Vĩnh Phúc quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh, phát triển kinh tế

“Trao quyền” chủ động cho các địa phương

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 22-11-2021, toàn tỉnh có 648 trường hợp dương tính với Covid-19. Tổng cộng, có tới 8 ổ dịch thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và TP. Phúc Yên, ngoài ra còn một số khu vực nhỏ lẻ khác trong tỉnh xuất hiện các ca mắc mới.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các ca F0 trong cộng đồng được xác định là do lượng người đến và về từ các vùng dịch trên cả nước tăng đột biến. Mặt khác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng chỉ rõ, một phần nguyên nhân chính cũng bởi công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh của tỉnh chưa quyết liệt, chưa phát huy được tinh thần chỉ đạo của Trung ương là thích ứng linh hoạt, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bởi vậy, để quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đáng chú ý nhất là “trao quyền” chủ động triển khai các biện pháp chống dịch cho các địa phương.

Theo chủ trương của Tỉnh uỷ, các địa phương trong tỉnh được quyền thực hiện mọi biện pháp chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của mình, miễn là không sai luật, sai tinh thần chỉ đạo của Trung ương và đạt được mục tiêu cốt lõi là đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của nhân dân.


Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn: Báo Vĩnh Phúc.

Với mục tiêu “Xét nghiệm nhanh, khoanh vùng gọn, tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhanh chóng ổn định trở về trạng thái bình thường”, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai một loạt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, các địa phương có dịch phải tổ chức xét nghiệm thần tốc, phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ. Phân loại cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục mở rộng xét nghiệm tầm soát nguy cơ, đặc biệt đối với các khu vực có nguy cơ cao như chợ, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trường học, bến xe, các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều người lao động đến/về từ vùng dịch…

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh rà soát các nguy cơ liên quan; tổ chức xét nghiệm tầm soát; thông báo và tạm thời cho các đối tượng nghi ngờ nhiễm Covid-19 dừng làm việc, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính với SARS-CoV-2 mới trở lại làm việc. Công an tỉnh tăng cường, siết chặt các chốt phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo công an huyện quản lý chặt địa bàn; phối hợp truy vết triệt để các trường hợp liên quan. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị sẵn sàng và tăng công suất các khu cách ly y tế tập trung để sẵn sàng đón công dân trong trường hợp cần thiết.

Các tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tổ Liên gia tự quản tăng cường rà soát, phát hiện, giám sát người đến và về từ các vùng nguy cơ cao để có các biện pháp giám sát, cách ly y tế phù hợp. Các nhà thuốc trên địa bàn phải khai thác triệt để thông tin liên quan đến người có dấu hiệu ho, sốt, đau họng đến mua thuốc tại các nhà thuốc để cung cấp cho cơ quan y tế gần nhất...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, kiên quyết ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã đưa ra 10 điểm cần quán triệt thực hiện nghiêm túc. Đó là: Tổ chức xét nghiệm tầm soát nguy cơ 3-5% người trong cơ quan mỗi tuần nhằm nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng và kiểm soát kịp thời các ca bệnh phát sinh. Thành lập ngay tủ thuốc tại các cơ quan đơn vị doanh nghiệp, trang bị các hộp kid test thử nhanh hằng tuần. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền rộng, truy vết nhanh và khoanh vùng hẹp nhất các ca mắc mới phát sinh nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo các mặt an sinh xã hội và phát triển kinh tế trong nhân dân. Người dân cần chủ động các trang thiết bị, vật tư y tế nhằm tự xét nghiệm, tự bảo vệ mình trong trường hợp cần thiết. Nhanh chóng triển khai các biện pháp tách F0 ra khỏi cộng đồng để hạn chế tối đa tình trạng lây lan ra cộng đồng. Thí điểm thực hiện mô hình điều trị F0, cách ly F1 ngay tại nhà để giảm tải cho ngành Y tế, giảm gánh nặng cho xã hội, chính quyền địa phương và ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân. Linh hoạt, sáng tạo, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thông qua việc thích ứng với từng trường hợp cụ thể, từng địa phương, khu vực, thời điểm cụ thể. Thực hiện nghiêm quy định về 4 tại chỗ. Duy trì có hiệu quả kế hoạch phát triển và giữ vững vùng xanh. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Phát huy vai trò của tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Công văn số 907-CV/TU ngày 8-11-2021 về chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động của tổ Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản. Trong đó, Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và các ban, ngành, đoàn thể khắc phục ngay những biểu hiện tự mãn, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch để ngăn chặn, kiểm soát không để lan rộng trong cộng đồng… Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, tổ liên gia tự quản trong việc rà soát, quản lý di biến động dân cư; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại địa bàn dân cư gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị.


Thành viên Tổ phòng, chống Covid cộng đồng Tổ dân phố 2, phường Trưng Trắc, TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) được nhân viên y tế hướng dẫn cách lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Trà Hương.

Thực tế ở Vĩnh Phúc cho thấy, các tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản đã phát huy vai trò tích cực ở địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19. Toàn tỉnh hiện có 1.370 tổ phòng, chống Covid cộng đồng với 11.186 thành viên, cùng với các chiến sĩ trên tuyến đầu phòng, chống dịch, các tổ phòng, chống Covid cộng đồng ở khu dân cư đã phát huy hiệu quả trong việc “truy vết thần tốc” với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Toàn huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc có trên 1.000 tổ liên gia tự quản, ngay sau khi được kích hoạt, các tổ liên gia ở các địa phương đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp", thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, đã tham gia tích cực phong trào "2 xây, 2 chống", cung cấp tin báo cho lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Nhờ sự đồng lòng trong phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, gần 6 tháng liên tiếp (tính đến ngày 15-11-2021), Bình Xuyên không có thêm ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng.

Để triển khai kế hoạch “vùng xanh”, TP. Phúc Yên hiện đang duy trì 578 tổ liên gia tự quản với hơn 6.400 thành viên, 91 tổ xung kích và 11 tổ phản ứng nhanh phối hợp với tổ phòng, chống Covid cộng đồng tăng cường nắm địa bàn, kiểm soát, quản lý chặt các trường hợp về từ vùng dịch cũng như công dân thành phố đi làm tại các địa bàn khác trở về. Tại các cơ quan, đơn vị đều thành lập tổ phòng, chống dịch Covid-19, có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch, phân công cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc người đến làm việc thực hiện các biện pháp theo quy định; bố trí tủ thuốc, test nhanh, khẩu trang, dung dịch khử khuẩn. Thực hiện test kiểm tra cho khách đến công tác và những cán bộ đi công tác về, test sàng lọc tỷ lệ % theo quy định.

Huyện Vĩnh Tường hiện đang là “điểm nóng” Covid-19 của tỉnh khi liên tiếp xuất hiện các ca dương tính với Covid-19, tập trung chủ yếu ở 2 xã Lũng Hòa và Bồ Sao. Huyện uỷ đã chỉ đạo khẩn trương “Phát hiện - Ngăn chặn - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; nâng cấp độ phòng dịch lên mức cao; tập trung nhân lực, vật lực và mọi phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch. Với quan điểm “chống dịch phải dựa vào dân”, huyện Vĩnh Tường tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân trong công tác phòng dịch. Toàn huyện hiện có 271 tổ phòng, chống Covid cộng đồng được thành lập và thường xuyên được kiện toàn với 2412 thành viên. Các thành viên được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên được cập nhật thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh để sát cánh cùng cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng tuyến đầu chống dịch nhanh chóng “đẩy lùi” dịch bệnh, đưa Vĩnh Tường trở về trạng thái bình thường mới.

Cùng với việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương trong tỉnh cũng đồng thời tích cực đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án… để hoàn thành mục tiêu kép theo chủ trương của Trung ương và Tỉnh uỷ. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép. Theo đó, toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất, trách nhiệm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, dành tối đa thời gian cho công tác chỉ đạo, kiểm tra cơ sở, hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất. Kịp thời và nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh trong chống dịch và phát triển kinh tế…

Với những giải pháp đúng đắn đã và đang triển khai, tin tưởng rằng Vĩnh Phúc sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đề ra trong năm 2021, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững những năm tiếp theo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất