Trồng rừng, chăn nuôi giỏi là học và làm theo Bác

Ấn tượng đầu tiên

Những ngày giáp Tết, để lại đằng sau những ồn ã, vội vã của Hà Nội, tôi về Yên Thế theo lời mời của một anh bạn. Qua Bố Hạ, đất trồng cam nổi tiếng một thời của Bắc Giang, không hiểu sao trong tôi cứ ngân nga mấy câu thơ:

“Cam xã Đoài mọng nước

Ruột vàng như mật ong

Bổ cam ngoài cửa trước

Hương bay vào nhà trong”.

Ngày trước, khi cam Bố Hạ còn là thứ cây “chính vụ”, “cây cứu đói” cho người dân nơi đây thì những ngày giáp Tết âm lịch, người buôn cam các tỉnh lân cận cứ ùn ùn kéo về Yên Thế, kĩu kịt từng chuyến xe thồ chở cam đi khắp các vùng trong cả nước. Dường như màu vàng của cam Bố Hạ có thể đem lại cho người mua sự sung túc-mơ ước cầu mong của tất cả người dân khi Tết đến xuân về. Thế nhưng, “vật đổi sao dời”, niềm tự hào một thời của người Yên Thế đã không còn. Đã có lúc, người dân nơi đây cố gây dựng lại cây cam nhưng không trụ được với những giống cam khác. Thế rồi, dân Yên Thế với miếng cơm manh áo mà quên đi những day dứt về cam. Những tưởng không còn “cây cứu đói” nữa, người Yên Thế cũng lao đao theo. Nhưng… Vẻ đẹp của những ngôi nhà mới, những quả đồi xanh mát, đường bê tông chạy dọc, ngang… khiến tôi tự hỏi: “Đồng rừng mà sao giàu vậy?”. Tôi ngỏ ý muốn gặp một hộ gia đình làm kinh tế giỏi, đồng chí Bí thư Huyện ủy liền dẫn tôi đến thăm cơ ngơi của Bí thư chi bộ bản Rừng Dài, xã vùng cao Tam Tiến, chị Phan Thị Hạnh - người mà theo anh, làm ăn giỏi, giàu nghị lực. “Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tổng cục dạy nghề Việt Nam, chị được mời là đại biểu danh dự. Chị có bản tham luận về cách chăn nuôi gà đồi Yên Thế, hay đến nỗi khi trình bày xong, phóng viên ào đến xin phỏng vấn”.

Từ ngôi nhà 2 tầng xây chưa lâu, nữ chủ nhân ra đón khách. Thấy chị Hạnh, tôi thầm nghĩ: Người thanh mảnh thế kia mà sao cùng một lúc vừa chăm nom công việc gia đình và 4 ha đất trồng rừng, nuôi gà đồi lại vừa làm Bí thư chi bộ của một bản có trên 700 nhân khẩu? “ở đồng đất này, nếu không biết cách làm ăn cũng đói lắm. Đói thì bảo chẳng ai nghe, không công tác được”, chị bộc bạch. Từ suy nghĩ ấy, người phụ nữ nông dân quyết tâm làm giàu từ chính đồng đất của ông cha mình.

Vươn lên bằng con đường tự học

Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết chị đã học xong bổ túc cấp 3, sơ cấp thú y và vừa hoàn thành chương trình cao đẳng thú y tại tỉnh. Phụ nữ nông dân học không phải là dễ dàng. Trẻ học đã khó, có tuổi càng khó, vất vả hơn. Qua tâm sự, tôi biết: Chị tuổi Mùi, năm nay sang tuổi 44. Học hết cấp 2, chị lấy chồng cùng cảnh nghèo người Tam Hiệp. Chị bàn với chồng đến bản Rừng Dài, Tam Tiến tìm đất. Ngay từ hồi trẻ, chị đã ao ước sau này mình cũng được làm chủ một mảnh đất rộng để tha hồ mà chăn nuôi, trồng trọt. Có đất rồi, chị bắt đầu chăn nuôi. Những lúc gà ốm, lăn ra chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân, chị thấy cần phải hiểu biết về gà, bệnh tật và cách phòng chữa bệnh cho gia cầm thì mới mong làm giàu được.

Suy nghĩ ấy cứ thôi thúc chị phải học. Càng học, chị càng thấy thiết thực, càng say. Thế là năm 2000, chị đi học bổ túc văn hóa cấp 3. Khoảng thời gian ấy cả nhà chị đều “cùng tới trường”. Chồng con động viên, giúp đỡ chị việc nhà để chị chuyên tâm học. Vừa học chị vừa nuôi nhiều gà hơn. Nuôi gà trở thành niềm đam mê, vừa hứng thú vừa cho thu nhập cao. ở đồng đất cát, lãi từ nông nghiệp thật khó. Vải thì càng ngày càng rẻ. Nuôi gà là phù hợp.

Ba năm sau, chị đi học sơ cấp thú y. Lãnh đạo huyện hỗ trợ bà con nông dân bằng cách không thu tiền học phí, hỗ trợ bữa cơm trưa. Chủ trương đúng đắn của huyện không chỉ giúp gia đình chị mà còn giúp rất nhiều gia đình khác. Sự học không bao giờ là cùng! Càng học, chị càng muốn học lên cao hơn.

Năm 2005, chị thi vào lớp Cao đẳng Thú y tại trường Trung cấp dạy nghề tỉnh Bắc Giang. Tại đây, dù tuổi cao nhất nhì lớp, học cùng với những bạn trẻ, nhưng bao giờ chị cũng đứng đầu lớp. Nhờ học tập xuất sắc cùng kết quả từ mô hình kinh tế vườn đồi, chị được Tổng cục dạy nghề Việt Nam mời đích danh lên báo cáo điển hình trong dịp Kỷ niệm 40 năm thành lập Tổng cục.

Trồng cây tới ngày hái quả

Chị nghĩ: “Cũng là mảnh đất, con người Bắc Giang, sao Lục Ngạn đi lên từ đất, từ cây, ta lại không?”. Thế là chị bắt tay vào trồng vải. Rồi chị thả gà dưới tán vải. Gà ăn và đậu dưới tán vải, phân gà bón cho cây. Mới đầu nuôi thử vài chục con, rồi vài trăm con. Cho tới nay, chị nuôi khoảng 6.000 con. Việc tiêm phòng cho đàn gà, chị tự làm.

Nhiều hộ trong bản rồi các xã khác trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, học tập. Có người ở tận Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng về thăm rồi gọi điện, học làm theo, mà làm được, làm tốt… Chị không bao giờ giấu cách làm giàu của mình. Chị luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo đến nơi đến chốn cho những người có cùng niềm say mê. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết: Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trịnh Thị Nương dẫn cả một đoàn cán bộ tới Yên Thế nhờ giúp đỡ, truyền kinh nghiệm. “Năm vừa rồi, Yên Thế đón rất nhiều đoàn. Nhờ những mô hình chăn nuôi, trồng rừng, Yên Thế đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng mỗi năm”.

Tính ra mỗi năm chị xuất khoảng 4 lứa gà. Trung bình mỗi tháng chị lãi gần trăm triệu đồng. Với 4 ha rừng trồng keo, bạch đàn, hằng năm chị cũng thu về hàng trăm triệu. Những ngày giáp Tết, nhu cầu về gà tăng cao. Vụ Tết năm ngoái, chị xuất gần 6 tấn gà. Tết Tân Mão này, chị ước tính sẽ xuất khoảng gần chục tấn. Nếu chịu khó làm ăn, giá cả bình ổn, khoảng trên 50 nghìn/kg thì riêng vụ Tết chị cũng thu về được hơn một trăm triệu tiền lãi từ gà. “Bây giờ nếu chịu khó làm ăn, học hỏi thì người nông dân không sợ đói, sợ khổ”, chị nói. Lúc tôi đến, chị đang bàn với chồng xem nên mua thêm ôtô gì để chở hàng hóa cho phù hợp với công việc làm ăn của gia đình cũng như địa hình nơi đây. Cuộc sống của người nông dân Yên Thế đã khá lên thật rồi!

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Năm 1998, chị tham gia sinh hoạt ở Hội Phụ nữ xã. Hăng hái, không nề hà, làm được việc, một năm sau, chị được bà con bầu làm Chi hội trưởng. Trong vai trò này, chị tham mưu, giúp Đảng ủy xã tổ chức nhiều phong trào, đưa hoạt động của Hội ngày một phong phú, thiết thực với đời sống của người dân. Hội đã giúp phụ nữ xã không chỉ vươn lên về kinh tế mà cả tinh thần, động viên chị em tham gia các đêm văn nghệ, mít tinh nhân các ngày lễ lớn. Chồng con các chị cũng phấn khởi, vui lây. Nhờ thế, xã không có khiếu kiện, tệ nạn xã hội giảm đi đáng kể.

Gia đình chị đã trở thành một cơ sở chăn nuôi-kinh doanh khép kín ở Tam Tiến: Cung cấp gà giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, cách chữa. Hộ nào cần gì, chỉ cần nhấc điện thoại là xe chở đến tận nơi; nếu gà ốm hay có vấn đề về chăm sóc thì chị đến. Những gia đình được chị giúp đỡ đều làm ăn có lãi, dần khấm khá lên. Hộ nào không có tiền mua giống, chị cấp cho bằng gà giống, thức ăn. Đến đợt thu hoạch, chị mới lấy tiền. “Làm kinh tế đã giúp ích rất nhiều cho công việc ở xã, mình tự làm giàu được, nói dân dễ nghe”, chị tâm sự.

Ngày 18-6-2004, chị gia nhập Đảng. Đây là niềm vui lớn nhưng cũng lại là một thử thách lớn trong đời chị. Chị thấy mình càng phải công tác và làm kinh tế tốt hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu của bà con và đồng nghiệp. Cũng như chăn nuôi gà và trồng rừng, càng làm càng ham, càng công tác càng muốn cống hiến nhiều hơn.

Năm 2006, tự ứng cử chức trưởng bản, vượt qua nhiều ứng cử nam khác, chị trở thành trưởng bản xã vùng cao Tam Tiến. Chị cũng ngại lắm, mình là phụ nữ, là vợ, là mẹ... Nhưng có sự động viên, giúp đỡ từ chồng, con, chị mạnh dạn làm. Giờ chị đã trở thành bí thư chi bộ của bản vùng cao này. Công việc nhiều, chị đã gây dựng một đồng chí khác trong chi bộ làm trưởng bản. Tâm sự với tôi, chị nhắc đến hai con với sự vừa lòng của một người mẹ khi có những đứa con ngoan. Cháu gái đầu lòng đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Thú y của tỉnh, theo nghề mẹ, về công tác ở huyện. Cháu trai thứ hai, đang trong quân ngũ, thuộc Lữ đoàn 382, đóng quân tại Thái Nguyên. Sau những buổi làm việc căng thẳng, nhìn đàn gà, nhìn những cánh rừng đang lên xanh, chị thấy lòng mình nhẹ hẳn. Tiếp chuyện tôi, chị cho biết chị vui lắm vì vừa “lên chức” bà ngoại. Đôi mắt chị ánh lên niềm vui của một người phụ nữ hạnh phúc. Chúc mừng chị, người phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Học và làm giàu là học và làm theo Bác

Chị muốn thể hiện lòng mình bằng cách: Treo cờ Tổ quốc. Chị treo cờ quanh năm suốt tháng, rách thì mua mới, treo cờ cả ở nhà và ở trang trại. Bà con tặng chị mấy chữ “lúc nào cũng cách mạng” khiến chị thấy vui và hạnh phúc. Làm theo Bác, chị thấy rất thiết thực và bổ ích. Theo Bác, chị hăng hái vận động những người khác cùng làm theo: “Ai cũng có thể làm theo Bác từng ngày, từng giờ. Bác vĩ đại mà cũng giản dị lắm. Đối với bà con mình, cứ chăn nuôi, trồng rừng giỏi là làm theo Bác rồi”.

 Làm công tác đảng chị có nhiều niềm vui nhưng cũng có một kỷ niệm buồn. Đó là trường hợp một đồng chí đi làm ăn xa, chuyển sinh hoạt đảng không xong, một mực xin ra khỏi Đảng. Đồng chí này vốn gương mẫu, chịu khó phấn đấu, biết nghĩ cho tập thể… Nhưng do không tham gia sinh hoạt thường xuyên được, buộc phải xóa tên.

Tôi dừng lại trước những hàng giấy khen, bằng khen treo dày đặc trong phòng khách nhà chị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen chủ trang trại gia cầm xuất sắc năm 2008; Hiệp hội Gia cầm Việt Nam tặng Bằng khen cơ sở chăn nuôi gia cầm điển hình năm 2008; Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang tặng giấy khen có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân sáng tạo sản xuất kinh doanh giỏi năm 2009; Tỉnh ủy Bắc Giang tặng giấy khen thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Cầm trên tay mấy tấm giấy mời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội làm vườn Việt Nam…, chị tiễn tôi mà không giấu được vẻ tiếc nuối khi không về Hà Nội dự được theo mấy lời mời này. Bởi chị muốn về giao lưu, học hỏi và xem có chia sẻ được kinh nghiệm gì cho nông dân ở những vùng khác nhau trên đất nước cùng thoát nghèo, làm giàu cho Tổ quốc. Chia tay, tôi nhớ mãi lời chị: “Người nông dân mình khổ nhiều rồi, phải học để vươn lên làm giàu từ chính đồng đất của mình chứ em. Học Bác có khó gì đâu, có thể học Bác từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chăn nuôi, trồng rừng giỏi chính là học và làm theo Bác!”. Chị như một bông hoa đẫm hương đồng gió nội, góp phần tô điểm cho những cánh rừng, những quả đồi trên mảnh đất quê hương Đề Thám thêm hương sắc. Tết đang đến dần, trời lạnh thêm, những đợt gió mùa đông bắc đang về. Mong cho thời tiết bớt lạnh, bớt khắc nghiệt cho đàn gà, rừng vải, rừng cây nhà chị không khiến chị phải vất vả, lo lắng nhiều! Mong cho “thương hiệu” gà đồi Yên Thế đứng vững trên thị trường để những người nông dân chân chính như chị được hưởng đúng giá trị của sản phẩm mình làm ra…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất