Chuyện về vị tướng công an làm kinh tế giỏi



Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp.

Người cách mạng kiên trung

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp sinh năm 1928 tại làng quê có truyền thống cách mạng bên bờ sông Kinh Thầy (huyện Kinh Môn, Hải Dương). Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc mà gia đình lại đông con nên từ nhỏ ông đã ý thức được trách nhiệm với cha mẹ, quê hương. Nghĩ là làm, năm 13 tuổi, ông đã xin về Hải Phòng giúp việc cho nhà bác họ để vừa đỡ miệng ăn cho gia đình vừa có điều kiện học nghề. Đặt chân đến thành phố Cảng, được tận mắt chứng kiến cuộc sống sung túc của ông "tây", bà "đầm" và những kẻ thân "tây" trong khi người dân, đặc biệt là những dân phu ở bến cảng bị bóc lột đến tột cùng, ông đã vô cùng phẫn uất.

Chính vì vậy, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông đã hòa vào dòng thác cách mạng đang sục sôi trên đất Cảng với nhiệm vụ liên lạc ở Đội tự vệ khu Trưng Trắc. Khi Việt Minh giành được chính quyền, hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, ông trở về quê mở lớp bình dân học vụ và tiếp tục hoạt động tại địa phương. Nhờ có trình độ, biết đánh máy chữ mà sau đó không lâu ông được đưa về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Yên (cũ). Khi vừa tròn 20 tuổi, ông được kết nạp Đảng và được đưa vào diện cán bộ dự trữ của Khu ủy Việt Bắc.

Thế rồi, cơ duyên đưa đẩy đã khiến ông gắn bó với con người, vùng đất Tây Bắc khi ông được phân công làm Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, Chính trị viên Huyện đội, Chính trị viên Đại đội 810 và là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến huyện. Do địa bàn vùng biên khá hiểm trở, thường xuyên chịu sự chống phá của địch, người cán bộ miền xuôi ấy đã lăn lộn bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lựa chọn những người trung kiên để thành lập các Ủy ban Kháng chiến hành chính xã, trưởng bản; tổ chức xây dựng cơ sở quần chúng trong thanh niên, phụ nữ, nông dân... cùng với bộ đội địa phương. Những nỗ lực ấy đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị hậu phương, huy động sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Với những công lao to lớn ấy mà ngay sau chiến dịch, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba.

Khi tỉnh Lai Châu được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Phó Ty Công an tỉnh Lai Châu phụ trách công tác an ninh, ông đã chỉ đạo nắm tình hình, xây dựng lực lượng an ninh ở cơ sở, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới và đã bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động gián điệp, âm mưu lật đổ, cướp chính quyền của nhân dân ta. Có thể nói đó là giai đoạn đầy biến động trong cuộc đời cũng như sự nghiệp cách mạng của ông khi phải đấu tranh cam go, thử thách với kẻ thù, góp phần làm thất bại âm mưu chiến lược của CIA và ngụy quyền Sài Gòn, giữ vững cuộc sống bình yên cho đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Đặc biệt, ông đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia nhiều kế hoạch đấu tranh chuyên án, truy bắt, tổ chức “trò chơi nghiệp vụ”, câu nhử, bắt giữ gián điệp, biệt kích do địch thả xuống địa bàn, trong đó có 2 chuyên án PY27 và LH17 do Bộ Công an chỉ đạo. Thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống bọn biệt kích, gián điệp của Công an các tỉnh Lai Châu, Sơn La và một số địa phương khác vùng Tây Bắc đã góp phần quan trọng đập tan âm mưu của kẻ thù phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Cuối năm 1988, khi đang trên cương vị Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, quân hàm Đại tá, ông được điều động về Bộ Công an giữ chức Cục trưởng Cục Chống phản động (A16). Thời điểm ấy, đất nước đang bước vào thời kì đổi mới đầy khó khăn, việc một sĩ quan công an được phong tướng là rất hiếm, thế nhưng với những chiến công vang dội của mình, ông đã được phong quân hàm Thiếu tướng và ông cũng là vị Cục trưởng đầu tiên của Bộ Công an được phong tướng. Đầu những năm 90, lại một bước ngoặt nữa trong cuộc đời khi ông được cử là Trưởng đoàn chuyên gia Bộ Công an Việt Nam tại Lào. Một vị tướng đã từng “vào sinh ra tử” nơi miền biên giới Tây Bắc thì đất nước Triệu Voi đã không còn xa lạ gì với ông, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ của mình và đã được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la (Tự do) hạng Hai. Để ghi nhận công lao của ông, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng ông nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất... và đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sỏi đá cũng thành cơm”

Đến tuổi về hưu, khi ông có ý định rời Thủ đô về khu vực đồi Mít để làm lão nông tri điền khiến không ít người biết chuyện tỏ ra bất ngờ và ra sức ngăn cản. Tuy nhiên, quyết định ấy đã được ông triển khai cấp tốc, khẩn trương và bí mật như chuyên án vùng biên năm nào. Dám nghĩ, dám làm dù khởi đầu từ số tiền tích cóp ít ỏi cùng với sự giúp đỡ của người thân, ông đã mua gần 5 héc-ta rừng hoang làm trang trại trong khi phong trào phát triển kinh tế ở nơi đây mới chỉ manh nha. Khi ấy, toàn bộ khu vực đồi của gia đình ông là đồng không mông quạnh, đường vào khúc khuỷu, rất khó khăn đi lại trong khi điện, nước đều chưa có, nhưng với bản lĩnh của một vị tướng, ông đã từng bước khắc phục, vượt qua.

“Buổi đầu tôi phải thuê người đào hết số gốc cây bạch đàn cổ thụ rồi thuê máy cày để cày đất lên và dùng cuốc đánh thành từng luống. Tiếp đó, tôi phải dùng xe đạp thồ hom sắn về trồng. Để bớt thời gian, chi phí và cũng đỡ phải đi xa, tôi đã thuê người đóng gạch ba banh xây căn nhà hai gian ở dưới chân đồi Mít. Từ sáng sớm cho đến tối mịt, gia đình lại miệt mài trồng sắn trên đồi. Hằng ngày người dân địa phương đi qua thấy hai ông bà cứ cặm cụi trên nương sắn cũng thấy làm lạ. Sau này có người biết tôi ở Hà Nội về, có người bảo: “Ở Hà Nội sung sướng thế, ông bà về nơi đất khỉ ho cò gáy, khô cằn này làm gì cho khổ?”. Tôi cười bảo: “Nhà ở Hà Nội chật chội, con thì đông mà lương lại có hạn, về đây môi trường không khí trong lành, làm thêm để nuôi con và cũng là nuôi bản thân" - Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp bồi hồi nhớ lại một thời gian khó đã qua.

Trong tâm thế của người nông dân, ông đã đầu tư thời gian nghiên cứu đọc sách kỹ thuật, xem các chương trình truyền hình rồi học hỏi kỹ thuật của các kỹ sư nông nghiệp... để tìm ra cách chăm sóc cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Và chỉ vài năm sau, khu rừng hoang ấy đã thành vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: na, bưởi, cam, nhãn lồng, vải thiều... Tiếp sau đó, ông cho đào ao thả cá, quy hoạch thành khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trang trại theo mô hình VAC của gia đình ông phát triển đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Khi thành công với mô hình này, ông đã không ngần ngại phổ biến kinh nghiệm trồng cây, phát triển chăn nuôi cho bà con trong vùng. Năm 2002, ông cùng hơn 70 hộ làm vườn trong xã thành lập Hội Người làm vườn “An Dân Việt” và với uy tín của mình, ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Nhiệm vụ mới trên mặt trận phát triển kinh tế nông thôn, ông luôn chú trọng đến việc tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin, tìm đầu ra cho sản phẩm để chống điệp khúc “được mùa, mất giá” và ngược lại. Thực sự mô hình kinh tế trang trại đã làm “thay da đổi thịt” cả một vùng rừng hoang hóa, cằn cỗi, giúp đời sống bà con khấm khá hơn rất nhiều. Tính đến nay, mỗi mùa cây trái, trừ các chi phí, ông đã thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, với một vị tướng già thì điều đó không quan trọng, điều ông muốn là được sống thảnh thơi, gần gũi với thiên nhiên và phần nào giúp người nông dân thoát nghèo bền vững.

Có thể nói ở bất cứ đâu, bất cứ cương vị nào, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp đều đạt được những thành công nhất định và để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân địa phương. Mùa thu năm nay, sức khỏe của ông có phần giảm sút, thế nhưng vị tướng già ấy vẫn luôn trăn trở và mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước, cho nhân dân.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất