Nơi ấy có cô giáo Hà

Khi nói đến thành tích của một nhà trường, người ta không thể quên vai trò của các nhà giáo giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề. Cô giáo Trần Thị Hà (trong ảnh), Tổ trưởng tổ xã hội, Trường THCS Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) là một trong những người như thế.

Cô giáo Hà quê ở thị xã Thanh Hóa (TP.Thanh Hóa bây giờ). Bố mẹ sinh tới tám người con, Hà là thứ ba. Tuổi thơ của Hà là những năm tháng vất vả nhưng chăm ngoan, học giỏi. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa với tấm bằng loại ưu, Hà được tiêu chuẩn chọn trường. Quy định của trên là vậy nhưng ở thị xã không còn chỉ tiêu. Các trường ở những huyện vùng ven như Ðông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương xem ra không thể. Sau vài ngày suy nghĩ, Hà trả lời với tổ chức là xin đi dạy học ở miền núi. Ðiểm đến là huyện Như Xuân (sau này được tách thành hai huyện Như Xuân và Như Thanh). Mọi người bàn tán cho là Hà dại. Người ta đang tìm mọi cách để được công tác ở nơi thuận lợi. Ðằng này...

Cô giáo Hà nhớ lại: Ngày 6-9-1987, xe của trường đưa số giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp đi Như Xuân nhận công tác. Ðoạn đường dài 56 cây số, đến địa phận Như Xuân, đường xóc, Hà chóng mặt nôn nao vì lần đầu tiên cô thấy rừng, thấy suối. Nhiều cô giáo chưa quen xe, nôn thốc nôn tháo! Trụ sở Phòng Giáo dục nằm cheo leo trên quả đồi. Chẳng lâu sau, số đông nhận quyết định tỏa đi các nơi. Anh cán bộ tổ chức ở huyện nói với Hà: "Em được quyền chọn trường dạy, nhưng ở hai trường điểm của huyện, môn Văn-Sử đã dư giáo viên rồi. Hay Hà chịu khó đi xa hơn?". Hà ngơ ngác như chim chích lạc rừng. Vài bạn dạy môn tự nhiên cũng rất nhanh chóng được xếp về dạy ở trường thị trấn. Cuối cùng, Hà đồng ý đi Thượng Ninh.

Tròn 20 tuổi, nhẹ nhàng từ giã phố phường, Hà đến với rừng, về ngôi trường đèo heo hút gió. Lên đến đỉnh dốc Bích, gió rừng thổi u ú. Nghe nói cái dốc này mang tên một người lái xe xấu số.

Xã Thượng Ninh có đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Kinh chung sống nhưng điều kiện dân sinh, kinh tế còn nhiều khó khăn. Món ăn chủ yếu là sắn, măng luồng, con thú săn được trên rừng, con cá kiếm dưới khe. Ðường đi lối lại thì um tùm bụi dại, dây leo. Tuổi con gái bao mộng mơ, thế mà những đêm nghe tiếng mưa rừng rả rích, Hà buồn khôn tả! Thầy cô đến tháng về phố huyện nhận 13 kg lương thực thì hơn một nửa độn sắn hoặc khoai khô. Nhìn cửa hàng thương nghiệp treo biển "Có phân phối cá khô và mắm tôm cho giáo viên" mà chạnh lòng.

Dù vậy, giáo viên khó khăn còn có đồng lương san sẻ, nhìn trò đi học, Hà thấy thương quá. Nhiều bữa, Hà theo các em về nhà chia sẻ gánh nặng mưu sinh, tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương, nhất là học thêm tiếng dân tộc để dễ truyền đạt tri thức cho học sinh. Buồn nỗi, vẫn có em đang đi học, xin cô giáo nghỉ mấy hôm rồi ở nhà luôn để phụ giúp gia đình lúc giáp hạt "tháng ba, ngày tám". Có lần, trường tổ chức họp phụ huynh, một người rụt rè: "Cô giáo ơi thằng con tôi rồi có đọc và viết được không? Liệu mai này bọn nhỏ có phải lên rừng đào măng chạy bữa như bố mẹ chúng không?". Trước khó khăn, cô giáo trẻ càng gắng soạn bài cho chu đáo, "thổi hồn" từng giờ dạy, gần gũi học trò hơn. Sự cố gắng đã không uổng. Năm đầu mới vào nghề, cô giáo đã có một học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện.

Ðầu năm 1989, cô Hà được điều về dạy ở trường cấp 2 Phú Nhuận, nơi cách phố huyện 26 km. Năm ấy dân ở đây đói giáp hạt, ngày ngày rồng rắn ngược lên xã Phương Nghi mót sắn. Học trò ngoài buổi học, các em phải lên rừng ra rẫy giúp bố mẹ. Lo giữ sĩ số học sinh trong hoàn cảnh này mới nan giải làm sao. Phú Nhuận đông dân nhưng đất cấy được lúa không nhiều. Hồi ấy ngoài chỗ có thể tận dụng cấy lúa, còn lại đành bỏ hoang với bạt ngàn sim, mua. Ðất vùng này bên dưới có quặng nên cứng như sắt. Dân để con trẻ cho người già ở nhà chăm giữ, đi làm ăn xa. Lũ trẻ đến trường "trăm sự nhờ cô giáo"...

Với Hà, cô luôn tận tuỵ với công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu. Học sinh các lớp tự hào khi được học với cô, dù mấy năm gần đây, các môn xã hội vì nhiều lẽ chưa được các bậc cha mẹ và học sinh coi trọng. Vậy mà ở một xã thuần nông như Phú Nhuận, năm nào cũng có học sinh giỏi môn Văn cấp huyện hoặc tỉnh. Từ trang văn, cô giúp tâm hồn các em rộng mở, biết ghét, biết yêu và hướng thiện. Lớp lớp học trò xa mái trường, học lên, đi đây đó, luôn tự hào về cô giáo dạy văn của họ. Sinh ra lớn lên ở chốn đô thị nhưng cô giáo Hà yêu bản làng, gần ruộng đồng, "bỏ dép chân trơn" bám bờ ruộng đến nhà trò thăm hỏi, gần gũi bà con người dân tộc thiểu số.

Ðã 22 năm xa phố phường, thành người con dâu của đất rừng, cô Hà xem miền núi là quê hương thứ hai của mình. Ở nơi gian khó ấy có cô giáo Hà với nhiều cái nhất: nhất về số Bằng khen, phần thưởng của cấp trên, về số học sinh giỏi môn Văn cấp huyện và tỉnh, về sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp tỉnh, về sự gần gũi và tin yêu của người dân và lớp lớp học sinh... Từ năm 2004, cô đã là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm nay, cô được chọn làm giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn cấp huyện để dự thi cấp tỉnh. Mấy chục năm qua, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng lòng yêu nghề, yêu môn văn, mến con trẻ của cô giáo Hà không đổi thay.

Với cố gắng của riêng bản thân, hòa chung đóng góp của cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, Trường Phú Nhuận luôn được cấp trên và dư luận đánh giá là nơi có phong trào học tốt ở tốp trên của huyện. Tình trạng học sinh con em các dân tộc thiểu số bỏ học giảm dần. Nơi một thời bạt ngàn sim mua này đã có một làng được nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh. Mầu xanh của sự yên bình đã đến với đất này, bớt đi sự hoang vu.

Cô giáo Hà hiện là đảng viên, là công dân của làng Thanh Sơn, xã Phú Nhuận. Nhà riêng của cô lùi sâu trong xóm. Chồng cô là giáo viên dạy cùng trường. Hai con cô chăm ngoan, học giỏi. Cháu đầu vừa đỗ Ðại học Bách khoa Hà Nội với số điểm cao. Hai học sinh Trường THPT Như Thanh giỏi môn Văn quốc gia vừa qua, là học sinh cô Hà dạy ở cấp dưới. Thành đạt, uy tín như cô là nhờ có trái tim nhân ái.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất