Đảng bộ huyện Yên Định (Thanh Hóa) lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở xã Định Tân, huyện Yên Định.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra nghị quyết nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, tập trung phát triển kinh tế - xã hội mà một trong những trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và sáng tạo. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, đã đề ra được các chủ trương và các giải pháp phù hợp với cấp mình; tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua, tạo thành phong trào cách mạng sâu rộng trong nhân dân.

Trên cơ sở nghị quyết chuyên đề của huyện, các cấp ủy cơ sở đã cụ thể hóa bằng nghị quyết của cấp mình, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trước khi ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, đảng ủy các xã đã tổ chức hội nghị từ xã xuống các chi bộ, tập hợp ý kiến nhân dân, thảo luận dân chủ, từ đó có nghị quyết sát thực, có chương trình hành động phù hợp và giải pháp thực hiện hiệu quả. Huyện chỉ đạo tất cả các địa phương thực hiện phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Đối với những tiêu chí khó, cần phải huy động nội lực, ngoại lực, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để chỉ đạo, vừa bảo đảm đúng lộ trình, vừa phù hợp với khả năng huy động sức dân. Một trong những vấn đề khó nhất trong xây dựng nông thôn mới là nguồn vốn. Trong khi nhiều nơi vẫn đang vừa làm vừa chờ sự hỗ trợ của Nhà nước thì huyện Yên Định đã chủ động vượt khó và tìm cách làm sáng tạo, đó là tập trung huy động đa dạng các nguồn lực, trong đó lấy nhân dân làm chủ thể và vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của huyện, đây được ví như “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện. Trong chỉ đạo thực hiện, đề cao vai trò của tổ chức đảng, tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, huyện đã phát động phong trào thi đua xây dựng chi bộ, thôn tiêu biểu; bí thư, trưởng thôn giỏi trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015. Qua phòng trào thi đua, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn đã thực sự trở thành nòng cốt, hạt nhân của phong trào “cả huyện chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các ngành, đoàn thể vào cuộc, vận động hội viên, đoàn viên thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Hiện nay toàn huyện đã xây dựng được 412 mô hình dân vận khéo ở thôn và 89 mô hình dân vận khéo ở xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Đa số các mô hình dân vận khéo đều gắn với thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Từ việc tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nghị quyết sát thực, có chương trình hành động cụ thể, lộ trình, bước đi phù hợp từng địa phương mà đến nay huyện Yên Định đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó bê-tông hóa được 200 km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa 200km kênh mương, hàng trăm km giao thông nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh. Các cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Cũng từ việc ban hành những nghị quyết “trúng”, kịp thời và triển khai linh hoạt, sáng tạo như đổi điền dồn thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mà đến nay Yên Định đứng vào tốp đầu cả nước về sản xuất lúa lai F1, có diện tích lúa thâm canh đến 8.000 ha; năng suất lúa bình quân đạt 13,36 tấn/ha/năm (năm 2014). Đây cũng là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sau 3 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã xây dựng được gần 5.000 ha cánh đồng mẫu lớn và cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuấtt lúa. Diện tích cây công nghiệp, cây thực phẩm được mở rộng và đạt hiệu quả cao; hệ số sử dụng đất hằng năm bình quân đạt 2,5 lần; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng từ 76,95 triệu đồng (năm 2010) lên 113,50 triệu đồng (năm 2014); toàn huyện có 44 mô hình sản xuất nông nghiệp có đầu ra sản phẩm bền vững, trong đó nhiều mô hình đang được mở rộng về quy mô như ngô ngọt, măng tây xanh, thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, bưởi thanh đường, bưởi diễn… Cũng nhờ có Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại, mà đến nay Yên Định trở thành huyện dẫn đầu của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại với 870 trang trại và gia trại; mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung trở thành một trong những khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân tăng 23,74%. Hàng loạt các xã như Quý Lộc, Yên Trường, Định Tường, Định Tân, Định Long, Định Bình,… đang thực sự là những điển hình trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Nhờ những giải pháp đồng bộ đến nay toàn huyện đạt bình quân 16,9 tiêu chí nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2015 có 21/27 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trở thành huyện nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên của Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2015.

Do thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội mà đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới nên nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Yên Định đã cơ bản thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết đạt và vượt kế hoạch đề ra. So với mục tiêu Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm qua đạt hơn 17%/năm, tăng 0,61%; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác vượt 24 triệu đồng; bình quân thu nhập đầu người năm 2015 ước đạt 35,1 triệu đồng, tăng 5,4 triệu đồng...

Hình ảnh một miền quê trù phú, một huyện nông thôn mới ở Yên Định đang dần hiện hữu là một minh chứng sống động trong việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Ở đâu cấp ủy, chính quyền có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, có cách làm sáng tạo; biết phát huy trí tuệ, trách nhiệm tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện tốt cơ chế trong chỉ đạo điều hành. Việc ban hành nghị quyết sát, đúng với thực tiễn cơ sở, có cách làm sáng tạo, phù hợp mà ở đó, mỗi người dân đều phát huy được năng lực, sở trường, khơi dậy tiềm năng sẵn có của địa phương, phát huy được sức mạnh tổng hợp để vượt qua “hành trình khó”.

Phương Vinh
Báo Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất