Ngọn đèn sáng mãi
NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn giới thiệu về Khu di tích Đền Đô với khách tham quan. (Ảnh: Quốc Khánh)

Về Đền Đô vào một sáng giữa thu, tôi tìm gặp Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn không gì là khó khăn bởi cả huyện Từ Sơn hay rộng ra là cả tỉnh Bắc Ninh không ai không biết thầy giáo Nguyễn Đức Thìn.

Đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, dẫu mái tóc đã bạc nhưng người thầy giáo làng năm xưa, người hướng dẫn viên di tích Đền Đô bây giờ vẫn nhanh nhẹn, dẻo dai, giọng nói vẫn sang sảng. Tôi cảm giác như thầy vẫn có thể đứng trên bục giảng say sưa với những trang giáo án giảng văn trong vài tiết liền không nghỉ mà chẳng hề lạc giọng.

Trò chuyện với người thầy giáo năm xưa ấy có cái gì lạ lắm, sôi nổi, truyền cảm, cuốn hút khiến người nghe như uống lấy từng lời. Chả thế mà có học trò ngày trước nghe thầy giảng về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hay đến nỗi sau này lên công tác ở mảnh đất Điện Biên, viết thư cho thầy vẫn nhắc lại ấn tượng về Điện Biên oai hùng qua bài giảng năm nao giờ vẫn nguyên những cảm xúc, bồi hồi xen lẫn tự hào. Thầy đã tạo ra trong lòng mỗi thế hệ học trò niềm tin vào con người, giúp cho học trò thấy được vẻ đẹp của cuộc sống mà chính cuộc đời thầy là một trải nghiệm. Bởi dạy học chính là dạy làm người.

Suốt buổi trò chuyện về sự nghiệp, về công việc và trách nhiệm, thầy lúc nào cũng nhắc đến với tư cách là một người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Nhật ký ghi ngày 24-3-1963, thầy viết: “Tôi đã là đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, tôi mong muốn hơn lúc nào hết bây giờ phải trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam...”. Và nhật ký ngày 10-7-1965 thầy lại ghi: “Hôm nay tôi đã là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam. Dù mong muốn từ lâu nhưng tôi cũng thật bất ngờ… Vậy là lại một bước ngoặt trên đường đời. Giờ tôi là đảng viên, Đảng đã tin tôi, tôi phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”.

Hơn 20 năm trong nghề dạy học, phong trào Nghìn việc tốt do thầy khởi xướng và phát động từ trường Liên Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) đã bước sang năm thứ 16 và lan thành phong trào của thiếu nhi cả nước, còn biết bao dự định, mơ ước. Vậy mà… Giữa những ngày cuối năm 1979, ngay trong phòng khám bệnh, thầy đã viết những dòng thơ để chia sẻ, động viên bạn nhưng cũng là động viên chính mình trong nỗi đau đớn tột cùng khi biết mình mắc bệnh phong:

"Bạn yêu tha thiết cuộc đời
Dẫu bệnh phong, chớ buông rơi lòng mình
Cuộc đời - yêu nó nó xinh
Tình yêu vẫn đẹp do mình chăm vun”.

39 tuổi, vào trại phong Quỳnh Lập, mang nỗi đau của một con bệnh “tứ chứng nan y”, nhưng thầy không buông xuôi, không ngày nào không chiến đấu bởi như thầy tự nhủ “muốn chiến thắng bệnh tật, trước nhất mình phải tự chiến thắng mình”. Thầy hăng say với công việc, vẫn làm thơ, làm trách nhiệm của bí thư chi bộ bệnh nhân. Thầy luôn sát cánh bên các bác sĩ, tham mưu với lãnh đạo bệnh viện tìm mọi cách tổ chức cuộc sống xã hội cho người bệnh để khi được hòa nhập, trở về, họ có thể xóa đi mặc cảm, thành kiến và sống tốt hơn.

Thấy trẻ ở trại phong đang trong tuổi cắp sách đến trường mà phải chịu thiệt thòi, thầy đã đề xuất với lãnh đạo bệnh viện thành lập trường học. Lãnh đạo bệnh viện từ Ban giám đốc đến Đảng ủy hưởng ứng ngay sáng kiến của thầy Thìn, dành hẳn 6 dãy nhà làm lớp học và chỗ ăn ở cho các cháu. Trường học của làng phong Quỳnh Lập được mang tên người anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám ra đời gồm 1 lớp vỡ lòng, 2 lớp 1, 2 lớp 2, 1 lớp 3 và 1 lớp 4. Việc tổ chức, chỉ đạo để trường đi vào hoạt động do bí thư đảng ủy, các phó giám đốc cùng thầy “Hiệu trưởng tự phong” Nguyễn Đức Thìn đảm nhận. 9 bệnh nhân phong từng là nhà giáo đã tình nguyện lên lớp dạy các em. Tuy vất vả, khó khăn nhưng thầy Thìn và các nhà giáo bệnh nhân lại thấy yêu đời hơn khi làm được một việc có ích, nhất là cho những trẻ em bị thiệt thòi. Phong trào thi đua học tập, làm “Nghìn việc tốt” của trường phong Quỳnh Lập cũng sôi nổi không kém. Liên đội thiếu niên trường Lê Văn Tám đã trở thành một liên đội điển hình của thiếu niên huyện Quỳnh Lưu thời ấy. Cuộc sống của bệnh nhân phong hồi đó quá khó khăn, lãnh đạo bệnh viện nhiều lần lên huyện đề nghị trợ cấp vẫn không được. Với cương vị bí thư chi bộ bệnh nhân, thầy đã xin phép được lên gặp thường trực huyện ủy trình bày về đời sống gian truân, khổ cực của bệnh nhân phong. Nghe thấu tình, đạt lý, huyện đã cử đoàn cán bộ về trực tiếp xem xét và giải quyết tiêu chuẩn tại chỗ cho người bệnh.

Năm 1981, năm Quốc tế những người tàn tật, Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị khoa học và nhân đạo về bệnh phong” tại bệnh viện, được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng giao trách nhiệm, thầy đã sưu tầm tư liệu hình ảnh và hiện vật dựng phòng truyền thống “Quỳnh Lập vì sức khỏe và hạnh phúc người phong” được hội nghị rất hoan nghênh. Có thể nói, “Suốt 4 năm ở trại phong Quỳnh Lập, (1979 - 1983) tôi không hề để phí một ngày sống” - Thầy Thìn khẳng định khát vọng cuộc sống như vậy.

Ngay từ thủa nhỏ, lúc nào thầy cũng tâm niệm phải làm theo lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Vì thế cả cuộc đời, thầy lúc nào cũng cống hiến, dựng xây. ở thời điểm bị bệnh phong, học tập và làm theo Bác, đối với thầy sâu sắc nhất, thiết thực nhất là tư tưởng “tàn nhưng không phế”. Thầy lấy bút danh Lý Hiếu Nghĩa, tức là một người con họ Lý phải sống có hiếu, có nghĩa.

Từ trại phong Quỳnh Lập chiến thắng bệnh tật trở về, dẫu mang di chứng (đôi bàn tay bị liệt thần kinh cảm giác, đánh vi tính phải cầm bút gõ vào bàn phím) thầy vẫn hết sức yêu đời:

“Theo nhịp tim gõ máy
Những con chữ hiện lên
Rất gần và rất xa
Là bài ca cuộc sống”.

Trở về trường Tam Sơn tiếp tục đứng lớp, với tính cách của người quen khuấy động phong trào… thầy lại đề nghị với Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường thành lập “Phòng truyền thống”, lập nhanh “Tổ Sử học trẻ”, tổ chức Hội thi tuyên truyền viên đề tài “Tuổi trẻ Tam Sơn thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”. Và thầy lại được chi bộ trường Tam Sơn bầu làm bí thư, được bầu là chiến sĩ thi đua ngành giáo dục tỉnh Hà Bắc bấy giờ.

Tháng 8-1984, sau 23 năm dạy học và xây dựng phong trào Đoàn, Đội ở Tam Sơn, thầy Thìn được chuyển về dạy học ở quê nhà Đình Bảng. Về quê với thầy là để sống, lao động và cống hiến. Thầy Thìn lại thành lập “Phòng giáo dục làm theo lời Bác”, thành lập “Tổ Sử học trẻ” Đình Bảng, bồi dưỡng những thuyết minh viên phòng truyền thống có trí có hồn và giúp các địa phương khác cùng làm theo Đình Bảng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, làm theo lời Bác Hồ dạy: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thầy Thìn đã đọc hàng trăm sách tham khảo để sưu tầm những tư liệu liên quan đến lịch sử địa phương và thầy đã viết cuốn “Lịch sử xã Đình Bảng”, góp phần giáo dục truyền thống quê hương…


Kể làm sao cho hết những đóng góp của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn trong suốt 33 năm đứng trên bục giảng, làm theo lời Bác. Tâm sự về nghề, lúc nào người thầy giáo làng xưa, người đảng viên gần 50 năm tuổi đảng bây giờ cũng đau đáu: “Thầy giáo phải thắp sáng lên trong lòng các em tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, yêu nhân dân… Phải mở mang tri thức, khơi nguồn cảm hứng để giảng dạy tốt và truyền tình cảm say mê này cho các em để chính học sinh cũng luôn từ mục đích học tập mà tạo lấy cảm hứng học tập tốt. Thầy và trò tự làm chủ mình giúp nhau say mê và sáng tạo”. Dẫu giờ là cựu giáo chức, trong cuộc trò chuyện, thầy vẫn nhắc đến nền giáo dục nước nhà với bao âu lo…

Trở về đời thường, hưu mà không nghỉ, người cựu giáo chức ấy lúc nào cũng thể hiện một nghị lực tuyệt vời, tấm lòng đầy nhiệt huyết, sự hăng say dù tuổi đã cao. Làm hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách hiểu về di tích Đền Đô, đi thăm thú cảnh trí non sông đất nước, nói chuyện lịch sử nước nhà ở những nơi dấu in chân thầy... Thầy cho rằng mình vẫn làm nhiệm vụ của một nhà giáo, tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Hoạt động tuyên truyền, giới thiệu có sức hấp dẫn về di tích Đền Đô, theo thầy, cũng là hoạt động giáo dục và là khoa học giáo dục truyền thống. Vì thế, khi bồi dưỡng các thế hệ họ trò của mình để cùng thầy và sẽ thay thầy làm hướng dẫn viên khu di tích Đền Đô, thầy Thìn đều yêu cầu học phải thấm nhuần tư tưởng: Muốn gọi người Hành hương về nguồn thì mình cần nhất phải có tâm, tầm và trí. Tâm phải sáng, tấm lòng phải rất chân thành. Tầm là biết nhìn xa trông rộng. Trí là phải hiểu sâu xa lịch sử. Còn nghệ thuật truyền cảm chính là ở sự bình dị mà sôi động mang hùng khí Thăng Long, sâu đậm truyền thống dân tộc. Phải nắm vững tinh thần của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc...


Với chiếc máy ảnh trên tay, cùng tài năng, niềm yêu thích, sự hăng say, thầy Thìn đã chụp được những bức ảnh xuất thần, viết được những câu thơ rạo rực lòng người về Đền Đô, cùng với giọng nói truyền cảm, khuôn mặt tươi tắn, rạng ngời của thầy đã khiến bao du khách trong và ngoài nước đến Đền Đô hành hương về nguồn một lần lại muốn đến nhiều lần nữa.

Tạm biệt Đền Đô, nắm đôi bàn tay mang di chứng bệnh phong của người giáo làng năm xưa, ngước nhìn nơi thờ 8 vị Vua triều Lý, trong tôi biết bao suy ngẫm. Linh cảm nghề nghiệp như mách bảo tôi: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp đến gần, hình như thầy cũng đang nghĩ về nghề dạy học, về người thầy giáo, nhớ về những ngày đầu tiên vào nghề, những tiết học đầu đứng trên bục giảng, nhớ những lần phải chia tay học trò, được học sinh gào to: “Chúng em muốn học thầy Thìn” mà rưng rưng, xúc động. Cuộc đời thầy, sự nghiệp nhà giáo của thầy khiến tôi nhớ đến ngọn đèn nhưng là ngọn đèn sáng mãi trong một tác phẩm cùng tên của nhà văn Lỗ Tấn. Thầy như ngọn đèn không bao giờ tắt, đã và đang tiếp tục soi sáng, dẫn dắt bao thế hệ học trò tự tin, vững bước trên đường đời.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất