Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Vĩnh Phúc - không để dịch Covid-19 làm trở ngại


Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. (Ảnh chụp tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: Trà Hương.

 “Quả ngọt” từ nông thôn mới

Năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 14 xã đạt 10-14 tiêu chí, 80 xã đạt 5-9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn.

Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần, ý chí, sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, Vĩnh Phúc đã vươn lên từng ngày, nhanh chóng gặt hái thành quả từ công cuộc xây dựng NTM.

Hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Vĩnh Phúc luôn thực hiện nhất quán phương châm “Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng NTM”, “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; phát động rộng khắp phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”… Đến năm 2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 100% số xã (112/112 xã) đạt chuẩn NTM; 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc thực sự đổi thay, kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt, kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Vĩnh Phúc đạt gần 50 triệu đồng/người.


Những bức tranh bích họa làm sinh động đường quê ở xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Lượng.

Yên Lạc là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện thứ 13 của cả nước đạt chuẩn huyện NTM từ năm 2015. Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, huyện Yên Lạc đã và đang tích cực triển khai xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Năm 2021, huyện đăng ký xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Yên Đồng, xã Nguyệt Đức và có thêm 8 thôn đăng ký đạt chuẩn thôn dân cư NTM kiểu mẫu. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, các cấp uỷ từ huyện đến cơ sở, các chi bộ thôn, xóm đã lên kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát ngay từ đầu năm. Đặc biệt với 2 xã Yên Đồng và Nguyệt Đức, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu được đẩy mạnh. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng, các kỳ sinh hoạt của các hội, đoàn thể, ban công tác mặt trận thôn, nội dung xây dựng NTM nâng cao đều được đặt thành nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các nội dung, chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra và giải pháp thực hiện thường xuyên được phát trên hệ thống đài truyền thanh xã để phổ biến đến từng người dân.

Liên Châu là xã thuần nông của huyện Yên Lạc. Năm 2011, xã Liên Châu khởi động thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm khá thấp. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể Nhân dân, năm 2013, Liên Châu đã bứt phá trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh “cán đích” NTM. Đầu năm 2021, Liên Châu tự hào là xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao với 2 thôn đạt chuẩn thôn dân cư NTM kiểu mẫu, xã đạt 5/5 tiêu chí với 29/29 nội dung xây dựng NTM nâng cao.

Kinh nghiệm của xã, là nội dung xây dựng NTM được đưa thành nhiệm vụ chính trị quan trọng trong các nghị quyết của Đảng uỷ xã, các chi bộ. Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tạo niềm tin, sức lan tỏa, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm theo. Xã kiện toàn ban chỉ đạo, ban phát triển NTM các thôn, chọn thôn Nhật Chiêu 1 và Nhật Tiến 2 làm điểm thôn dân cư NTM kiểu mẫu. Công tác tuyên truyền được chú trọng, lồng ghép linh hoạt, đa dạng thông qua các hội nghị của xã, thôn, các tổ chức đoàn thể, hệ thống loa truyền thanh, khẩu hiệu, pa-nô, băng-rôn, tờ rơi, tin bài… Đảng uỷ xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tích cực vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả gắn với Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.


Diện mạo nông thôn mới xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: Thế Hùng.

Cũng với cách làm tương tự, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường - xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM một lần nữa ghi dấu ấn với việc “cán đích” xã chuẩn NTM nâng cao năm 2020. NTM đã mang lại “quả ngọt” cho người dân nơi đây với hệ thống hạ tầng khang trang, hiện đại; các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả như: mô hình 1 lúa, 1 cá; nuôi cá thâm canh, nuôi cá giống cho thu nhập bình quân 300- 800 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, xã thu hút được trên 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, năm 2020, thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm (tăng 23,2 triệu đồng so với năm 2013), nằm trong top đầu của huyện.

Coi trọng phát huy quyền dân chủ, sự đồng thuận của nhân dân thông qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; quan tâm giải quyết kịp thời những băn khoăn, nhu cầu chính đáng của nhân dân… chính là những kinh nghiệm quý, giải pháp hay đã được các đồng chí lãnh đạo xã Liên Châu, Tam Phúc và nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện để “gặt hái” thành quả NTM thời gian qua.

Gỡ những nút thắt

Năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu 100% các xã trung du, miền núi thuộc các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô đạt chuẩn NTM mới theo chuẩn vùng đồng bằng sông Hồng; 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Vĩnh Tường được công nhận đạt chuẩn và các huyện Tam Đảo, Tam Dương hoàn thành điều kiện, tiêu chí, hồ sơ đề nghị thẩm tra huyện đạt chuẩn NTM. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 30% số thôn được công nhận thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

Hoàn thành những mục tiêu đề ra sẽ tạo nên bước đột phá cho đô thị, nông thôn Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng lên thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn, thách thức cho các địa phương trong tỉnh, việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gặp nhiều trở ngại. Do tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên tiến độ thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về giao thông, môi trường, thu nhập… ở hầu hết các địa phương đăng ký đạt chuẩn xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu năm 2021 đều chậm so với kế hoạch đề ra. Đến tháng 8-2021, trong số 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 36 thôn đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021, mới chỉ có 2 xã đạt 4/5 tiêu chí, 4 xã đạt 3/5 tiêu chí, 4 xã đạt 2/5 tiêu chí và 1 xã đạt 1/5 tiêu chí; có 1 thôn đạt 9/9 tiêu chí, 18 thôn đạt 8/9 tiêu chí, 6 thôn đạt 7/9 tiêu chí, 7 thôn đạt 6/9 tiêu chí, 3 thôn đạt 4/9 tiêu chí.


Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ bán tự động trong sản xuất nông nghiệp, mô hình trồng dưa trong nhà kính ở Hợp Hòa (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nguồn: Báo Vĩnh Phúc.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là về nguồn vốn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành phụ trách tiêu chí NTM tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện các hạng mục trong các tiêu chí chưa đạt như: Rải nhựa các tuyến đường trục xã, trục thôn; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm; hỗ trợ duy tu, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2… Tiếp tục chỉ đạo cấp cơ sở rà soát, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa đã được đầu tư để phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao cho người dân nông thôn; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn và bồi đắp truyền thống đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm. Tuyên truyền, vận động các thành phần kinh tế và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cùng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chỉnh trang lại vườn tược, ngõ xóm, cải tạo môi trường nông thôn…

Theo chủ trương của tỉnh, từ nay đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành và tổ chức có hiệu quả các chính sách đặc thù về đầu tư, hỗ trợ cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM nâng cao. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên cùng với nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu của các địa phương, chương trình xây dựng NTM nâng cao của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ gỡ dần những nút thắt, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 đem lại để sớm hoàn thành theo lộ trình đề ra, góp phần nâng cao đời sống người dân theo hướng bền vững.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất