Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc đang giàu có, phồn vinh (kỳ 2)


Những làng quê trù phú bên bờ sông Phó Đáy. Ảnh: Khánh Linh.

Kỳ 2: Bác nuôi dưỡng truyền thống giữ nước

Năm 1967, tòa soạn báo Vĩnh Phúc sơ tán về xã Phú Xuân, ngay gần kề với xã Tân Phong, nơi có thôn Yên Định vinh dự được đón Bác Hồ về thăm đúng ngày mồng 1 Tết Bính Thân 1956. Hồi ấy, đoạn đường đất từ Quốc lộ 2 rẽ vào thôn Yên Định (khoảng 5, 6 cây số) còn gồ ghề, lồi lõm, nhiều “ổ trâu, ổ bò”. Nay về lại chốn cũ, đi trên con đường bê-tông liên thôn, liên xã rộng rãi, khang trang cảm xúc thật khó tả. Thôn Yên Định, xã Tân Phong trong kí ức của tôi là một trong những thôn, xã nghèo nhất của huyện Bình Xuyên hồi ấy. Trải qua bao năm tháng, các thế hệ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến xã đã gắng công xây dựng, bồi đắp để có những thay đổi lớn ngày hôm nay. Giờ Tân Phong là xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới.

Lịch sử Đảng bộ xã ghi đậm: Tân Phong do những tá điền và dân khai lập ấp tạo nên từ những năm đầu thế kỷ XX; thời kỳ chống thực dân Pháp, Tân Phong thuộc vùng vành đai trắng không có tề, nguỵ, nhưng khi ánh sáng cách mạng soi rọi tới, người dân ở đây đã nhanh chóng đi theo tiếng gọi của Đảng. Ngay từ tháng 2-1943, Tân Phong đã xây dựng Mặt trận Việt Minh làm nòng cốt đoàn kết quần chúng yêu nước hòa vào khí thế cách mạng toàn tỉnh chuẩn bị giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 6-1946 Yên Định có chi bộ đảng, nhờ đó phong trào yêu nước ở địa phương phát triển mạnh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lại bùng nổ, nhân dân Tân Phong dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng anh dũng chiến đấu, đánh bại âm mưu lập tề của quân xâm lược và bè lũ phản động... Bảng vàng lịch sử Đảng bộ xã ghi đậm: Tân Phong có 7 lão thành cách mạng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều gia đình có công với cách mạng; xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Chúng tôi được nghe kể lại, đúng dịp Tết Bính Thân năm 1956 cận kề, huyện loan tin xuống xã: sẽ có cán bộ cấp cao của Trung ương về thăm Yên Định vào chính Tết! Thế là các cán bộ xã rộn ràng chuẩn bị điểm đón tiếp, chọn những gia đình tiêu biểu để đoàn đến thăm, dựng kỳ đài mít-tinh chào mừng khách. Sáng mồng 1 Tết, trời lay phay mưa rét. Rất bất ngờ, khách thăm là Bác Hồ! Bác rảo bước vào nhà anh Thêm, một cố nông mới được chia căn nhà lá vách đất. Người dân Yên Định ùa tới kín sân, kín hè nhà anh Thêm. Bác hệt như ông nội, ông ngoại xa nhà lâu ngày trở về, con cháu yêu kính sum vầy trò chuyện thân thiết. Bác hỏi chuyện gia đình anh Thêm, chuyện ruộng vườn, chuyện Tết gói được mấy cái bánh chưng... Nói chuyện với nhân dân, Bác khuyên mọi người phải đoàn kết, vào tổ đổi công, giúp nhau thi đua sản xuất. Bác trìu mến dặn dò các cháu thiếu niên, nhi đồng phải chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, giúp việc cha mẹ. Bác chăm chú khi thăm các gia đình cơ sở kháng chiến chống Pháp. Bác thăm gia đình bà Đằng, nơi từng nuôi dưỡng cán bộ thời chống Pháp, bị địch bắt, tra tấn rất dã man nhưng bà quyết một lòng kiên gan vì cách mạng...

Đã 66 năm trôi qua, nhưng bao thế hệ người dân nơi đây vẫn nhớ, vẫn cùng nhau kể lại câu chuyện Bác về thăm ấy, vẫn đầy cảm xúc như mới mồng 1 Tết năm ngoái, năm kia.

Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc trong chuyến về thăm ngày 12-2-1956. Ảnh: TL.

Trước khi về Yên Định, chúng tôi đã gặp và được nghe nhiều thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Bình Xuyên. Nhưng để hiểu thêm về đất và người nơi đây, nhất là về cách người dân Yên Định làm theo lời Bác, chúng tôi đã trò chuyện cùng đồng chí Đỗ Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong. Trước câu hỏi của tôi: “Điều gì tác động mạnh mẽ nhất đến đảng viên và nhân dân Tân Phong khi học và làm theo Bác?”, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã khảng khái trả lời: Bác Hồ đã về thăm, dành tình cảm cho thôn Yên Định, xã Tân Phong chúng tôi, đó là nguồn động lực lớn để Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phong qua bao thế hệ không ngừng cố gắng, nỗ lực vươn lên. Trong nhiều nhiệm kỳ, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tỉnh ủy gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ xã Tân phong luôn là đơn vị trong sạch, vững mạnh. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới do Đảng lãnh đạo, Tân Phong là là xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất của huyện Bình Xuyên (từ năm 2010). Xứng danh xã Anh hùng, Tân Phong liên tục dẫn đầu huyện trong nhiều phong trào thi đua, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, về chất lượng cao khi thực hiện nghĩa vụ quân sự…

Ban chỉ đạo cuộc vận động của xã đã xây dựng quy chế để cán bộ, công chức có căn cứ làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Yêu cầu chung được cấp uỷ đề ra là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn tự nâng cao nhận thức gắn với nhiệm vụ của mình. Trước hết phải thấu hiểu truyền thống cách mạng nơi mình sinh sống. Tân Phong học Bác, chẳng cần học đâu xa, mà học ngay tác phong gần dân, yêu dân, sát dân của Bác khi về thăm thôn Yên Định. Học Bác ở tình yêu thương, lòng biết ơn người có công với nước, với dân... 

Các cấp ủy ở Tân Phong thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, thanh niên về tư tưởng đoàn kết, thực hành cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của Bác. Thường trực Đảng ủy xã nhất tâm đoàn kết, một lòng một dạ vì nhiệm vụ chung. Sức mạnh đoàn kết ấy tác động mạnh về tinh thần khiến cán bộ, đảng viên luôn noi theo, đề cao trách nhiệm với công việc, tạo nên môi trường cởi mở, giải quyết nhanh gọn công việc được giao. Nhờ đó tác phong công tác được thay đổi, đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, nghe nhân dân thổ lộ tâm tư, nguyện vọng; là dịp để từng tập thể, cá nhân tự nhìn nhận, rút kinh nghiệm để hạn chế khuyết điểm, yếu kém. 

Đồng chí Nguyễn Văn Chiêm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Kết quả bước đầu trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh" ở Tân Phong đã nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ. Nhiều chủ trương, định hướng được Đảng uỷ, chính quyền lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhất là chủ trương phát triển kinh tế. Hiện nay, bình quân thu nhập ở Tân Phong đạt trên 43,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,8%. Nỗ lực trên góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng...

Chúng tôi tới thăm Nhà Lưu niệm Bác Hồ được xây dựng khang trang với diện tích 400m2, tọa lạc trên khu đất rộng 1.400m2. Chính tại nơi này năm xưa Người đã đứng nói chuyện với nhân dân. Thắp nén hương thơm kính cẩn tưởng nhớ Người, tự dưng nước mắt tôi trào ra. Nhớ về  Yên Định khi xưa vách đất, nhà tranh, nhân dân còn nghèo khổ, có lẽ vậy nên Người đã mong mỏi nhân dân thi đua xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn thịnh, cốt để cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Vĩnh phúc nay đã, đang thực hiện tâm nguyện của Người, giàu có, phồn vinh lên. Vậy mà Người đã mãi mãi ra đi!

Toàn cảnh Nhà lưu niệm Bác ở thôn Yên Định, xã Tân Phong, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Ghé thăm Nhà văn hóa thôn Yên Định ngay trong khuôn viên Nhà lưu niệm Bác Hồ, chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Quốc Sơn, từng là bộ đội Cụ Hồ, nay là Phó Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Yên Định. Đồng chí Sơn hồ hởi khoe với chúng tôi: Yên Định đổi đời rồi, ngày xưa nằm mơ cũng không nghĩ tới! Cái nghèo đã hết dấu vết, dân đã hết khổ, nhà nhà đều khang trang. Tất cả  nhân dân đều vui vẻ đồng lòng góp công góp của xây nhà văn hóa thôn, đặt ghế đá, xây cổng làng, làm rãnh thoát nước với số tiền hàng trăm triệu đồng... Ấy là chúng tôi được nhờ ơn Bác Hồ, nghe theo lời Bác căn dặn; nhờ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đã luôn vì nhân dân, cho nhân dân chúng tôi được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát, được hưởng mọi thành quả của công cuộc đổi mới!

Chuyện thôn, chuyện làng, tự dưng tôi nhớ chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kể: Khi dịch Covid-19 lần đầu thâm nhập Vĩnh Phúc với 11 ca dương tính, riêng xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) có tới 6 trường hợp, làm nhân dân hoang mang. Đêm muộn hôm ấy, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh họp gấp, quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi không để dịch bệnh lây lan. Dù đã có các giải pháp về y tế, đồng thời có đủ điều kiện để chăm lo thật tốt đời sống nhân dân trong diện phong tỏa, nhưng việc này cũng khiến nhiều người lăn tăn bởi chưa từng có tiền lệ, chưa có căn cứ pháp lý… Nhưng rồi nhớ lời dạy của Bác “Điều gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã quyết định vì nhân dân, và đó thực sự là quyết định đúng đắn. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời, không lây lan sang địa phương khác. Quả thực, học và làm theo Bác luôn vì dân, lắng nghe nhân dân thì làm gì cũng đúng!

                                                                                            (Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất