Khởi công tuyến cao tốc tại ĐBSCL đi qua 4 tỉnh, thành phố: Châu Đốc, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng
Quang cảnh Lễ khởi công (Ảnh: Báo Giao thông)

Quang cảnh Lễ khởi công (Ảnh: Báo Giao thông).

Hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026

Phát biểu tại Lễ khởi công (tại điểm cầu An Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong thời gian rất ngắn, An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nỗ lực rất lớn để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần, mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc trong năm 2026.

“Tôi đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, của Bộ GTVT; Biểu dương chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có Dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Dự án”, Thủ tướng nói.

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thực hiện Dự án phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; Huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Dự án thi công đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

UBND tỉnh An Giang và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án; Cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công Dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công (Ảnh: Báo Giao thông).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công (Ảnh: Báo Giao thông).

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-3-2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuân thủ quy chuẩn xây dựng, quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực  GTVT, kế hoạch đầu tư, xây dựng công trình, dự án, kết nối đồng bộ với mạng lưới công trình giao thông đang khai thác. Hướng dẫn quy trình triển khai dự án cho các địa phương nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành (quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật...); kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ dự án.

Dự án sẽ tạo ra không gian, nguồn lực mới phục vụ phát triển ĐBSCL

Phát biểu tại Lễ khởi công (điểm cầu Hậu Giang), Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, vùng ĐBSCL thời gian qua luôn được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm với nhiều quyết sách quan trọng; gần đây nhất ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với tinh thần khẩn trương, tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết, Chương trình hành động, đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững là một trong những nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ này; đặc biệt các dự án đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL được triển khai. Ngày 16-6-2022 Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1, gồm 4 dự án thành phần, với tổng chiều dài 188km.  

Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, góp phần phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại; cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng; Dự án sẽ tạo ra không gian, nguồn lực mới phục vụ phát triển KT - XH. Trong tương lai gần, Dự án là nền tảng để các tỉnh trong khu vực kết nối với Cảng biển quốc tế Trần Đề để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đi các nước trên thế giới. 

Cũng theo đồng chí Đồng Văn Thanh, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản để thực hiện 1 dự án thành phần, với chiều dài 37km, có 1.118 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi 260ha. Theo Nghị quyết 91 của Chính phủ, giao địa phương tiến hành triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với công tác lập dự án đầu tư và bàn giao mặt bằng 70% diện tích trước ngày 30-6-2023.

Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại đầu cầu Hậu Giang.

Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại đầu cầu Hậu Giang (Ảnh: Cảnh Kỳ).

“Đây là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên giao tỉnh làm cơ quan chủ quản, cho nên trong tổ chức thực hiện cũng gặp những khó khăn, lo lắng. Nhưng với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao với công việc, không ngại khó, tỉnh đã nỗ lực để thực hiện hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo chất lượng. Đến nay đã hoàn thành tất cả các thủ tục và đủ điều kiện khởi công Dự án theo quy định; đặc biệt là đã thu hồi đất đạt 84,6%, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công.

Đạt được kết quả trên, chúng tôi rất cảm ơn sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ GTVT, sự ủng hộ và đồng thuận rất cao của bà con nhân dân nơi Dự án đi qua trong công tác thu hồi đất. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đang rất háo hức, chờ đợi ngày mà Dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh được chính thức khởi công và bắt đầu triển khai thực hiện.

Có thể nói, việc khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1 hôm nay, là sự kiện đặc biệt quan trọng của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nói chung và của Hậu Giang nói riêng. Tôi tin tưởng rằng, sau Lễ khởi công này, Dự án sẽ được triển khai thi công hoàn thành sớm hơn tiến độ đề ra và đảm bảo chất lượng, hiệu quả” - đồng chí Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Sự kiện được người dân ĐBSCL đặc biệt mong đợi

Lễ khởi công tuyến cao tốc này là một sự kiện hết sức có ý nghĩa và được người dân ĐBSCL đặc biệt mong đợi. Việc triển khai xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 của Trung ương và các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Điểm đầu cao tốc kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi hoàn thành không chỉ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng mà còn kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế khác trong cả nước.

Khi đưa vào khai thác, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và một số tuyến giao thông quan trọng khác, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực. Hàng hóa, nông sản của ĐBSCL sẽ được đưa đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng. Đồng thời, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp từ các khu vực khác về ĐBSCL cũng được thuận tiện hơn.

Ngoài ra, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng, tạo sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư đến với ĐBSCL.

Có thể nói, tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL là tuyến đường đã được bà con miền Tây mong chờ nhiều năm nay, khi hoàn thành sẽ mang lại sinh kế, có thể còn là mang lại cơ hội đổi đời cho bà con trong khu vực.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất