Gặp gỡ tiến sĩ rắn

Những ngày này, ngoài đường phố hối hả đào, mai, quất... Tết dường như đã ùa vào từng căn nhà, từng góc phố. Để lại sau lưng cái hối hả, bộn bề sắm Tết của người người, nhà nhà, tôi tìm đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Sự tĩnh lặng ở đây khiến xúc cảm của con người dường như cũng chậm lại, nhất là khi quan sát TS. Nguyễn Thiên Tạo (ảnh bên), Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam), PGS thỉnh giảng của Đại học Ky-ô-tô Nhật Bản đếm từng mẫu vật vẩy rắn bé xíu. Tôi hỏi anh đã xử lý mẫu vật bằng việc moi hết ruột con vật ra hay sao? TS. Nguyễn Thiên Tạo nhìn tôi ngạc nhiên: “Sao lại có thể đối xử với con rắn như thế? Em chỉ cần xử lý bằng phoóc-môn thôi chứ!”. Thái độ ấy đã cho thấy tình cảm của anh dành cho loài động vật mà đa số mọi người đều sợ này. Hai lần chết hụt vì rắn cắn không làm giảm bớt tình yêu của người TS trẻ quê Hải Dương đối với nghề nghiên cứu rắn độc cũng như sở thích chụp ảnh mẫu vật rắn. Chính từ tình yêu đặc biệt với loài rắn đã khiến anh trở thành chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam. Nhờ vào tài năng phân loại học về rắn, TS. Tạo đã cứu không biết bao nhiêu nạn nhân bị rắn cắn và anh cũng đang nghiên cứu để chế tạo huyết thanh chuyên điều trị rắn cắn.

Thoát chết nhờ “Chuyên gia rắn”

Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn. Rất nhiều người dù đã đến được bệnh viện vẫn tử vong do bác sĩ không xác định được loại rắn nào cắn để điều trị. Theo Ths. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), rắn cắn là nguyên nhân ngộ độc hàng đầu của bệnh nhân ở Trung tâm này. Có tháng, ngày nào cũng có người bị rắn cắn nhập viện. Việc xác định chính xác loại rắn cắn để cứu chữa là cực kỳ quan trọng, nhưng các thầy thuốc không tự làm được, mà phải nhờ các chuyên gia. Tuy vậy, số người nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

TS. Nguyễn Thiên Tạo kể cho tôi nghe trường hợp bệnh nhân đầu tiên may mắn được cứu sống nhờ khả năng phân biệt rắn độc của anh. Đó là khi anh được mời tham gia đoàn làm phim của kênh truyền hình Mỹ National Geographic. Chương trình đang làm tới tập cuối trong sê-ri 4 tập về những nạn nhân bị rắn cắn thì nhận được thông tin từ khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai về một ca bệnh nặng. Đoàn đến Trung tâm Chống độc đúng lúc bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê, liệt toàn thân, phải thở máy, tính mạng như “chỉ mành treo chuông”. Ám ảnh với TS. Tạo lúc đó là ánh mắt của người mẹ - hoảng loạn vì đối diện với sự sống và cái chết của con. Mẹ của nạn nhân cho biết đêm đó trời nóng nên con bà nằm ngủ dưới nền nhà cho mát. Nửa đêm nghe con gọi thất thanh, bà chạy ra thì thấy con đã bị khó thở mà không rõ nguyên nhân. Khi đưa đến được Bệnh viện huyện Thạch Thất thì chân tay nạn nhân đã tím đen, tim đập yếu ớt. Các triệu chứng đó khiến bác sĩ nghi ngờ nạn nhân sốc ma túy, đến chiều hôm sau thì được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Các bác sĩ ở đây xác định bệnh nhân bị rắn cắn nhưng không biết loại nào cắn để điều trị. Vào thời khắc sinh tử đó TS. Tạo đã vận dụng chuyên môn sâu về rắn ở Việt Nam để xác định nạn nhân bị rắn gì cắn. “Khi bị rắn độc cắn, trong vòng 48 giờ nếu không được cứu chữa, bệnh nhân sẽ khó qua khỏi. Mỗi loại rắn có một tập tính riêng, nên tôi phải hỏi kỹ thông tin để khoanh vùng xác định. Mẹ nạn nhân cho biết, gia đình mới lát nền nhà, kết hợp với các thông tin diễn biến bệnh do bác sĩ cung cấp, tôi xác định nạn nhân bị nhóm rắn cạp nong cạp nia cắn. Vì đây là loài rắn sống ở bụi rậm, ao hồ và thích mùi vôi vữa. Khi bị loài rắn này cắn, bệnh nhân liệt toàn thân nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Có thể do nạn nhân ngủ trên nền nhà và vô tình chạm phải con rắn nên bị cắn” - TS. Tạo kể.

Bệnh nhân cần phải truyền kháng huyết thanh nếu không sẽ tử vong. Nhưng khi đó, chỉ ở Thái Lan mới có loại này với giá không hề rẻ, trong khi gia đình người bệnh rất nghèo. Trước sự nguy cấp của người bệnh, TS. Tạo và các thành viên của đoàn làm phim đã góp tiền, nhờ mua bên Thái Lan gửi về theo đường hàng không trong ngày. Đêm đó, TS. Tạo lên tận sân bay Nội Bài nhận thuốc, mang ngay về Bệnh viện rồi khẩn cấp dịch cách dùng cho các bác sĩ. Lúc này, TS. Tạo lại thấy lo lắng: Tình trạng bệnh nhân nặng đến mức trụy tim, suy hô hấp, phải thở máy, liệt toàn thân, liệu sử dụng thuốc có mang lại kết quả? Nhưng không truyền thì bệnh nhân chắc chắn sẽ chết! Đêm đó, anh thấp thỏm, căng thẳng, chỉ lo bệnh nhân có biến chứng. Hôm sau, khi bác sĩ báo tin bệnh nhân đã cử động được ngón tay, anh vui mừng như người thân của mình sống lại. Ngay sau đó, đoàn làm phim lại lên đường đi Tam Đảo, Phú Quốc để hoàn thành những cảnh quay cuối cùng. Một tuần sau trở lại Hà Nội, việc đầu tiên cả đoàn làm là quay lại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân chưa hồi phục, hầu như vẫn bất động, nhưng thấy mọi người tới thì ra hiệu đưa cho mình chiếc bút rồi run run viết lên tờ giấy hai chữ “Cảm ơn”. Máy quay phim đã ghi lại được khoảnh khắc quý giá ấy. Đó chính là kỷ niệm mà Tạo gọi là “sự ám ảnh tuyệt vời”. Niềm hạnh phúc của TS. Tạo trọn vẹn hơn khi 6 năm sau, quay lại xã Bình Phú, Thạch Thất ghé thăm nạn nhân thì người thanh niên này đã có một tổ ấm.

Thành công của ca bệnh đã giúp cho các bác sĩ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với TS. Tạo để xử lý những ca bị rắn cắn. Khi có người bị rắn cắn, Trung tâm Chống độc mời anh sang tư vấn, hoặc gửi mẫu vật, chụp vết rắn cắn cho anh xem. Với sự hỗ trợ của một chuyên gia đặc biệt như thế, 10 năm qua không biết bao nhiêu bệnh nhân mấp mé cửa tử thần đã may mắn thoát chết.

Đam mê… rắn độc

Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe TS. Tạo kể, anh bắt đầu công việc nghiên cứu về rắn thật tình cờ, anh hoàn toàn không có ý định theo chuyên ngành này. Tạo sinh năm 1982 tại một vùng quê thuần nông ở xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh, Đại học Khoa học tự nhiên, như bao bạn bè cùng trang lứa, anh mơ ước được làm những công việc “to tát” như công nghệ cao, tiến hóa. Nhưng rồi mong muốn có môi trường học tiếng Anh, có thêm kinh nghiệm thực tế, lại thỏa mãn đam mê đi nhiều để hiểu rộng, anh đã làm việc cho một dự án nghiên cứu về bảo tồn động vật hoang dã của một tổ chức nước ngoài ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Công việc của anh là hỗ trợ chuyên gia các nước sang rừng Cúc Phương làm việc. Mỗi chuyến đi đều vô cùng vất vả. Đi suốt đêm để thu thập mẫu, rồi chụp ảnh, ghi chép chi tiết từng mẫu vật… Ăn, ngủ, nghỉ đều ở trong rừng. Những chuyến đi vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Những con rắn có thể vắt vẻo trên cành cây, trong bụi rậm, trên đường đi. Bởi thế, bị rắn cắn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Từng có chuyên gia về rắn bị rắn độc cắn trong rừng, phải chặt bỏ ngón tay để bảo toàn tính mạng. Chính anh cũng từng vài lần bị rắn độc cắn, may mà nhờ biết cách xử trí nên không để lại hậu quả gì. Nếu không đủ đam mê và lòng dũng cảm, chắc chắn không thể làm được công việc đầy nguy hiểm này.

Mới đầu, anh hoàn toàn không biết mình được làm việc cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới về động vật học, chỉ thấy rằng mỗi ngày đi cùng họ là anh có thêm bao nhiêu kiến thức thú vị về loài bò sát mà không phải ai cũng có. Niềm say mê từ các chuyên gia với các loài động vật rừng Cúc Phương truyền sang anh từ khi nào chẳng rõ, đến mức, nhiều khi mọi người đã nghỉ mà anh vẫn còn quan sát, chụp ảnh, ghi chép… Anh cũng không hề biết rằng, ánh mắt chăm chú lắng nghe và ghi chép tỉ mỉ mỗi khi các chuyên gia trao đổi cùng sự xông xáo trong công việc đã để lại ấn tượng đặc biệt với GS. Ni-cô-lai Ô-rơ-lốp, người mà sau này anh mới biết là chuyên gia đầu ngành về rắn.

Nhìn thấy cả tố chất lẫn niềm đam mê hiếm thấy ở anh, khi chuyến đi 40 ngày cùng các chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học Nga kết thúc, TS. Tạo rất bất ngờ khi GS. N.Ô-rơ-lốp hỏi anh nếu yêu thích công việc phân loại học về rắn, ông sẵn sàng truyền nghề. Rồi, ông không chỉ dạy anh cách phân loại rắn, mà biết anh khao khát chụp hình các mẫu vật, ông đã tặng anh một chiếc Nikon “xịn”. Với một sinh viên nghèo, chưa có việc làm ổn định, thì món quà ngang giá chiếc xe máy ấy cứ như một giấc mơ. Chính tấm lòng cùng tài năng của vị giáo sư đã thôi thúc chàng trai trẻ tiếp tục đi sâu vào công việc mà dường như mọi người chỉ nghe thôi đã sởn da gà.

Từ đó, mỗi lần sang Việt Nam, người đầu tiên GS. N.Ô-rơ-lốp gọi là anh. Bởi ông luôn muốn có một người trợ giúp đắc lực, thông minh, tận tụy, đam mê công việc. Tạo kể, được làm việc cùng các chuyên gia nổi tiếng thú vị vô cùng. Anh học được từ kỹ năng đi rừng, cách thu thập tư liệu, đến kiến thức phong phú về rắn với tập tính từng loài: Loài nào chuyên sống trên cây, loài nào ở dưới đất; loài nào độc, loài nào không. Riêng rắn lục ở trên cây cũng có loại độc, có loại không. Thậm chí, vào mùa sinh sản của rắn, anh còn ngửi được mùi để biết có rắn đang ở gần mình! Thậm chí, tình yêu trong anh với loài động vật mà đa phần mọi người rất sợ này cứ lớn dần. Anh bảo, rắn không đáng sợ như mọi người nghĩ mà rất… đáng yêu: Chúng không tự tấn công mà chỉ tự vệ khi bị tấn công hoặc tưởng bị tấn công.

“Mỗi con vật đều tồn tại một sứ mệnh. Đặc biệt, những con rắn còn giúp dự báo thời tiết, biến đối khí hậu. Vì thế, nghiên cứu, tìm hiểu về chúng và phát hiện những loài rắn mới ở Việt Nam cho khoa học là điều hết sức lý thú” - TS. Tạo chia sẻ.

Sau khi xin được học bổng JSPS, một trong những học bổng uy tín nhất cho bậc học tiến sỹ của Chính phủ Nhật Bản, anh làm tiến sỹ ở Đại học Ky-ô-tô. Với nhiều công bố quốc tế, anh được bảo vệ tốt nghiệp trước hạn gần một năm. Tháng 4-2016, anh được mời làm PGS thỉnh giảng tại khoa Khoa học tự nhiên và Bảo tàng của trường đến giờ. Anh đã công bố 60 bài báo khoa học, trong đó có 45 bài trên tạp chí quốc tế thuộc danh sách ISI, đoạt Giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc tại Hội nghị quốc tế lần thứ hai về nghiên cứu đa dạng và bảo tồn các loài động vật có xương sống châu Á tại Ky-ô-tô, Nhật Bản năm 2012.

Chính TS. Tạo cũng không ngờ có một ngày mình lại trở thành chuyên gia về rắn độc ở Việt Nam.

Những nghiên cứu sâu về rắn là cơ sở để TS. Tạo giúp cho nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn thoát chết. Anh tâm sự, bác sĩ có lòng muốn cứu bệnh nhân, nhưng không hiểu biết về rắn độc nên có thể chẩn đoán nhầm. Vì thế, sự hỗ trợ của chuyên gia về rắn rất quan trọng. Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn là người nghèo, trong khi, để xác định chính xác độc tố, phải làm rất nhiều xét nghiệm và điện não đồ, vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Chi phí mua huyết thanh kháng độc cũng 20-30 triệu đồng/ca, mà nếu truyền không đúng huyết thanh loài rắn cắn, vẫn có thể tử vong. Bằng chuyên môn của mình, TS. Tạo có thể xác định được loài rắn độc đã cắn để bác sỹ sớm đưa ra phác đồ điều trị, giảm thiểu chi phí mà lại tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.

Vì thế, khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ các bác sĩ là anh có mặt. Khi đi công tác vắng, họ lại gửi hình ảnh qua thư điện tử để anh xác định, hoặc phân tích sinh học phân tử, giúp thầy thuốc có hướng điều trị sớm và đúng.

Chuyên gia trẻ này cho biết, Việt Nam có hơn 200 loài rắn, trong đó có khoảng 25% là có độc, tuy nhiên phần lớn trong số đó gần như không bao giờ bắt gặp nên tỉ lệ rắn độc trong tự nhiên chỉ khoảng 5%. Thế nhưng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hầu hết các loại huyết thanh, khiến chi phí điều trị cao. Vì thế, TS. Tạo đang phối hợp với các chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan nghiên cứu để chế tạo huyết thanh chữa trị rắn cắn. Loại thuốc mang thương hiệu Việt Nam có ý nghĩa quan trọng khi giúp giảm tỉ lệ tử vong do rắn cắn, bởi người bệnh được cứu chữa kịp thời, giảm chi phí.

Tuy tuổi đảng còn khá trẻ, nhưng 4 năm liền TS. Tạo đều là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. TS. Tạo cho chúng tôi biết, là một đảng viên làm công tác nghiên cứu khoa học, anh thấy mình cần phải học hỏi, cống hiến nhiều hơn cho khoa học, cho việc truyền những đam mê nghiên cứu mà anh đang ấp ủ, theo đuổi đến được với những người trẻ khác. Vì thế, ngoài vai trò là Trưởng Phòng Thiên nhiên, TS. Tạo đang là Trưởng nhóm nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Công việc chính của TS. Tạo là hỗ trợ và định hướng nghiên cứu cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh nghiên cứu về động vật hoang dã Việt Nam.

Gặp anh ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam khá vội vã. Cuộc trò chuyện qua điện thoại của tôi với TS. Tạo bên lề một hội thảo quốc tế mà anh đang chủ trì cũng vội vã. Với anh, có lẽ thời gian cho khoa học chẳng bao giờ là đủ. Khó khăn nhiều, vất vả lắm nhưng đam mê với rắn độc không lúc nào giảm đối với Tạo. Kết thúc cuộc trò chuyện, anh bày tỏ: “Rắn cũng là biểu tượng của sự may mắn, của điềm lành, mọi người nên nâng cao ý thức chung sống hoà bình và bảo tồn loài rắn”. Xuân Kỷ Hợi đã đến , chúc TS. Nguyễn Thiên Tạo thật nhiều sức khỏe, luôn giữ được ngọn lửa đam mê, cống hiến cho khoa học.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất