữa. Cuối cùng thì chúng tôi đi đến nhận thức: Muốn phát triển thì phải hướng về cơ sở, cấp huyện, lấy đó làm đối tượng chính để tuyên truyền, mở rộng thể loại, đổi mới nội dung, gắn với quần chúng, với phong trào. Đây chính là nguồn vô tận để viết. Phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên phong phú, coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Bằng quyết tâm cao của tập thể Tạp chí, cuối cùng lãnh đạo Ban không đề cập đến việc dừng hoạt động của Tạp chí nữa. Nhưng quan trọng nhất là Tạp chí đã tìm được hướng đi, phát triển đến ngày nay và đã có nhiều cống hiến xứng đáng.

Là người trải qua nhiều cương vị công tác, giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, theo Đồng chí, người cán bộ hiện nay cần có những phẩm chất gì?

Đồng chí Vũ Oanh: Từ khi giác ngộ lý tưởng cộng sản, dù trải qua nhiều công việc khác nhau, nhiều khó khăn, thử thách tưởng như không vượt qua được, nhưng với tôi, yêu nước, thương dân luôn là động lực thôi thúc tôi vượt qua. Thực hiện cho được lý tưởng, ước mơ giành cho được độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân đã trở thành một nhu cầu tự thân của cuộc sống những người thuộc thế hệ chúng tôi. Lý tưởng thì giống nhau, nhưng mỗi cán bộ, đảng viên có cách thể hiện khác nhau. Mỗi vị trí có những yêu cầu phẩm chất cụ thể khác nhau, nhưng tôi nghĩ là người cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào cũng phải luôn nêu cao trách nhiệm, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân; coi trọng thực tiễn, có tư duy đổi mới, nhạy bén phát hiện những nhân tố mới, chịu khó suy nghĩ, có các giải pháp thiết thực; sát cán bộ và hiểu cán bộ, gần gũi quần chúng; dân chủ thảo luận và phải coi trọng tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế; có lối sống khiêm tốn, cầu thị, liêm khiết, nhất là phải có tình thương yêu nhân dân và đồng chí của mình.

Nhân dịp năm mới, xin Đồng chí có đôi điều tâm sự với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng?

Đồng chí Vũ Oanh: Tôi nghĩ, về hưu mà chỉ phát biểu ý kiến thì tác dụng không nhiều, nên tôi xác định chọn việc gì để tiếp tục cống hiến. Là người làm công tác dân vận nhiều năm, tôi coi trọng các tổ chức xã hội. Phát huy vai trò của dân, các tổ chức của dân trong chiến tranh khác với trong hoà bình xây dựng. Nhưng nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đổi mới, nhất là khi một xã hội dân sự chưa phát triển ở nước ta. Đã từ lâu, tôi có nguyện vọng sâu xa và cháy bỏng là xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập, nòi giống được khỏe mạnh, thông minh để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Do đó, tôi đã đem hết tâm sức và thời gian để đóng góp với Đảng, cũng như chỉ đạo hoạt động của Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi và Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Đến nay, những ý tưởng đó đang hình thành trên đất nước ta và điều đó đã cổ vũ, động viên và khích lệ tôi rất nhiều.

Điều tôi muốn tâm sự với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng là, người cộng sản cầm súng chiến đấu là một sự bắt buộc để có độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đất nước ta qua chiến tranh lâu dài, rất gian khổ. Dân tộc đã có độc lập, thống nhất, tự do, hạnh phúc là vĩ đại, cống hiến cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển của nhân loại là to lớn, nhưng mất mát rất nhiều, hậu quả rất nặng nề, tụt hậu nhiều mặt. Vì lợi ích của dân tộc, của Đảng, cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước lịch sử, trước những người đã hy sinh, phải tu dưỡng, rèn luyện để làm tốt hơn. Thử thách trong hoà bình xây dựng chủ nghĩa xã hội có những khác biệt so với chiến tranh. Bác Hồ đã mong mỏi sao cho nước ta không chỉ thoát nghèo, mà phải “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Muốn vậy, phải tích cực đổi mới Đảng, xây dựng Đảng như thế nào trong giai đoạn mới, nâng tầm “trí tuệ, đạo đức, văn minh” để Đảng ta làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất