Người đảng viên “Tổ xoá nghèo” gương mẫu
Mô hình phát triển tiều thủ công nghiệp xoá đói giảm nghèo trên quê hương Nam Đông
76 tuổi đời, hơn 40 tuổi đảng, nhưng ngày ngày, ông Hồ Tứi, nguyên Bí thư Huyện uỷ Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ kỹ, đến tận các bản làng xa xôi, giúp bà con người dân tộc thiểu số cách làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Ông được bà con dân bản tin yêu, cảm phục, là người đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Ngôi nhà nhỏ của ông Hồ Tứi, ở xã Thượng Lộ, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm khuất sau vườn cây ăn trái xanh tươi. Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông xứ Huế, Hồ Tứi vẫn cặm cụi cuốc xới, chăm sóc mấy cây chuối, cây bưởi để kịp bán vào dịp Tết. Dừng tay cuốc, Hồ Tứi say sưa kể về những ngày tham gia công tác cùng "Tổ xoá nghèo" ở địa phương.
Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, Hồ Tứi tham gia công tác vận động phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói giảm nghèo. Đi nhiều, biết nhiều, chứng kiến cảnh đồng bào nghèo đói, lạc hậu, trong khi mình vẫn còn sức khoẻ, vậy là Hồ Tứi bắt tay vào thực hiện và “Tổ xoá nghèo” huyện Nam Đông ra đời từ đó. “Chúng tôi tuyên truyền cho nhân dân, cho cán bộ, đảng viên các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi đi xuống vận động nhân dân về công tác chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, từ đó bà con  áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi”- ông Hồ Tứi cho biết. 10 năm qua, đôi chân của đảng viên Hồ Tứi và 6 thành viên trong “Tổ xoá nghèo” đã in dấu khắp các bản làng xa xôi của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hồ Tứi nói rằng: “Mình cũng là người dân tộc nên nói bà con dễ nghe, dễ hiểu. Tuy nhiên, không thể nói suông mà phải bắt tay làm trước, kinh tế nhà mình có vững vàng thì bà con mới tin và nghe theo”. Bà con tin, làm theo những điều ông hướng dẫn, một vài hộ, sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, vậy là những hộ khác làm theo. 
Ông Phạm Văn Ái, ở thôn La Hố, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông cho biết: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Hồ Tứi nhiều lần đến vận động cải tạo vườn tạp để trồng cây chuối, cây sắn. Nhà nước cũng cho vay vốn nên mình nghe theo Hồ Tứi nuôi bò, nuôi lợn. Bây giờ nhà mình có 2 ha keo, vườn chuối đang thu hoạch, 3 con bò, 5 con lợn, mỗi năm thu hoạch hơn 20 triệu đồng, có tiền cho con cái học hành”. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Nam Đông sống theo lối du canh du cư, trồng cây sắn, cây mía chỉ biết cắm xuống đất, nuôi con bò, con lợn thả rông cả năm không lớn. Đã vậy, một số hủ tục lạc hậu lại cứ đeo bám mãi cuộc sống của bà con. Từ ngày “Tổ xoá nghèo” được thành lập và có cách làm riêng hợp lòng dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo của núi rừng.
Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: “Chúng tôi mời 2 đồng chí nguyên là bí thư huyện uỷ qua các thời kỳ vào tổ vận động. Chúng tôi cung cấp văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để các cụ về tuyên truyền, vận động ở các địa bàn dân cư. Tôi cho rằng tổ vận động này hoạt động rất hiệu quả, vì các cụ là những người có kinh nghiệm, có uy tín”.
10 năm tích cực tham gia “Tổ xoá nghèo”, nay tuổi đã cao, sức yếu, Hồ Tứi xin thôi không làm tổ trưởng “Tổ xoá nghèo” của huyện nữa. Thế nhưng, ông luôn bảo rằng “ Ngày nào còn đi được là ông còn đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi nhất của huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất