Tủ sách văn hóa của cụ bà 80 tuổi đời, 63 năm tuổi đảng

"Được tin nhà văn hóa thôn xây dựng, cụ bà ấy đã tự tay gom góp những cuốn sách quý do mình giữ gìn sau bao nhiêu năm công tác rồi bao gói cẩn thận mang về quê. Cụ đã tâm sự với lãnh đạo thôn về ý nguyện muốn nhà văn hóa thôn có một tủ sách để nhân dân trong thôn hằng ngày tới đọc, mở mang hiểu biết. Bà còn đem số tiền 10 triệu đồng tiết kiệm được tặng cho nhà văn hóa thôn để xây dựng tủ sách". Theo lời kể của một người bạn, chúng tôi đã tìm về thôn Từ Tây (xã Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên) đúng dịp thôn khánh thành nhà văn hóa và may mắn gặp được bà.

 

Bà Nguyễn Thị Chinh (tức Vân) là cán bộ lão thành cách mạng, năm nay đã hơn 80 tuổi đời và 63 năm tuổi đảng (ảnh). Bà là vợ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - Lê Thành, quê gốc ở xã Yên Phú. Hiện bà đang sinh sống cùng con cháu tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về bà là bộ quần áo giản dị, mái tóc bạc phơ được cắt ngắn gọn gàng, và dù mắt đã mờ, chân chậm nhưng bà vẫn rất minh mẫn và luôn giữ nụ cười hồn hậu trên môi.

Tham gia hoạt động cách mạng ở thôn, xã từ khi mới 16, 17 tuổi, đến năm 1947, bà được cử đi công tác tại Nam Định. Năm 1965 bà về làm việc ở Ủy ban Trung ương MTTQVN, chức vụ Phó ban Tôn giáo và công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu.

Tuy sống tại Hà Nội nhưng với tấm lòng của người con xa quê, bà vẫn thường xuyên về thăm quê và luôn quan tâm đóng góp cho quê hương, nhất là khi việc làng, việc họ chẳng bao giờ thấy bà vắng mặt. Bà cười hiền hậu tâm sự: "Tôi luôn tâm niệm ngày nào còn sức khỏe, còn có thể giúp ích cho quê hương, cho xã hội thì vẫn cố gắng làm". Bởi thế mà dù sống tại Hà Nội nhưng bà cũng là hội viên người cao tuổi của địa phương, mỗi lần về quê bà lại có thêm một việc làm tốt để đóng góp cho quê hương như: giúp đỡ hộ nghèo, quyên góp tu sửa đình làng, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ... Kể cả mấy năm nay, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt vì bệnh gai vôi cột sống nhưng bà Chinh vẫn đều đặn về thăm quê, thăm nom họ hàng, làng xóm.

Mấy chục năm công tác, được đi làm việc tại một số nước như Liên-Xô, Đức, Hung-ga-ri... bà đã tích góp được một thứ tài sản vô giá là sách. Sách là sở thích cũng là đam mê của bà, bà quan niệm đọc sách là để thêm hiểu biết, để phục vụ công việc, cuộc sống và giải trí bổ ích. Học tập tấm gương của Bác Hồ về thói quen đọc sách báo hàng ngày, bà Chinh đã rèn luyện và giữ được thói quen, sở thích ấy cho đến tận bây giờ. Bà còn dạy bảo con cháu làm theo, gần đây nhất, khi về thăm quê thấy nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, bà Chinh mong muốn đóng góp "kho tài sản" mấy trăm cuốn sách của mình để nhà văn hóa có một tủ sách cho nhân dân.

Bà đã tự tay chọn lựa từng quyển sách, bao gói cẩn thận rồi mỗi lần về quê lại mang theo một ít, đến nay đã có khoảng 400 - 500 cuốn sách được chuyển về với đủ các loại khác nhau, từ lịch sử, văn hóa, khoa học cho tới thông tin, giải trí. Chính quyền thôn Từ Tây và nhân dân đều rất phấn khởi, đặc biệt là các cụ cao tuổi và thanh thiếu niên. Nhà văn hóa thôn nay lại có thêm một tủ sách quý sẽ càng phát huy được vai trò trong các hoạt động văn hóa - xã hội của thôn, nhất là nhân rộng văn hóa đọc ở cộng đồng. Bà Chinh cũng hi vọng rằng, với những đóng góp ban đầu này sẽ giúp nhân dân trong thôn thêm hiểu, thêm yêu sách báo và từ đây phát triển tủ sách ngày càng phong phú hơn.

Việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của một cụ bà, một đảng viên 80 tuổi không những là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo mà còn khích lệ rất lớn cho phong trào học tập ở cộng đồng. Mô hình tủ sách văn hóa tại thôn Từ Tây là một mô hình tốt đáng để các địa phương khác trong cả nước học hỏi để văn hóa đọc và tinh thần học tập ngày càng được phát huy sâu rộng trong nhân dân. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất